Chậm giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Phú Mỹ

Chậm giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Phú Mỹ
Để xây dựng cầu Phú Mỹ, ở đầu cầu phía Quận 7 (TPHCM) có 7 cơ quan, doanh nghiệp phải di dời giải toả thì chưa đơn vị nào chấp nhận các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng,
Chậm giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Phú Mỹ ảnh 1

Tổng diện tích thu hồi trên Quận 2 là 129.027 mét vuông trong đó đất sử dụng lâu dài (quyết định thu hồi) là 48.683m2 và đất phục vụ thi công (quyết định phê duyệt ranh chiếm dụng tạm thời) là 80.344 m2 trong đó có 60.000 m2 là công trường phục vụ thi công cầu.

Theo ông Nguyễn Thế Lực - Phó trưởng ban giải phóng mặt bằng cầu Phú Mỹ, Q2 thì trên địa bàn Quận 2 có 51 hộ cần thu hồi với diện tích 106.309 m2, cuối tháng 7 đã giải quyết chi bồi thường 25 hồ sơ với tổng diện tích 34.912m2, 10 hồ sơ đã thực hiện cưỡng chế với diện tích 16.250 m2, có 2 hồ sơ đồng ý tạm giao mặt bằng nhưng vẫn còn khiếu nại.  

Theo dự án đầu tư, cầu Phú Mỹ được xây dựng trên địa phận Quận 2 và Quận 7 (TP HCM), cây cầu này sẽ góp phần lớn vào sự thúc đẩy kinh tế, xã hội của Quận 2, Quận 7 nói riêng và thành phố nói chung.

Tạm thu nhưng thu luôn

Trao đổi với chúng tôi vì sao tiến độ bàn giao mặt bằng ở Quận 2 chậm, ông Lực cho biết: Do hiện nay trên địa bàn Quận 2 có một số ngôi mộ, chúng tôi đang thông báo để chủ nhân đến nhận di dời. Thêm nữa là người dân có khiếu nại về giá cả, mà khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, giá đền bù chỉ 150.000 đồng/m2 theo quy định.

Tuy nhiên, vụ việc này hoàn toàn không đúng như vậy. Ông Nguyễn Anh Tuấn ở 282/19/6 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh là người đã tạm giao mặt bằng nhưng vẫn khiếu nại cho biết: “Ở đây chúng tôi không khiếu nại về giá cả, mặc dù nó rất thấp.

Sở dĩ tôi tạm bàn giao mà vẫn khiếu nại vì theo Quyết định 1956/QĐ-UB do Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua ký ngày 7/5/2004 thì ranh giới sử dụng tạm thời để làm công trường phục vụ thi công phía Quận 2 là 60.000 m2, Quận 7 là 24.000 m2.

Đây là số diện tích đất tạm thu trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày khởi công xây dựng công trình. Tôi có diện tích đất 3.545m2, theo bản đồ quy hoạch xây dựng cầu thì nó nằm trong tổng số 60.000 m2 đất phục vụ thi công công trình, sau khi thi công xong trả lại dân.

Ấy vậy mà UBND quận 2 lại ra quyết định thu luôn và bồi hoàn với giá 150.000 đồng/m2. Đây là điều nhập nhằng, gây thiệt hại cho dân và làm trái quyết định của thành phố”. 

Qua tìm hiểu, nhiều người dân cũng thắc mắc tại sao một công trình lớn như cầu Phú Mỹ lại chưa có quy hoạch, chưa có nơi tái định cư cho người dân. Theo chính sách hỗ trợ của dự án thì người dân được mua một căn hộ chung cư giá không kinh doanh nhưng đến nay người dân chỉ nhận được một giấy xác nhận cam kết có nhà tái định cư nhưng nó giá bao nhiêu, diện tích thế nào, bao giờ có và nằm ở đâu thì không ai rõ.

Chính ông Nguyễn Thế Lực cũng lắc đầu: “Hiện nay, chúng tôi mới chỉ ra một phiếu xác nhận cho người dân bị giải tỏa được mua nhà tái định cư. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch chi tiết nên chưa thể nói là căn nhà này ở đâu, diện tích bao nhiêu, giá cả thế nào. Hiện nay số lượng tái định cư trên quận rất lớn nên cũng chưa thể nói khi nào mới có nhà cho người dân được”.

Được biết, việc thi công xây dựng cầu Phú Mỹ trước đó đã được ấn định theo các mốc thời gian: ngày 31/12/2004, ngày 31/3/2005, ngày 31/5/2005 và 30/6 nhưng nay dời lại 15/8. Với những việc làm chưa thấu đáo, chắc rằng mặt bằng công trình khó có thể bàn giao trong tháng 8 này.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.