Chẩn bệnh, bốc thuốc cho 'con bệnh' BOT

Các phóng viên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh bên lề cuộc tọa đàm. Ảnh: Xuân Ba.
Các phóng viên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh bên lề cuộc tọa đàm. Ảnh: Xuân Ba.
TP - Ngày 8/9, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức buổi tọa đàm “Dự án BOT - Chính sách và giải pháp”. Đây được xem là cuộc chẩn bệnh kê đơn bốc thuốc của các lương y quanh “con bệnh” BOT đang hồi nguy kịch.

Mở email. Chĩnh chiện cái giấy mời họp với nội dung.

… Để đánh giá một cách khoa học thực trạng triển khai dự án BOT, xác định những giải pháp liên quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề  “Dự án BOT- Chính sách và giải pháp”.

Nhanh hay chậm? Chả biết. Nhưng thời điểm này Thanh tra Chính phủ đã dõng dạc rằng 100% dự án BT, BOT chỉ định thầu và phê duyệt đều sai lệch cả trăm tỷ đồng! Thời điểm mà hàng chục trạm thu phí BOT giao thông trên khắp các tuyến đường huyết mạch của nước Việt quản các dự án hàng ngàn tỷ đang bị những tờ tiền 200, 500đ đe dọa phá sản mà nhiều trạm thu phí phải cầu cứu an ninh can thiệp cấp tốc! Lời ta thán của người tham gia giao thông đang dậy lên khắp nơi vì vô số các vấn nạn BOT thì có lẽ cuộc hội thảo như thế này xem ra còn cần thiết? Tạm coi hội thảo này là cuộc chẩn bệnh kê đơn bốc thuốc của các lương y quanh “con bệnh” BOT đang hồi nguy kịch?

Đưa mắt khắp hội trường rộng trên gác 2 của khách sạn Công đoàn, hội thảo quây tụ các Chuyên gia kinh tế, chính sách công, chuyên gia luật, đại diện VCCI + Hiệp hội vận tải + Hiệp hội logistics + Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM + một số Doanh nghiệp vận tải + (Đại diện MPI, Bộ Giao thông + Bộ Tài chính + Vụ Pháp chế, Vụ Kinh tế VPCP + UB Kinh tế, UB Pháp luật Quốc hội… Ngạc nhiên phát hiện  MC cho hội thảo là mít tơ Hiệu Minh. Một chuyên gia nhiều năm ngành IT kiêm chuyên gia Ngân hàng thế giới WB.

Ký giả dự hội thảo dường như được khai nhỡn để tường thêm. Rằng trong khái niệm đầu tư có 3 chữ P. Ấy là PPP (Public Private Partnership – đối tác công tư) là hình thức đầu tư nhằm huy động vốn và khả năng quản lý của tư nhân. Và BOT (Build, Operation, Transfer - Xây dựng, vận hành và bàn giao) một hình thức của PPP.

Theo hình thức này, tư nhân bỏ tiền ra xây dựng, sau đó quản lý và vận hành, thu tiền trong thời gian nhất định, rồi bàn giao lại cho nhà nước. Thời gian qua ngành giao thông nước Việt đã làm sinh sắc mặt bằng hạ tầng giao thông bằng nhiều đột phá BOT khá ngoạn mục trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Đó là một chủ trương đúng đắn. BOT của quốc lộ 5 Hưng Yên, của Biên Hòa, Bờ Đậu (Thái Nguyên), Quán Hàu (Quảng Bình), Cầu Rào (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Mỹ Lộc (Nam Định), Bến Thủy 1, Hạc Trì (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang)…

Chuyên gia kiêm MC Hiệu Minh sẽ bẻ ghi sẽ lèo lái như thế nào nếu như van xả việc kể công cùng thành tựu của BOT giao thông cứ tự động tuôn trào? Nhưng bằng cớ là ông này hơi bị khéo đã hướng diễn giả sang mặt trái của BOT giao thông. MC Hiệu Minh bốc lên diễn đàn ông luật sư cộm cán Trương Thanh Đức với 30 năm kinh nghiệm luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực kinh tế - ngân hàng.

Cũng mở ngoặc chút, ông LS họ Trương này từng tham gia tranh tụng bào chữa, bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo và đương sự trong hàng trăm vụ án kinh tế, dân sự, hình sự tại tất cả các cấp Tòa án, trong đó có các đại án ngân hàng như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên - ACB), Huỳnh Thị Huỳnh Như (Vietinbank), OceanBank, G.Pbank. Lại có hơn 3000 bài viết trên các báo tạp chí…

Bữa nay LS Trương ngắn gọn chắc khừ một nội dung rất ấn tượng. Đó là ma trận BOT gồm 4 mảng miếng gớm ghiếc cấu thành nên chân dung BOT giao thông. Nhà đầu tư thì muốn vốn đầu tư cao, chi phí lớn vì sẽ thu được nhiều hơn, muốn kéo dài thời hạn thu phí. Nhà thầu thì không quan tâm đến giá cả vì được chỉ định, họ không quan tâm giảm giá vì đúng cái ý của nhà đầu tư. Còn ông nhà nước? Rất dễ chấp nhận vốn đầu tư cao vì chẳng phải lo hoàn vốn, dễ chấp nhận chi phí vì chẳng phải lo trả nợ và dễ chấp nhận kéo dài thời hạn thu vì không mất gì! Thế còn nhà xe, người tham gia giao thông? Họ không có quyền lựa chọn buộc phải đi, buộc phải trả giá đắt. Chung cuộc thì sao? Là đầu tư kiểu gì cũng lãi mặc dù chi phí rất cao và BOT góp phần đắc lực bóp chết nền kinh tế! 

Thông tin về mặt trái về những méo mó của BOT hình như nổi trội nhô nhỉnh hơn cả có lẽ là những lời đanh thép kiêm thống thiết của chuyên gia Phạm Mạnh Hùng (Phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả) với tham luận Các dự án BOT và Doanh nghiệp sân sau. Rằng sân sau BOT giao thông đã gây tác hại ghê gớm cho nền kinh tế. Đã tạo ra những nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi để trục lợi, giành những dự án béo bở mà không doanh nghiệp chân chính nào có được. Cấu kết với nhau để nâng giá trị đầu tư, kéo dài thời, gian thu phí, gian lận trong thu phí, tạo giá  cước phí lên cao bất hợp lý đánh vào người dân. Mập mờ trong hạch toán xây dựng, trong tính toán lưu lượng xe qua tuyến, gian dối trong thu phí nhằm trục lợi một cách cao nhất. Cấu kết với các cơ quan chức năng đặt trạm thu phí ở những vị trí bất hợp lý như làm đường tránh thì đặt trạm ở vị trí cả đường tránh lẫn đường chính do nhà nước đầu tư, đặt trạm ở tuyến đường khác để thu phí hộ tuyến đường BOT, đặt trạm thu phí dày đặc không tuân thủ quy định của chính phủ tối thiểu các trạm thu phí phải cách nhau 70 km làm cho nhân dân bức xúc. Triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính có đủ năng lực không thể tham gia đầu tư, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh, làm méo mó thị trường, làm méo mó nền kinh tế của đất nước…

Hơi bị thú vị phát biểu của ông võ sư 70 tuổi Nguyễn Trí Hiếu. Nếu phải kê biên đầy đủ chức danh và trích ngang lý lịch của  một Việt kiều, quốc tịch Mỹ, là chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập có lẽ hơi dài. Nguyễn Trí Hiếu có 35 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và 3 năm ở Việt Nam. Ông còn là một giáo sư môn Akido (Hiệp khí đạo) tại Mỹ. Ông bộc bạch nghề của ông là nghề… rủi ro vì chuyên coi xét soi mói những rủi ro này khác của ngành ngân hàng. Logique rủi ro ngân hàng cũng na ná như những rủi ro phát sinh trong các dự án BOT. Những rủi ro chọn nhà đầu tư và nhà thầu. Rủi ro hoàn thiện công trình. Rủi ro tài chính. Rủi ro cả cho Chính phủ nhà đầu tư và ngân hàng… Ông nói thêm nếu hôm nay ngay tại hội thảo này chúng ta không có sự nhìn nhận sòng phẳng, khách quan, không có những thông tin cho Chính phủ và Quốc hội như thực tế nó phải khác thì là quá trễ…

Tôi nán lâu hơn bên TS Lê Đăng Doanh trong giờ giải lao. Ông vừa từ một cuộc hội thảo kinh tế ở Hunggari về. Để ý trong hội thảo, ông nâng thêm tầm thông tin vừa trao đổi… Về những tiêu cực phục vụ nhóm lợi ích đè lên lợi ích chính đáng của người dân của BOT. Cao hơn là hệ lụy tiêu cực của BOT đã đánh tụt năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Không khí hội thảo sinh động thêm khi nhiều đại biểu đề cập đến phản ứng khác nhau của người dân với trạm thu phí BOT như việc  dùng tiền lẻ… Rằng với mức phí ở Cai Lậy 120.000đ/lần dừng mua phí BOT bằng tờ tiền mệnh giá 500đ phải theo quy trình cùng một lúc tay chấm lên mồm (thấm nước bọt) lẩm nhẩm nhịp nhàng phối hợp đồng bộ tới 240 lần thì làm chi đường không tắc? Tôi chợt nhớ đến một dẫn dụ của MC Hiệu Minh trong một bài viết của anh trên blog gần đây. Ở tiểu bang Ohio (Mỹ) có cụ già 78 tuổi báo với ngân hàng cần đổi tiền lẻ sang tiền chẵn. Khi được hỏi tiền đâu thì cụ nói phải mang xe tải tới nhà để chở. Hóa ra trong 34 năm liền, cụ thu thập tất cả đồng 1 cent (xu) do mua bán được trả lại, do bạn bè cho, tổng số lên tới 1.407.550 đồng 1 cent = 14.075,50 USD với trọng lượng gần 5 tấn. Mỗi ngày trung bình cụ thu thập hơn 1 đô (112 cent). Theo luật thì ngân hàng phải đổi cho cụ, không phải vì tiền lẻ 1 cent mà không đổi.

Hội thảo cũng dậy lên tràng vỗ tay tán thưởng bởi ý kiến cho rằng việc quản lý BOT ghi hình và nhờ công an can thiệp là rất không nên! Bởi chiểu theo luật, tài xế họ không có lỗi khi dùng tiền lẻ vì mọi mệnh giá đều là tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Không có luật nào bắt lái xe phải trả tiền chẵn cho BOT. Mọi đồng tiền sinh ra đều có quyền bình đẳng.

Không hắt chậu nước bẩn khi có em bé trong đó! Rằng chớ nên không quản được thì cấm. Hội thảo đã trưa trật nhưng vẫn miệt mài xôm tụ những tham luận của TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó CNVP Quốc hội) của ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội)… nhằm kê đơn bốc thuốc cho “con bệnh trọng” BOT. Rằng không bỏ BOT và phải khắc phục chỉnh sửa những bất hợp lý méo mó. Như việc phải dỡ bỏ những trạm thu phí bất hợp pháp. Phải minh bạch từ khâu điều tra, lập DA, công khai DA để người dân , các nhà khoa học thẩm tra phản biện.

Phải tổ chức đấu thầu rộng rãi công khai DA, tuyệt đối không được chỉ định thầu. Giao cho một tổ chức độc lập không có cùng lợi ích với đơn vị thực hiện DA với cơ quan chủ quản, quản lý chuyên ngành để lập DA một cách vô tư minh bạch kể cả tư vấn nước ngoài vv…

…Ông chuyên viên Nguyễn Phước Thọ (Văn phòng Chính phủ) với chất giọng xúc động rằng sếp Chủ nhiệm Nguyễn Tiến Dũng chỉ cho tôi dự nửa buổi hội thảo do công việc bận. Nhưng đến đây tôi điện về xin phép dự hết buổi. Nếu lân sang chiều tôi cũng sẵn sàng ngồi. Bởi càng nghe thấy nhiều thông tin mới, cuốn hút!

Luật sư - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật & phát triển người ký giấy mời và chủ trì hội thảo  dõng dạc rằng sau buổi hôm nay các chuyên gia sẽ tổng hợp để có 2 kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ về vấn đề BOT…

Nước nhà gặp cơn bĩ đến kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm nữa là trí thức?

MỚI - NÓNG