Chấm điểm bộ, tỉnh, huyện

Chấm điểm bộ, tỉnh, huyện
TP - Ngày 17- 12, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Chỉ số này sẽ “chấm điểm” các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác cải cách hành chính, bao gồm cả việc tuyển dụng công chức.

> Hà Nội điều tra xã hội học 5 sở 'nhạy cảm'
> Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin chạy công chức 100 triệu

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) để đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngành bộ và UBND các tỉnh, thành phố.

Chỉ số gồm nhiều tiêu chí thành phần trong đó có việc các cơ quan tự đánh giá, điều tra xã hội học từ ý kiến người dân và doanh nghiệp. Bộ chỉ số này là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá cải cách hành chính được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Theo Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa, dự kiến tháng 5- 2013 lần đầu tiên sẽ có kết quả đánh giá chỉ số này tại 21 bộ, cơ quan, ngang bộ (không đánh giá Văn phòng Chính phủ) và 63 tỉnh, thành phố.

Đáng lưu ý, trong bộ chỉ số đánh giá CCHC cấp tỉnh sẽ xác định tỷ lệ cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức. Tuy nhiên, ông Hòa thừa nhận, phát hiện được tiêu cực trong tuyển dụng công chức là không đơn giản.

“Chúng tôi hy vọng trong quá trình triển khai bộ chỉ số này, tiếng nói của người dân, báo chí có thể góp phần phát hiện tiêu cực để đánh giá chính xác”- ông Hòa nói.

Khi triển khai trên diện rộng, cùng Bộ Nội vụ còn có Hội đồng thẩm định để đánh giá kết quả cuối cùng. Từ đó, Hội đồng thẩm định có thông tin để xem xét những dấu hiệu tiêu cực trong tuyển dụng công chức.

Ông Đinh Duy Hòa cũng cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng phương pháp đo mức độ hài lòng của người dân đối với công tác CCHC. Bộ Y tế xây dựng phương pháp đo mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ y tế công.

Bộ GD&ĐT đánh giá về mức độ hài lòng với cơ sở giáo dục công lập. Từ đó, có chỉ số hài lòng của người dân đối với nền hành chính. “Ví như năm 2012 chúng ta hỏi người dân về chất lượng dịch vụ y tế công lập thì tỷ lệ hài lòng sẽ thấp”- ông Hòa nói.

Phát biểu tại lễ công bố chỉ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền hành chính trong sạch, thông suốt, hiệu quả. Trong đó, quan trọng là vai trò của người đứng đầu. Để bộ máy trì trệ, người dân, doanh nghiệp kêu thì cần xem xét trách nhiệm người lãnh đạo.

“Chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan về vai trò của Bộ chỉ số chính là ở chỗ: Sự yếu kém, tồn tại của CCHC không chỉ là do chưa có bộ chỉ số này mà vấn đề cốt lõi chính là phương pháp, cách làm và con người làm cải cách, đặc biệt là quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp”- ông Phúc nói.

Theo Phó Thủ tướng, dù tiêu chí gì đi nữa cũng phải có cán bộ giỏi chuyên môn, có phẩm chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Cán bộ trong hệ thống chính quyền phải nêu gương, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Đề cập thông tin tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng nói: “Nhân có lãnh đạo Sở Nội vụ ở đây, khi một đồng chí ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nêu tiêu cực ở cấp trưởng phòng nội vụ quận, huyện thì chúng ta phải thanh tra, kiểm tra thế nào. Chứ không phải cứ nói như vậy rồi không làm gì nữa đâu. Báo chí, dư luận đã nêu như vậy thì các cơ quan liên quan phải vào cuộc. Chúng ta có để như vậy được không? Không bao giờ để tình trạng đó xảy ra. Do vậy, phải khắc phục, chấn chỉnh hiện tượng này”.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã phản ánh: Một số trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức với số tiền không dưới 100 triệu đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG