Chấn chỉnh quy hoạch - xây dựng, gia hạn bán nhà theo Nghị định 61

Chấn chỉnh quy hoạch - xây dựng, gia hạn bán nhà theo Nghị định 61
TP - Hôm qua (31/10), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng trên địa bàn thành phố.

“Từ đầu năm đến nay, Hà Nội cấp phép xây dựng khoảng 1 triệu m2 nhà. Tuy nhiên, số công trình xây dựng không phép vẫn phổ biến, khoảng 40%” - Ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Theo báo cáo, vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng ở Hà Nội còn lớn, tỷ lệ công trình được cấp phép trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt khoảng 60%. Do chế tài xử lý quá nhẹ, buông lỏng quản lý, tình trạng vi phạm, xây dựng không phép chưa giảm.

“Cần chế tài mạnh, đủ tính răn đe mới giảm nhanh được vi phạm về xây dựng đang rất phổ biến” - Ông Đỗ Xuân Anh nói.

Liên quan đến việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ đã nhận được đề nghị xin gia hạn nhận hồ sơ bán nhà sang năm 2007 của thành phố.

Theo khảo sát, khối lượng nhà đang bán còn khoảng  50.000 căn, nên việc kéo dài thời hạn để người có nhu cầu có thể kịp nộp hồ sơ là cần thiết.

Ông Hà cho biết, việc bán nhà theo NĐ 61 tại nhiều địa phương cũng đang bị chậm, và đều có đề xuất xin gia hạn. Cục Quản lý Nhà đã tập hợp số liệu, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho ý kiến.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Hà Nội là một đô thị có tính đặc thù, quy mô, tốc độ xây dựng lớn, do vậy, quản lý quy hoạch, xây dựng sẽ rất phức tạp, khó khăn.

Dù có nhiều quan tâm, công tác lập quy hoạch của thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn thiếu tính nhất quán; công tác quản lý quy hoạch còn thiếu sót, bất cập, thậm chí tiêu cực, càng làm tăng mặt yếu kém của quy hoạch. Nhận thức chung về quy hoạch, xây dựng còn hạn chế, làm phát sinh không ít vi phạm.

“Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn quyết tâm chấn chỉnh lĩnh vực quy hoạch, xây dựng với tinh thần cầu thị, kiên quyết xử lý các vi phạm” - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết.

Ông đề nghị, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết các đề xuất của thành phố, trên cơ sở tính chất đặc thù của Thủ đô; đồng thời khẩn trương nghiên cứu vấn đề mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai.

Theo Bí thư Thành ủy, việc gia hạn thời gian nộp hồ sơ mua nhà theo NĐ 61 là rất cần thiết vì thời gian quá gấp,  trong khi nhu cầu mua nhà của dân quá lớn.

Về cải cách thủ tục hành chính (nhà đất, xây dựng) liên quan tới người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng  Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, thành phố cần tăng cường tính công khai, minh bạch, kiên quyết chống sách nhiễu, tiêu cực để giảm bức xúc, phiền hà cho người dân trong lĩnh vực này.

Năm 2007, nước sông Đà sẽ về Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Sở GT-CC Hà Nội cho biết, sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục khai thác nguồn nước tại một số nhà máy có công suất lớn như Lương Yên, Thượng Cát, nhà máy nước mặt sông Đà.

Hiện nay, công suất cấp nước toàn thành phố mới chỉ đạt khoảng 535.000m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân được hưởng nước sạch dừng ở tỷ lệ 88,5%, trung bình 120-130 lít/người/ngày.

Ông Khôi cho biết, dự án đưa nước mặt sông Đà về Hà Nội đang triển khai, gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ, GPMB có nhiều vướng mắc. Còn theo ông Ngô Hồng Quang, Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng), Bộ đã chủ động làm việc với các bên liên quan, đến nay đã từng bước tháo gỡ cơ bản khó khăn cho dự án.

Dự kiến, trong quý II - 2007, nước mặt sông Đà sẽ về tới Hà Nội. Tuy nhiên, để tiếp nhận nguồn nước sông Đà thời điểm đó, Hà Nội phải khảo sát lại hệ thống đường ống khu vực tây nam thành phố, phải đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật để tiếp nhận khoảng 200.000 m3 nước /ngày đêm.

Một số nguy cơ cần lưu ý là: khả năng bục, rò rỉ do hệ thống do đường ống quá cũ nát, khó chịu nổi áp lực nước lớn. “Để đảm bảo an toàn, Hà Nội nên chia khoảng 100.000m3 cho các khu vực lân cận”- Ông Quang đề nghị. 

MỚI - NÓNG