Chặn đà bùng nổ dân số

Chặn đà bùng nổ dân số
Tỷ lệ sinh con thứ ba trong đảng viên, cán bộ công chức và người dân năm 2004 đang gia tăng. Số con mong muốn của phụ nữ Việt Nam thay vì  2,1 con/ người đã tăng lên 2,4 con/người.

Việc sử dụng các biện pháp tránh thai đột ngột giảm vào năm 2003... Nếu không tuyên truyền người dân tích cực thực hiện KHHGĐ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng dân số quá nhanh.

Các chuyên gia đã cảnh báo như vậy tại hội thảo Công bố kết quả điều tra những biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2004, do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 8/3.

Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng trên 82 triệu dân. So với năm 2003, mức sinh tính được từ cuộc điều tra tăng khá; tổng tỷ suất sinh tăng tương ứng từ 2,12 con/phụ nữ lên 2,23 con/phụ nữ. Những vùng có mức sinh cao là: khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Dân số phân bố chênh lệch lớn giữa các vùng: hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long có diện tích đất ít nhưng chiếm tới 43% dân số cả nước; trong khi đó, hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên chỉ chiếm 8,7% dân số nhưng diện tích chiếm hơn 1/4 cả nước. Nhìn về tương lai xa, thực tế này đang cảnh báo: Sẽ có những dấu hiệu bất ổn xảy ra trong phân bố lao động các vùng miền dẫn đến hiện tượng di dân kéo về các tỉnh, thành phố lớn.

Nói về những yếu tố tác động đến mức sinh, ông Đồng Bá Hướng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số - Lao động đã chỉ ra 4 nguyên nhân. Đó là do: tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tăng nhưng giảm mạnh vào năm 2003, tỷ lệ nạo hút thai còn ở mức cao (1,1%), thời gian cho con bú của phụ nữ VN mới đạt 18 tháng và mức kết hôn năm 2002 tăng nên mức sinh những năm sau có thể vì đó mà tăng theo...

Điều gì khiến dân số nước ta tăng trong năm vừa qua, nhất là tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 với sự góp mặt đột biến của nhiều “khổ chủ” là các đảng viên, công chức và người dân sống tại vùng đô thị? (theo điều tra ban đầu, Hà Nội đang là nơi dẫn đầu tỷ lệ sinh con thứ 3).

Trả lời Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình & Trẻ em Nguyễn Thiện Trưởng nói:“ Lỗi này là do có nhiều cặp vợ chồng (kể cả đối tượng là đảng viên, CBCNV) đã cố tình hiểu sai tinh thần của Pháp lệnh Dân số”. “Vin” vào điều 10 Pháp lệnh: Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, và thời điểm sinh con và Điều 4 quy định nên sinh ít con nhưng không nói rõ ít là bao nhiêu nên nhiều hộ gia đình với mong muốn có con trai hay có thêm con cho vui cửa, vui nhà đã tranh thủ... đẻ thêm. Dù Nghị định 104/CP về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số quy định “ít”  ở đây được hiểu là chỉ nên có từ 1- 2 con”.

Người dân cố tình hiểu sai Pháp lệnh, vậy Uỷ ban Dân số &Gia đình Trẻ em sẽ có biện pháp xử lý gì, liệu có tính đến chuyện sửa Pháp lệnh Dân số? Ông Nguyễn Thiện Trưởng cho hay: “Hiện các cơ quan nghiên cứu đang đánh giá xem xét tình hình , thực trạng sinh con thứ 3 đến mức độ nào, trên cơ sở đó mới có văn bản điều chỉnh. 

Trước tình hình số đảng viên, CBCC sinh con thứ 3 tăng lên nhiều hơn so với trước đây, ngoài đề nghị các cấp uỷ địa phương phải tăng cường sự chỉ đạo, Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em đang tính thêm biện pháp  đề nghị “thực hiện nghiêm kế hoạch hoá gia đình” trong đề xuất trình Bộ Chính trị.

Theo đó, “tất cả đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nếu vi phạm có thể sẽ tính đến việc không cất nhắc, bổ nhiệm. Việc thực hiện KHHGĐ sẽ được xem là một tiêu chuẩn để đánh giá , xem  xét đề bạt cán bộ trong những cơ quan do dân cử.” 

Còn đối với cán bộ công chức, là người thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước, nếu cố tình sinh thêm con thứ 3 có nghĩa là đã vi phạm cả Pháp lệnh Công chức, cần phải xử lý.

“Tuy nhiên, mức độ xử lý nặng - nhẹ thế nào thì còn tuỳ thuộc vào việc cơ quan họ có bắt người cán bộ đó có ký cam kết hay không”, ông Trưởng nói.

Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng: “Do ngôn ngữ không rõ ràng nên những quy định trong Pháp lệnh Dân số đang bị hiểu nhầm. Muốn xoá bỏ thực trạng đáng báo động này, điều cần làm ngay đó là phải nhanh chóng sửa đổi về từ ngữ.

Đồng thời, trong quá trình tuyên truyền về các chính sách KHHGĐ, các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm tới giáo dục SKSS vị thành niên và các biện pháp tránh thai”.

Về phần mình, Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em cho biết: Trong năm nay sẽ “rót” 50 tỷ đồng vào 2 chiến dịch tuyên truyền về KHHGĐ và triển khai cụ thể tới 7.900 xã thuộc các khu vực: đông dân, có mức sinh cao, sinh con thứ 3 cao; vùng sâu, xa, khó khăn...  

MỚI - NÓNG