Chẳng ai tình nguyện làm sai

Chẳng ai tình nguyện làm sai
TP - Sau vụ “Mương được cấp sổ đỏ” ở Hà Nội mà báo Tiền Phong nêu trong loạt bài gần đây, ngày 20/7, Sở Xây dựng phải gửi báo cáo về vụ việc lên lãnh đạo cao nhất của Thành phố, và chắc chắn còn vài sở, ngành liên quan cũng sẽ phải gửi những báo cáo tương tự.

Việc  cấp sổ đỏ cho hơn  6.000 m2 đất mương Phan Kế Bính  mà chủ đầu tư (một Cty cổ phần) thuê 20 năm với hình thức sử dụng riêng, đem soi chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành  là hành vi trái luật.  Theo Luật Đất đai 2003, đất xây dựng hệ thống thoát nước là đất sử dụng vào mục đích công cộng. Mà đối với loại đất này thì Nhà nước giao đất để quản lý chứ không cấp sổ đỏ (quy định tại Điều 91, Nghị định 181).

Như vậy, về mặt pháp lý, mương Phan Kế Bính, đất công cộng (thoát nước) đem sử dụng có mục đích kinh doanh (làm bãi đỗ xe), không bao giờ được cấp sổ đỏ. Vậy mà một phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội lại ký cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư sử dụng riêng diện tích đất của tuyến mương này.

Khó có thể coi đây là một sự nhầm lẫn. Từng công chức của Sở này biết rõ hơn ai hết nguyên tắc “cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều mà luật cho phép”. Đến mức, một phó chủ tịch quận Ba Đình còn không dám phát biểu điều gì vì “thành phố quản lý đường, rồi thành phố quyết định cho thực hiện dự án, tôi biết nói gì nữa”.

Về sâu xa, vấn đề không chỉ dừng ở đó. Dự án cống hóa mương thành bãi đỗ xe này được thực hiện kiểu xã hội hóa, bắt đầu triển khai thi công vào cuối năm 2007, với vốn do chủ đầu tư chi ra khoảng 31 tỷ đồng, khai thác trong 20 năm.

Trước đó, việc cống hóa tuyến mương này thành con đường đã nằm trong quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2000) được duyệt của quận Ba Đình. Quy hoạch được duyệt về mạng lưới bãi đỗ xe công cộng của Hà Nội đến tận năm 2020 cũng chẳng hề có điểm đỗ xe tại vị trí này.

Vì sao quy hoạch này không được tuân thủ. Thêm điều đáng lưu tâm là, Hà Nội có thiếu 31 tỷ đồng cho dự án hạ tầng đến mức phải xã hội hóa dự án, rồi kéo theo hệ lụy là phải cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư như kể trên?

Hàng năm Hà Nội được giữ lại toàn bộ phần vượt thu ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, trong đó có giao thông và thoát nước. Đó là chưa kể, Hà Nội phải chi hàng ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước, trong đó có dự án kể trên. Vậy, sự  lựa chọn cách thực hiện dự án kiểu xã hội hóa với số tiền không lớn (theo quy mô thành phố) nêu trên có hợp tình, hợp lý?

Hơn một tháng trước, một lãnh đạo của TP Hà Nội khi chỉ đạo về chấn chỉnh kỷ cương đô thị - một vấn đề rất nóng ở Thủ đô - từng nói: “Có sai phạm là có tiêu cực vì không ai tình nguyện làm sai bao giờ!”. Nếu đem câu nói trên để soi chiếu trường hợp này thì sao? 

MỚI - NÓNG