Quanh dự án cải tạo chung cư tối nguy hiểm B6 Giảng Võ (Hà Nội):

Chấm dứt ngay những nhùng nhằng nguy hiểm tới dân!

Chấm dứt ngay những nhùng nhằng nguy hiểm tới dân!
TP - Nhiều tháng nay, dự án phá cũ, xây mới chung cư B6 Giảng Võ được dư luận quan tâm rất nhiều, bởi đây là một trong những dự án tiên phong, thí điểm về cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn Thủ đô theo chủ trương xã hội hóa.

Với các thông tin thêm sau đây, chúng tôi hy vọng chấm dứt những tranh cãi không đáng có.

Tính mạng của dân hay sự đồng thuận?

Chấm dứt ngay những nhùng nhằng nguy hiểm tới dân! ảnh 1
Một đoạn mặt tiền chung cư B6 Giảng Võ

Không phải đến tháng 11/2006 khi ông Trần Chủng- Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình XD (Cục GĐ) - ký Văn bản 527/GD - GĐ1 gửi Sở TN-MT&NĐ HN thông báo kết luận của Viện Khoa học Công nghệ (KHCN) XD, “mức độ nguy hiểm của cả nhà B6 được đánh giá cấp D: khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”, thì chung cư này mới bắt đầu nguy hiểm.

Thực tế, đối với các cơ quan chuyên môn của Hà Nội và Bộ XD, nhà B6 nguy hiểm đã lâu là điều không ngạc nhiên. Phóng viên Tiền phong đang có nhiều tài liệu thể hiện khu nhà này đã bị lún, nứt, sập từng mảng, được gia cố nhiều lần từ giữa những năm 90 thế kỷ trước.

Ngày 1/7/1999, Đoàn Kiểm tra liên ngành (theo Quyết định của UBND TPHN) gồm 12 chuyên gia từ nhiều sở, viện, phòng đã ghi nhận hàng loạt hư hỏng nặng và đưa B6 vào danh sách nhà nguy hiểm.

Năm 2000, B6 đã được Cty Kinh doanh nhà 1 (Sở ĐC-NĐ HN) đưa vào kế hoạch sửa chữa đặc biệt hằng năm. Lúc ấy, Cty cổ phần Hà Nội ICT nào đó mà một số người đưa ra để tung hỏa mù chưa ra đời. Cty ICT khai sinh cuối năm 2003; giữa 2004 được UBND thành phố giao nghiên cứu, lập dự án xây mới nhà B6.

Không phải kết luận của Cục giám định và Viện KHCN XD là “theo đơn đặt hàng của ICT” như một số ít người phao tin. Thực tế, trước tình trạng nhà nguy hiểm tại đây cùng phản ánh liên tục của UBND phường sở tại, trong năm 2006, Sở TN-MT&NĐ đã hai lần gửi công văn đến Cục GĐ, xin ý kiến để có hướng xử lý.

Tháng 9/2006, Hợp đồng kinh tế 394/2006-VKH được ký giữa Cty Quản lý & Phát triển nhà HN (Sở TN-MT&NĐ) và Viện KHCN XD nhằm đánh giá tiếp mức độ nguy hiểm của kết cấu. Sau đó đã có Biên bản nghiệm thu kết quả kiểm định.

Dựa vào kết quả này, ngày 6/11/2006, Cục GĐ ra thông báo trên và ngày 3/1/2007, UBND thành phố có Công văn 23/UBND-XDĐT chỉ đạo di dời ngay các hộ gia đình. Vả lại, vấn đề không ở chỗ ai đề nghị giám định, mà ở chỗ khu nhà đó từ lâu đã rất không an toàn.

Chẳng biết có quên Luật Nhà ở và Luật XD hay không mà nay (sau khi các đồng nghiệp cùng Bộ nỗ lực khảo sát, xác định loại D - “tối nguy hiểm”) cho chung cư B6, ông Chánh thanh tra Bộ XD Phạm Gia Yên lại tuyên bố: “Bây giờ không phải lúc bàn  mức độ nguy hiểm A hay D, mà quan trọng hơn là sự đồng thuận của dân”; rồi “Nhà B6 được xác định nguy hiểm cấp D từ cuối 2006 nhưng đến nay đã sao đâu? Dù đã xác định là nhà nguy hiểm cấp D nhưng không đồng nghĩa với việc dân phải di dời ngay”(?!)...

Tuyên bố này trái Luật, vì Luật đã định: Nhà hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì buộc phải phá dỡ, di dời không chờ đồng thuận, thậm chí cưỡng chế nếu không tự nguyện, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Nói như ông Yên thì phải đến lúc nhà sập mới bàn về mức độ nguy hiểm? Hay phải chờ dân đồng thuận 100% (điều không tưởng ở mọi chung cư kiểu này)? Vậy ông Chánh thanh tra còn muốn dân ở lại làm gì?

Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là phải kết luận, sau đó giám sát, đôn đốc thực hiện đúng theo Luật, chứ không phải hỏi ngược: “Kết luận thế nhưng đến nay đã làm sao đâu?”.

Về việc này, Phó Viện trưởng KHCN XD Nguyễn Xuân Chính quan niệm: “Đúng là hàng năm nay,  từ khi nhà đó được kết luận tối nguy hiểm vẫn chưa sập, nhưng nó có thể sập ngay tối nay, không ai biết trước được”.

Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị cũng từng nói: “Các tầng trên muốn đi lắm rồi nhưng tầng trệt thì không. Kiểm tra cho thấy (nhà B6) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng tầng trệt vẫn nói: Khi nào sụp hẵng hay, tôi chưa thấy sụp. Chờ đến lúc sụp thì Nhà nước mang tội rồi còn gì. Vì vậy bằng mọi cách phải chủ động di dời, thay thế trước khi khu nhà sụp đổ”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đồng khẳng định: “Còn nhiều ý kiến khác nhau, phải bàn bạc, nhưng với nhà nguy hiểm như B6 thì không thể bàn bạc được. Giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật, nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng người dân”.

Không chỉ phát ngôn vậy, ngày 5/10 vừa qua, ông Chánh TT Bộ còn sốt sắng ra văn bản trả lời “đơn khiếu nại” của một người mạo  danh “trưởng đại diện nhà B6”. Thực tế, qua tìm hiểu của PV Tiền phong, đến nay vẫn chưa bầu được ai làm “trưởng đại diện” ở đây.

Ông Chánh TT Bộ còn trả lời thay lãnh đạo thành phố về việc “đang xúc tiến cưỡng chế dân để thực hiện xây dựng”; trong khi thực tế và đúng luật, lãnh đạo thành phố chủ trương như đã công bố là “chỉ cưỡng chế nếu cản trở, chống đối”.

Lại nữa, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà chỉ “sau khi nghiên cứu đơn, Chánh thanh tra Bộ có trao đổi với ông Đỗ Viết Bình – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình...” (như chính ông xác nhận) rồi trả lời liền.

Về một dự án phức tạp, đang giai đoạn nghiên cứu với hàng chục cuộc họp lớn nhỏ... mà chỉ trao đổi với một Phó Chủ tịch quận không phụ trách xây dựng, cũng không trong ban chỉ đạo giải quyết việc này, trong khi chưa làm việc với lãnh đạo TP, quận, phường và đông đảo dân nhà B6, ông Yên đã có ngay “đáp án”(?!)

Nhà chung cư không phải sở hữu tư nhân

Luật Nhà ở đã qui định rõ phần sở hữu riêng và chung tại các chung cư, trong đó phần sở hữu riêng gồm: diện tích bên trong căn hộ (cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó); hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu riêng.

Phần sở hữu chung gồm tất cả diện tích còn lại của chung cư (ngoài phần sở hữu riêng), như: không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật chung, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, bể phốt...

Nói như Bộ trưởng XD Nguyễn Hồng Quân: “Sở hữu căn hộ chung cư phải hiểu rằng những cái không thuộc sở hữu tư nhân nghĩa là công cộng, mà công cộng là việc của chính quyền. Nhà đã xuống cấp, nguy hiểm, không muốn cũng vẫn phải đi. Tầng trệt không bao giờ muốn đi vì lấn chiếm, buôn bán được - Phải tính chuyện cưỡng chế. Đô thị xập xệ, lụp xụp - Cải tạo là quyền qui hoạch của chính quyền”.

Vậy nên, việc đòi hỏi “dân là chủ sở hữu nhà có quyền chọn chủ đầu tư để hai bên thảo luận hợp đồng phá dỡ, di chuyển, tái định cư... chứ không phải do Nhà nước làm thay”, chỉ phù hợp khi nói về nhà biệt thự, chia lô riêng lẻ, không áp vào các dự án cải tạo chung cư được.

Nếu chiều theo đòi hỏi phi lý này, tức phải sửa hàng loạt luật, nghị định, nghị quyết, quy chế hiện hành từ trung ương đến địa phương.

Vậy là đã đến lúc không thể kéo dài thêm những nhận định vô nguyên tắc quanh dự án này. Dự án cần phải được triển khai như đã hoạch định; có thế mới mở đường cho hàng loạt dự án cải tạo chung cư cũ nát tiếp theo, nhằm chỉnh trang đô thị và đảm bảo an toàn xã hội.

 Tổ PV Kinh tế - Xã hội

MỚI - NÓNG