Hỗ trợ thiệt hại do mưa lụt lịch sử tại Hà Nội:

Chậm và kê khống

Chậm và kê khống
TP - Nhằm sớm khắc phục hậu quả nặng nề do đợt mưa lụt lịch sử vào tháng 11/2008, Hà Nội đã quyết định chi hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng thiệt hại. Tuy nhiên, đã phát hiện tình trạng kê khai khống thiệt hại...
Chậm và kê khống ảnh 1
Căn nhà này (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) từng bị kê khai là đổ sập.  Ảnh: Tuấn Minh

Kinh phí đề nghị hỗ trợ toàn thành phố là hơn 399 tỷ đồng. Kinh phí thành phố đã cấp đợt I là hơn 155 tỷ đồng. Số kinh phí đề nghị bổ sung là hơn 232 tỷ đồng...(nguồn: UBND thành phố Hà Nội, tính đến văn bản ngày 7/4/2009).

Qua rà soát những trường hợp kê khai không đúng, huyện Chương Mỹ đã phát hiện nhiều sai phạm, gian dối. Điển hình như xã Đồng Lạc, kê khai ban đầu là thiệt hại 636 con lợn nái, nhưng sau khi kiểm tra lại không có con nào.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Trước mặt chúng tôi là căn nhà bốn gian mái ngói mà ông Thanh kê là bị đổ sập do mưa lũ. Ông Nguyễn Văn Nôm-cán bộ xã Phú Nghĩa thừa nhận căn nhà chỉ bị một số vết nứt tường từ lâu rồi chứ không phải do mưa lụt gây ra.

UBND huyện Chương Mỹ cho biết, xã Phú Nghĩa báo cáo kê khai ban đầu là 112 nhà bị sập đổ hư hỏng, sau khi kiểm tra thì chỉ có một nhà rơi vào tình trạng trên...

Giải thích nguyên nhân tình trạng kê khai sai như trên, ông Nguyễn Văn Nôm- thừa nhận có sự xuê xoa, nể nang trong đánh giá thiệt hại. Trước đó ngay từ khi lập danh sách ban đầu, so với kê khai của các hộ dân thì xã đã phát hiện đến 30 phần trăm không chính xác. Nhiều trường hợp kê khai nhà đổ do mưa ngập nhưng thực tế nhà không đổ; kê nhà lún nhưng kiểm tra lại thì nhà không lún.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong đánh giá thiệt hại vì những gì trông thấy được như nhà cửa thì dễ, còn những thứ không trông thấy như cá, rau màu, gà vịt nuôi ngoài đồng...thì rất khó xác định”- Ông Nôm nói.

Ông Mai Ngọc Thích-Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, cho rằng dù đã cố gắng, huyện cũng chỉ kiểm tra được khoảng 80 phần trăm tổng khối lượng kê khai thiệt hại vì làm không xuể.

Mặc dù phát hiện tình trạng kê khai sai như trên, đến nay huyện Chương Mỹ chỉ phê bình gay gắt chứ vẫn chưa có cán bộ nào bị xử lý kỷ luật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số địa phương khác do lãnh đạo xã thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý, cũng xảy ra tình trạng kê khai sai dẫn đến dân có khiếu nại, phản ứng.

Chậm trễ

Nhiều nơi ở huyện Chương Mỹ chính quyền triển khai quá chậm. UBND huyện Chương Mỹ thừa nhận việc tham mưu của các cơ quan chuyên môn không chính xác, nắm không chắc dẫn đến việc chỉ đạo của huyện còn chậm, thiếu kiên quyết.

Việc hướng dẫn, chỉ đạo của các sở ban ngành của thành phố đối với huyện thiếu cụ thể dẫn đến khó thực hiện. Kinh phí thành phố cấp hỗ trợ chưa kịp thời.

Ngày 5/4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố phê bình những quận huyện chậm đưa kinh phí hỗ trợ đến nhân dân. Điển hình như huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ứng Hoà, Ba Vì..., cho đến ngày 5/4, mới hỗ trợ vỏn vẹn được bảy phần trăm so với yêu cầu.

UBND TP cũng cho biết một số sở ngành như Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, chưa sâu sát trong kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện; Sở Nội vụ được giao chủ trì phối hợp với một số ban ngành tiến hành thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND một số quận huyện trong việc chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại... 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Đặng Xuân Phi, Email: ...phi@gmail.com

Tôi ở Đông Anh - Hà Nội, tôi thấy nhà hàng xóm chết 1 con lợn trong đợt lụt vì bị ốm nhưng khi thành phố hỗ trợ thiệt hại thì khai là 20 con lợn, tôi không hiểu chính quyền có rà soát kỹ không nữa, số tiền hỗ trợ là 500 nghìn đồng/con chứ không phải là ít, chỉ khai man 1 chút người ta đã thu được cả chục triệu đồng.

MỚI - NÓNG