Chặn dịch Chikungunya  từ biên giới Camphuchia

Phun thuốc diệt khuẩn phòng dịch. Ảnh: HC
Phun thuốc diệt khuẩn phòng dịch. Ảnh: HC
TP - Dịch Chikungunya bùng phát tại 12/24 tỉnh thành của Campuchia, trong đó có 3 tỉnh giáp biên giới Việt Nam là Tbong Khmum, Ta Keo, Kampot. Theo các cơ quan y tế Việt Nam, dịch Chikungunya nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân. Một số tỉnh giáp biên giới Campuchia đã lên kế hoạch ngăn chặn dịch, chuẩn bị ứng phó nếu dịch xảy ra.

Ngày 13/8, ông Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, hiện Bình Phước chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 và Chikungunya. Tuy nhiên, tỉnh này có 3 huyện giáp biên giới Campuchia gồm Bù Đăng, Bù Đốp và Lộc Ninh. Do đó, nguy cơ lây lan đến Bình Phước là hoàn toàn có thể nếu không có biện pháp kiểm soát tốt người, phương tiện giao thông nhập cảnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát y tế đối với người và phương tiện tại các cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu, Lộc Thịnh. Tiến hành song song khử khuẩn và diệt côn trùng đối với các loại phương tiện nhập cảnh như đối phó với COVID-19.

Cơ quan chức năng Bình Phước cho hay, nếu có bệnh nhân là người Campuchia sang khám, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Lộc Ninh, Bù Đốp thì bố trí khu vực riêng và có kế hoạch phun hóa chất diệt côn trùng hằng tuần tại bệnh viện. Riêng Trung tâm y tế Lộc Ninh phun hóa chất diệt côn trùng 1 lần/tuần tại khu vực cách ly.

Đại úy Lại Anh Vũ - Phó đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho biết, là cửa khẩu quốc tế có lượng khách xuất - nhập cảnh nhiều, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, Đồn biên phòng cửa khẩu đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch.

Ngày 14/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Minh Phúc - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Chikungunya đang lan rộng ở Campuchia, Sở Y tế tỉnh Long An đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Viện Pasteur cũng đã có văn bản yêu cầu giám sát tác nhân gây bệnh. UBND tỉnh Long An cũng đã yêu cầu các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch Chikungunya, sốt xuất huyết, Zika, đặc biệt là vùng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện bệnh và xử lý ngay, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Theo ông Phúc, đặc điểm chung của bệnh Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika là đều có cùng tác nhân gây bệnh là muỗi Aedes. Đặc điểm của bệnh Chikungunya giống với sốt xuất huyết, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh này giống như sốt xuất huyết và Zika với triệu chứng phổ biến là sốt, đau khớp nghiêm trọng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban. 

Ông Phúc cũng cho biết, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Long An hiện đang có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến ngày 4/8, đã ghi nhận gần 1.100 ca. Thời gian gần đây, số mắc sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Long An. Các ca bệnh chủ yếu tập trung tại các huyện như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.

Về thông tin bệnh Chikungunya lây trực tiếp từ người qua người, ông Phúc cho rằng đây là thông tin không chính xác, chưa được xác minh. “Tên của bệnh này là mới, lạ nhưng thực ra chủng gây bệnh cũng là giống muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết hàng năm chúng tôi cũng đã triển khai. Hiện tại đang tập trung vào diệt muỗi và các yếu tố phát sinh ra muỗi như ao tù nước đọng…”, ông Phúc nói và cho biết thêm, công tác tiếp nhận thu dung điều trị cũng được lưu ý để kịp thời phát hiện ra bệnh Chikungunya và sốt xuất huyết.

MỚI - NÓNG