Chấm dứt ngay đoán mò

Chấm dứt ngay đoán mò
TP - Người từng đứng đầu Viện Vật lý Địa cầu, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, đề nghị tổ chức lắp đặt ngay lập tức các máy đo địa chấn gần nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để sớm chấm dứt cái mà lâu nay ông cho chủ yếu là “đoán mò” tình trạng động đất ở vùng này.

> Các nhà khoa học “bắt mạch” động đất

“Không thể viện bất cứ lý do gì để tiếp tục chậm trễ lắp đặt các máy quan trắc động đất ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, khi tình trạng hoảng loạn ở vùng này ngày càng gia tăng”, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, một trong những chuyên gia hàng đầu về địa chất ở VN, nói với PV Tiền Phong hôm qua.

Nghèo nàn số liệu

Tấm bản đồ rung chấn quanh thủy điện Sông Tranh 2 mấy ngày qua được PGS.TS Nguyễn Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) chuyển cho PV Tiền Phong chiều 7-9.

Các dấu chấm với hình dạng khác nhau trên bản đồ cho thấy vị trí các chấn tâm động đất dưới lòng đất và các rung chấn trên bề mặt đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 cũng như một đứt gãy địa chấn khá nguy hiểm mang tên Hưng Nhượng-Tà Vi.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phượng, từ mùng 3-9 đến 7-9, các thiết bị đo của Viện VLĐC chỉ xác định được tổng cộng bốn tâm chấn dưới lòng đất ứng với bốn trận động đất mạnh từ 3 độ Richter trở lên, ứng với vị trí bốn ngôi sao.

Khoảng 23 dấu hoa thị biểu thị cho vị trí động đất quan sát được bằng máy gia tốc đặt tại mặt đập thủy điện Sông Tranh. Đấy là các thiết bị của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 (QLDA), không phải của Viện VLĐC.

Nhưng các thiết bị ấy không xác định được chấn tâm của động đất cũng như độ lớn của động đất. Thay vào đó, chúng chỉ xác định được rung chấn trên bề mặt đất căn cứ kết quả đo gia tốc dao động nền.

Nói cách khác, không ai biết các trận động đất ở 23 vị trí ấy mạnh bao nhiêu, độ sâu chấn tiêu (tức khoảng cách từ tâm trận động đất đến bề mặt đất) thế nào.

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nói: “Khó có thể nhận định chính xác nguyên nhân và chiều hướng động đất. Đây lại là thông tin có tính quyết định để các bên xác định các biện pháp ứng phó thích hợp”.

Tóm lại, Viện VLĐC không nắm được diễn biến thực tế động đất tại vùng huyện Bắc Trà My suốt thời gian qua do chỉ dựa vào một trạm quan trắc đặt ở tỉnh Bình Định và một trạm ở Huế thuộc chương trình hợp tác với Đài Loan.

Ngay với trận động đất tối 3-9, trạm quan trắc cũng không truyền được số liệu tức thời về sở chỉ huy trung tâm ở Hà Nội.

Ngày 8-9 tại tỉnh Quảng Nam, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện VLĐC, thông báo có 11 trận động đất liên tiếp tại khu vực Bắc Trà My từ tối 3-9 đến nay.

Không thấy TS Minh nói bao nhiêu trong số 11 trận ấy được quan trắc trực tiếp bằng máy của Viện VLĐC và bao nhiêu được ngoại suy bởi các máy gia tốc ghi rung động của Ban QLDA.

Hổng từ đầu

Bản thân số liệu thu thập từ máy của Ban QLDA cũng nghèo nàn và độ tin cậy không cao. Sau chuyến thực tế tại đập thủy điện Sông Tranh 2 từ ngày 7-4 đến 10-4, đoàn công tác của Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam thấy Ban QLDA có cho lắp đặt trên thân đập tới 600 bộ cảm biến để theo dõi các thông số liên quan an toàn đập.

Tuy nhiên, “nhiều thiết bị chưa được kết nối với trung tâm quan sát đặt tại mặt đập”, báo cáo của Viện VLĐC viết.

Bốn máy gia tốc của Ban QLDA ghi rung động đập, bộ dữ liệu chính để các cán bộ Viện VLĐC dựa vào để ngoại suy các trận động đất ở đây, cũng bỏ lọt nhiều số liệu. Hai chiếc đến đầu tháng 12-2011 mới được đặt trên mặt đập.

Như vậy, không có số liệu ghi gia tốc các trận động đất liên tiếp kèm hàng loạt tiếng nổ dưới lòng đất hồi tháng 11-2011.

Mãi đến 20-4-2012, hai máy gia tốc còn lại mới được lắp đặt theo thiết kế. Vẫn theo báo cáo, “Ban QLDA không xử lý được các số liệu” do máy gia tốc ghi. Căn cứ các dữ liệu ghi được từ các máy gia tốc, Viện VLĐC đã phục hồi lịch sử động đất ở thủy điện Sông Tranh từ 24-12-2011 đến 15-4-2012.

Có tổng cộng 37 trận trong đó thiết bị của Viện VLĐC chỉ quan trắc được ba trận. Như vậy, 34 trận còn lại không biết mạnh bao nhiêu, độ sâu chấn tiêu thế nào và, thậm chí, có tồn tại hay không.

Giai đoạn quan trọng trước đó, tháng 11-2012, khi hàng loạt tiếng nổ bùng bục dội ra từ lòng đất, cả bốn máy gia tốc không hoạt động như đã nêu ở trên. Vì thế, các nhà khoa học, không thể phục hồi được diễn biến thực tế của động đất giai đoạn đó ra sao.

Chỉ biết, trong tháng 11-2011 (ngắn hơn nhiều so với giai đoạn từ 24-12-2011 đến 15-4-2012), Viện VLĐC ghi nhận tới năm trận, tức là xác định được độ lớn và độ sâu chấn tiêu của từng trận.

Thiếu số liệu và số liệu không tin cậy, nhưng lãnh đạo Viện VLĐC liên tục khẳng định nguyên nhân “chắc chắn là những trận động đất kích thích”.

GS.TS Xuyên thiên về khả năng động đất do kích thích. Ông cũng quan tâm nhận định mới đây của TS Nguyễn Hồng Phượng về khả năng các trận động đất mới nhất và mạnh nhất là do kiến tạo vỏ trái đất, do các đứt gãy địa chất gần thủy điện Sông Tranh hoạt động. Tuy nhiên, ông cho rằng, tất cả chỉ đều là suy đoán.

“Trong bối cảnh động đất liên tục xảy ra, bà con và chính quyền địa phương ngày càng cảm thấy bất an như thế, tôi không hiểu tại sao đến hôm nay vẫn chưa cấp nào ra quyết định mặc dù kinh phí cho năm máy quan trắc động đất tại chỗ chỉ cỡ hai tỷ đồng”, GS.TS Xuyên thắc mắc.

Chuyên gia trên 40 năm kinh nghiệm cho rằng việc đoàn khoa học dự kiến ngày 12-9 công bố nguyên nhân động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 “vẫn khó thuyết phục vì thiếu các bằng chứng thực tế mà lẽ ra có thể khắc phục được nếu không vì tệ quan liêu”.

Thiết bị quan trắc động đất vẫn kẹt tại Nội Bài

Liên quan lô thiết bị quan trắc động đất của dự án Thủy điện Sông Tranh 2, do Cty TNHH Techcom Life Technology Việt Nam (trụ sở tại KĐT Mỹ Đình, Hà Nội) nhập khẩu bị ách tại cảng hàng không Nội Bài từ tháng 6, chiều qua (9-9), trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nội Bài, cho biết: “Đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa có công văn xin thông quan lô hàng này. Tôi chưa nắm được số liệu nợ thuế của doanh nghiệp này, vì phải tra cứu trên hệ thống”. Nhưng ông Liên cho hay, trong các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho mục đích chống bão lụt, dịch tễ… nếu có ý kiến của cơ quan cấp trên thì hải quan có thể xem xét cho làm thủ tục thông quan trước, nộp thuế sau.

Được biết, lô hàng được nhập khẩu từ Canada, đã về tới cảng Nội Bài từ ngày 4-6. Nhưng đến thời điểm này, cơ quan hải quan vẫn chưa cho thông quan vì doanh nghiệp còn nợ thuế của lô hàng nhập khẩu trước đó gồm 24 xe ôtô của dự án hỗ trợ y tế đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 1 tháng trước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho thông quan gấp lô thiết bị này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.