Chậm xóa độc quyền điện - Bộ nhận trách nhiệm

Chậm xóa độc quyền điện - Bộ nhận trách nhiệm
TP - Trả lời chất vấn sáng 14-6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) nhận trách nhiệm để độc quyền điện kéo dài. Theo ông Hoàng, Bộ sẽ nghiên cứu, cố gắng rút ngắn quá trình độc quyền điện, nhưng không đơn giản.

> Nếu không an toàn, dừng Thủy điện Sông Tranh 2

Chậm xóa độc quyền điện - Bộ nhận trách nhiệm ảnh 1

Chưa thể xóa độc quyền điện

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và một số ĐB cho rằng, mỗi lần biến động giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đến đời sống của nhân dân và lạm phát.

“Xoá độc quyền điện là đòi hỏi chính đáng của người dân. Nhưng vì sao lại phải mất 17 năm (từ 2005-2022)? Trách nhiệm của Bộ trưởng để độc quyền kéo dài như thế nào?” - ĐB Hùng chất vấn.

Thừa nhận độc quyền điện kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Hoàng cho biết: Hiện nay đang từng bước tiến tới xóa bỏ độc quyền của các DN điện.

Cụ thể, từ tháng 7-2012 bắt đầu có thị trường phát điện cạnh tranh, đến 2014 có thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nhưng phải đến 2022 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Lộ trình khá dài, nhưng vì đây là vấn đề rất mới, phức tạp nền cần hoàn thiện cơ chế, có bước đi thận trọng. Điện là mặt hàng đặc biệt, không thể để xáo trộn. Để tình trạng độc quyền DN kéo dài như thời gian vừa qua, chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm.

Xoáy vào vấn đề “Vì sao xoá độc quyền điện lại mất quá nhiều thời gian, trong khi càng để lâu càng bất lợi cho nền kinh tế. Bộ phải có trách nhiệm cao hơn để rút ngắn lộ trình - phải chăng Bộ trưởng còn thiếu nhiệt tình, tâm huyết?” – ĐB Hùng hỏi tiếp.

“Bộ nhận trách nhiệm và sẽ cố gắng làm hết khả năng để xoá độc quyền. Nhưng rút được hay không phụ thuộc nhiều điều kiện, mỗi lần xem xét giá điện cũng có nhiều phản ứng dư luận khác nhau. Vì vậy, phải rất thận trọng, mong ĐB chia sẻ” - Ông Hoàng phân bua.

Lợi ích nhóm trong xăng dầu?

Phản ánh giá xăng dầu thất thường, tăng hay giảm luôn chỉ có lợi cho DN, người tiêu dùng phải chịu thiệt, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và một số ĐB đặt câu hỏi “có lợi ích nhóm chi phối hay không?” Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, tình trạng tăng giảm chưa kịp thời (tăng nhanh, giảm chậm-PV) có trách nhiệm của DN.

Chính phủ đang chỉ đạo xem xét sửa đổi NĐ 84 theo hướng phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tăng trách nhiệm các DN đầu mối.

“Điều hành xăng dầu có trách nhiệm chung của Chính phủ, chúng tôi cũng cố gắng làm hết trách nhiệm. Việc điều hành hiện nay hoàn toàn theo NĐ84, trong số 12 DN kinh doanh xăng dầu có cả DN ngoài quốc doanh, quân đội… Chúng tôi không thấy có cơ sở nói có lợi ích nhóm chi phối ở đây” - Ông Hoàng khẳng định.

Lo ngại sự cố đập thủy điện sông Tranh

“Các công trình xảy ra nhiều sự cố, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, mới nhất là sự cố Thủy điện sông Tranh 2, Bộ trưởng cho biết thực trạng sự cố này như thế nào?” - ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) chất vấn.

Ông Hoàng cho biết đập thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) được xây dựng theo kỹ thuật “bê tông đầm lăn”, kỹ thuật này được nhiều nước sử dụng từ 1980 trở lại đây ( Trên thế giới có 600 công trình, riêng VN có 12 công trình kể cả Thuỷ điện Sơn La…).

“Về chất lượng, đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói là không an toàn. Tuy nhiên nếu sau này qua kiểm tra mà thấy không an toàn, thì sẽ phải kiên quyết xử lý” - Bộ trưởng khẳng định.

Nguyễn Tuấn ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG