Chậm chân, Vedan có thể phủi trách nhiệm

Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ T.ƯHND
Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ T.ƯHND
TP - Tôi thấy Vedan không thiện chí, còn mặc cả. Gây thiệt hại nặng nề như vậy mà còn cò kè thêm bớt từ 7 tỷ lên 12 tỷ rồi 16 tỷ đồng. Quan điểm của Trung ương Hội Nông dân VN (T.ƯHND) rất rõ ràng: Vedan gây ra hậu quả thì phải có trách nhiệm bồi thường.

>> Vedan cò kè, người dân bức xúc

Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ T.ƯHND, phụ trách 19 tỉnh thành phía Nam khẳng định với Tiền Phong.

Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ T.ƯHND
Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ T.ƯHND.

Ông Làm nói: Biết hành vi xả nước thải ra môi trường là độc hại, nguy hiểm mà Vedan vẫn cứ làm. Vụ cháy nổ giàn khoan gây tràn dầu trên vịnh Mexico (Mỹ) là sự cố nằm ngoài ý muốn, vậy mà tập đoàn BP vẫn rất có trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại. Còn trường hợp của Vedan là cố tình vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, hành xử như vậy là không thể chấp nhận được.

Ông có cảm giác gì khi đại diện Vedan cương quyết đòi thay cụm từ “bồi thường” thành “hỗ trợ” mới đồng ý ký biên bản cuộc họp hôm 22-7?

Sử dụng từ “hỗ trợ” cho mềm. Vấn đề là, không phải muốn hỗ trợ thế nào cũng được. Vedan muốn bắt bẻ nông dân khi đòi phải cung cấp chứng cứ. Chứng cứ là chúng tôi đã bắt quả tang anh xả nước thải độc hại chưa xử lý ra môi trường, chứ không phải là dựng chuyện.

Hơn 14 năm trước, tình hình sản xuất nông nghiệp của những vùng này phát triển như thế nào? Vậy mà, sau khi bị anh đầu độc, sản lượng đánh bắt trên sông và cây trồng, vật nuôi bị giảm mạnh. Nghiêm trọng hơn, bà con nông dân trực tiếp lội dưới sông này bị bệnh, đặc biệt là phụ nữ.

Hậu quả ấy, bây giờ, gia đình họ phải gánh chịu. Nước thải Vedan xả ra sông Thị Vải ngấm vào trong đất, muốn cải tạo được cần phải mất rất nhiều tiền và thời gian.

Thái độ của Vedan có phải do sự nhân nhượng của chúng ta trong suốt thời gian vừa qua?

T.ƯHND vẫn muốn thương lượng để đạt mục đích yêu cầu Vedan hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân bị thiệt hại, khỏi đưa vụ việc ra pháp luật. Mục đích thương lượng cũng xuất phát từ đạo lý, tình nghĩa.

Vedan sang làm ăn, cùng Việt Nam phát triển trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Đó là giải quyết việc làm cho các hộ dân trồng mì, trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, giải quyết nhiều công lao động và đời sống của người dân địa phương. Việc đó mình thừa nhận và cảm ơn. Nhưng, họ vi phạm như thế này là không thể chấp nhận.

Thương lượng, song cái gì cũng vừa phải thôi. Mức hỗ trợ TPHCM đưa ra 45,7 tỷ đồng đã là dưới 50% con số thiệt hại. Giả sử Vedan đồng ý thì Hội cũng phải về hỏi ý kiến xem dân có đồng ý không chứ Hội không có quyền.

Nông dân chịu chấp nhận mức thấp nhất là 45,7 tỷ đồng. dưới mức đó chắc chắn là họ không chịu. Với số tiền trên, chia đều cho hơn 800 hộ thì mỗi hộ chẳng còn được bao nhiêu. Cho dù có bán hết nhà máy Vedan cũng không hồi phục được sông Thị Vải.

Nhưng thưa ông, việc thương lượng đã tiêu tốn quá nhiều thời gian lại không đạt kết quả mong muốn?

Nếu hết thời gian khởi kiện, Vedan có thể phủi tay, rũ bỏ trách nhiệm đối với nông dân. TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu thì còn kịp. Riêng Đồng Nai, đến thời điểm này, tôi cho rằng tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và Hội ND tỉnh Đồng Nai chưa hoàn thành nhiệm vụ với dân và nhiệm vụ nhà nước đã giao. T.Ư Hội ND sẽ có văn bản báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm về quản lý của nhà nước đối với các nguồn chất thải chưa xử lý. Đất nước có phát triển đến đâu, tiền lời cũng không đủ để bù đắp những tổn hại của môi trường sinh thái. Các cơ quan xí nghiệp xây dựng hạ tầng, nhà máy đều trên đất nông nghiệp thì nông dân là người chịu thiệt hại trước nhất.

Quan điểm của Hội là phải xử lý vụ việc Vedan đến nơi đến chốn để làm gương, nếu không nông dân sẽ gánh không nổi những thiệt hại từ môi trường trong thời gian tới.

Đồng Nai chưa hoàn tất công tác khảo sát thiệt hại, công chứng giấy tờ cho người dân, trong khi chỉ còn khoảng một tháng rưỡi nữa là hết thời hiệu khởi kiện thì liệu có còn hy vọng?

Mình đã có hồ sơ khai báo của dân, có thống kê mức thiệt hại do người dân đưa ra là hơn 200 tỷ đồng. Để chứng minh được thiệt hại của người dân thì Sở Tài nguyên Môi trường, Sở KH&CN và UBND tỉnh phải thành lập ra Ban chỉ đạo làm quyết liệt. Không chỉ Đoàn Luật sư (LS) tỉnh mà LS các tỉnh khác cũng có thể đến hỗ trợ pháp lý cho các nông dân Đồng Nai, phân công mỗi người chịu trách nhiệm một số hộ...

Trên cơ sở số liệu của Bộ TN&MT, Bộ KH&CN cung cấp, nếu tỉnh Đồng Nai tích cực thì bây giờ vẫn làm kịp. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ai sẽ nộp án phí. Chúng tôi đã báo cáo Chủ tịch T.ƯHND để bàn bạc, tìm hướng giải quyết.

Huy Thịnh
Thực hiện

Đồng Nai sẽ khởi kiện Cty Vedan

Ngày 23-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã cùng với các ngành chức năng trong tỉnh họp bàn về vấn đề khởi kiện Cty Vedan.

Tại cuộc họp, các ngành chức năng thống nhất sẽ khởi kiện Cty Vedan nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Theo đó, TAND tỉnh sẽ chỉ đạo cho TAND huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch tiếp nhận đơn, hồ sơ kiện cuả người dân; nếu hộ nào chưa hoàn chỉnh hồ sơ thì nhận đơn, sau đó họ sẽ bổ sung hồ sơ để tránh tình trạng hết thời hiệu khởi kiện.

Riêng về án phí, nhiều ý kiến cho rằng đa số người kiện là hộ nghèo nên theo quy định họ được miễn, giảm. Ngoài ra, sẽ đề nghị tỉnh sẽ tạm ứng án phí cho nông dân từ nguồn Quỹ bảo vệ môi trường.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai đề xuất nếu UBND tỉnh đồng ý, Hội Luật gia sẽ huy động tối đa số luật gia, luật sư hiện có của tỉnh có khoảng 300 người để tư vấn, hướng dẫn nông, ngư dân viết đơn, hoàn thành thủ tục kiện Cty Vedan ra toà.

MỚI - NÓNG