Chậm triển khai, 80% lượng chất thải xuống… kênh rạch

Chỉ có 20% lượng chất thải hầm cầu được các tài xế có ý thức đưa về nhà máy để xử lý. Ảnh: LT
Chỉ có 20% lượng chất thải hầm cầu được các tài xế có ý thức đưa về nhà máy để xử lý. Ảnh: LT
TP - Sáng 16-7, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) Công an TPHCM đã triệu tập ông Nguyễn La, chủ xe 54S 1351 và các đối tượng liên quan để làm rõ hành vi xả chất thải hầm cầu (CTHC) xuống cống gần khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) bị bắt quả tang vào trưa 15-7.

Tình trạng đổ trộm chất thải hầm cầu ở TPHCM đã ở mức đáng báo động.

Chậm triển khai, 80% lượng chất thải xuống… kênh rạch ảnh 1


Triển khai… trên giấy

Trước thực trạng đổ bừa bãi CTHC (Trung tâm y tế dự phòng đã xác định chứa mầm bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, thương hàn...) ra môi trường, đe dọa nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người, UBND TPHCM đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường quản lý việc vận chuyển CTHC.

Tại cuộc họp ngày 1-6, UBND TPHCM đã giao Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp các Sở: Công an, GTVT, Khoa học và Công nghệ (KHCN) nghiên cứu dự thảo quy định về quản lý xe chở CTHC bằng hệ thống định vị GPS (chip điện tử) để chuyển Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND thành phố thông qua trong tháng 6-2010. Do Nghị định 117 của Chính phủ không quy định việc quản lý sử dụng bằng GSP nên UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 18.

Việc soạn thảo được lãnh đạo Sở TNMT giao cho Phòng Quản lý chất thải rắn (thuộc Sở) đảm nhận. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, việc gắn thiết bị định vị GPS sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ lộ trình vận chuyển CTHC của các xe.

Thiết bị này còn có chức năng cảm biến nhằm quản lý lượng CTHC trên mỗi xe. Nếu lượng chất thải sụt giảm, thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo về trung tâm quản lý. Khi đó, căn cứ vào vị trí của xe được hệ thống GSP định vị, cơ quan quản lý dễ dàng xác định lái xe đưa CTHC về nhà máy xử lý hay đổ bừa bãi ra môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia Sở KHCN, chip điện tử là công cụ hữu hiệu quản lý các xe vận chuyển CTHC. Đáng tiếc là đến thời điểm này dù đã trễ gần một tháng so với yêu cầu của UBND TPHCM, văn bản nói trên vẫn chưa được Phòng Quản lý chất thải rắn hoàn tất để trình lãnh đạo Sở TNMT đưa ra lấy ý kiến các ngành liên quan.

Chỉ có 20% lượng chất thải hầm cầu được các tài xế có ý thức đưa về nhà máy để xử lý. Ảnh: LT
Chỉ có 20% lượng chất thải hầm cầu được các tài xế có ý thức đưa về
nhà máy để xử lý. Ảnh: LT.


Nhà máy trùm mền, 80% chất thải nguy hại trút xuống kênh rạch

Theo số liệu của Sở TNMT, bình quân mỗi ngày, các cơ sở hành nghề bơm hút CTHC trên địa bàn thu gom được trong dân từ 125 -150 xe (khoảng 250 -300 m3/ngày). Căn cứ theo các văn bản số 1856 và 9302 do Sở TNMT ban hành vào năm 2008 thì hiện nay trên địa bàn TPHCM chỉ có duy nhất một cơ sở thu gom, xử lý CTHC. Đó là Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình.

Trao đổi với Tiền Phong vào tối 16-7, ông Lê Tiến Dũng, giám đốc Cty cho biết năm 2008, Cty Hòa Bình chấp hành di dời nhà máy từ quận Tân Phú về khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh). Theo cam kết của thành phố, Cty đã mạnh dạn đầu tư trên 13 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý CTHC thành phân bón sinh học với công suất thiết kế là 300 m3/ngày.

Thế nhưng, kể từ lúc đi vào hoạt động đến nay, lượng xe chở CTHC về nhà máy xử lý ngày càng thưa thớt. Các lái xe viện lý do Cty tính chi phí xử lý quá cao nên … thay vì chở về nhà máy, họ trút xuống cống rãnh, kênh, rạch cho tiện.

“Đó là những lý do không thể chấp nhận. Khi nhà máy hoàn thành, đi vào hoạt động (vào tháng 3-2008), Cty Hòa Bình đã quyết định miễn phí trong 6 tháng nhưng hầu hết các xe chở CTHC cũng không về đổ. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy chỉ đón khoảng 25 -30 xe. Lượng CTHC Cty HB xử lý chỉ đạt khoảng 20% so với lượng thải ra của toàn thành phố. Đầu tư nhiều nhưng xe về ít, Cty lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Hiện nay, nhiều công nhân đã bỏ đi vì chúng tôi nợ lương. Nếu thành phố không triển khai nhanh việc gắn chíp điện tử, chúng tôi có nguy cơ phá sản” – Ông Dũng buồn rầu.

Một cán bộ PC 36 cho biết các lái xe chở CTHC hiện nay có 1001 chiêu thức tinh vi để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Một trong những thủ đoạn mới nhất là bơm CTHC từ xe nhỏ sang xe lớn rồi ngang nhiên đỗ trên miệng cống bất kỳ để xả van (được thiết kế bí mật). Toàn bộ quy trình xả trộm chỉ mất từ 3-4 phút.

MỚI - NÓNG