Chậm giao mặt bằng, nguy cơ phạt 2 tỷ đồng

Chậm giao mặt bằng, nguy cơ phạt 2 tỷ đồng
TP - Lễ phát động thi đua xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, lộ trình Bến Thành - Suối Tiên vừa được tổ chức tưng bừng vào ngày 14/7 tại TPHCM. Đằng sau những tràng vỗ tay, chủ đầu tư và cả lãnh đạo UBND TPHCM đang lo bị phạt nặng do vi phạm hợp đồng với nhà thầu.

> Metro TPHCM: Chi 8.000 tỉ đồng mua 17 đoàn tàu
> Bồi thường nếu chậm xây đường sắt đô thị

Dự án tuyến metro số 1 vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng
Dự án tuyến metro số 1 vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng.

Ngày 16/5/2012, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (BQL ĐSĐT) - đại diện cho UBND TPHCM (chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1) ký hợp đồng trọn gói (EPC) thực hiện gói thầu số 2 của dự án với liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6).

Quy mô gói thầu số 2 bao gồm xây dựng tuyến đường sắt trên cao dài 17,5 km với 11 nhà ga. Tổng trị giá gói thầu số 2 tương đương 15.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hà hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng triển khai quá chậm, vì vướng ở quận Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Có nơi, nhà thầu đến khoan địa chất nhưng bị ngăn cản, không cho làm.

Thương lượng để thi công theo kiểu “da báo”

Gói thầu số 2 của dự án được khởi công cuối tháng 8/2012 thời gian thi công là 235 tuần. Ông Lê Hồng Hà, Phó BQL ĐSĐT cho biết, theo hợp đồng thì phải bàn giao toàn bộ mặt bằng “sạch” cho nhà thầu trước ngày 2/7. Nếu chậm trễ, TPHCM sẽ bị phạt hơn 2 tỷ đồng/ngày, vì vi phạm hợp đồng với nhà thầu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, đang thương lượng và nhà thầu đã chấp thuận thi công theo kiểu “da báo”. Theo đó, địa điểm nào đã giải tỏa “sạch” thì bàn giao cho nhà thầu thi công ngay, thay vì bàn giao toàn bộ mặt bằng mới làm. UBND TPHCM đã yêu cầu UBND quận Thủ Đức hoàn thành công tác giải tỏa trước ngày 30/9.

Chạy dọc theo xa lộ Hà Nội (XLHN) nên việc giải phóng mặt bằng để thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 gắn với dự án mở rộng XLHN. Theo báo cáo của BQL ĐSĐT, đến thời điểm này trên địa bàn quận Thủ Đức mới đền bù giải tỏa được 89 hộ trong tổng số 270 hộ dân.

Một phần nguyên nhân của sự chậm trễ là công tác giải phóng mặt bằng có nhiều sai sót. Trên một số khu đất cỏ dại cao lút đầu tại ngã tư Thủ Đức, người dân cắm biển “đất có chủ, cấm vào”.

Ông Lương Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Phú Đức (481 xa lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) kể: “Thấy cả gia đình bà Vỵ (sinh năm 1965) phải sống chui rúc trong ống cống (chưa thi công, để tạm trên lề đường-NV), công ty cho mượn đất để mẹ con bà cất chòi ở tạm”. Nhà, đất của bà Nguyễn Thị Vỵ (tổ 13, Khu phố 1, phường Linh Trung) có tổng diện tích hơn 1.060 m2 bị cưỡng chế giải tỏa vào năm 2011.

Bà Vỵ ấm ức: “Tôi phận đàn bà, đất được bố mẹ chồng cắt cho từ năm 1980, toàn bộ thủ tục giấy tờ ông xã lo, sau ngày ổng mất (năm 2005) thì thất lạc hết. Thấy quá vô lý nên tôi khiếu nại và tiến hành trích lục lại giấy tờ, mới biết nhà đất của tôi có kê khai năm 1999. Ngoài ra, khi làm thủ tục tách hộ, Công an quận ghi rõ tôi chuyển đến đây từ năm 1992. Vậy mà UBND quận Thủ Đức cho rằng tôi chiếm đất lộ giới và hành lang an toàn đường ống cấp nước năm 2000 nên không bồi thường”.

Từ các hồ sơ chứng cứ mới người dân cung cấp, UBND quận Thủ Đức phải điều chỉnh quyết định bồi thường ba lần. Đến năm 2012, tổng số tiền bồi thường cho hộ bà Vỵ là trên 166 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Vỵ vẫn chưa đồng ý vì … mới tìm được giấy của UBND phường cách đây bốn năm, chứng nhận nhà đất có từ năm 1986. Một số trường hợp sai sót khác cũng đang đẩy mối hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng xa hơn.

Ngày 11/4, UBND TPHCM đã có văn bản số 244 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Lê Hoàng Quân. Theo đó, giao UBND quận Thủ Đức xác định giá trị bồi thường thiệt hại đất, tài sản trên đất (nếu có), tính hỗ trợ lãi suất cho từng trường hợp cụ thể. Chủ trương của UBND TPHCM là hoàn trả cho DN chi phí bồi thường.

Theo ông Nguyễn Đô Lương, Trưởng BQL ĐSĐT, tại gói thầu số 2, nhà thầu Liên danh Sumitomo-Cienco 6 đang thi công cọc khoan nhồi đoạn Thảo Điền-An Phú (100/102 cọc), đoạn Phước Long-Bình Thái (83/198 cọc), đoạn Bình Thái-Thủ Đức (23/156 cọc), Thủ Đức- Công nghệ cao (12/76 cọc). Khu vực Depot việc san lấp mặt bằng đã hoàn thành 100%.

Gói thầu 1a xây dựng đoạn ngầm 0,765 km từ Nhà ga Bến Thành đến Nhà hát Thành phố đã hoàn thành khảo sát xây dựng, hiện đang thiết kế tích hợp nhà ga Trung tâm Bến Thành và sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu trong năm 2014.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.