Chạnh lòng bữa cơm công nhân

Một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng luôn là mong ước của rất nhiều công nhân
Một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng luôn là mong ước của rất nhiều công nhân
TP - Không chỉ xén bớt giá thành mỗi khẩu phần ăn, bữa cơm công nhân còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ thực phẩm tẩm hóa chất, thức ăn ôi thiu… 

Bữa cơm 13.000 đồng

Một bìa đậu hũ chiên, vài cọng rau muống luộc và chén canh “đại dương” (nhiều nước) đó là một khẩu phần ăn có giá từ 13.000-15.000 đồng của nhiều công nhân tại TPHCM. Chị Đỗ Thị Thùy (28 tuổi, công nhân may một doanh nghiệp ở Q.12), đang mang thai được 7 tháng chia sẻ: “Cty cho ăn là đỡ được một bữa tiền rồi nên tôi cũng không đòi hỏi gì thêm. Mà có yêu cầu, thắc mắc gì cũng khó được chấp nhận bởi ai ăn cũng vậy, đâu riêng gì mình. Ăn cho có sức làm, chỉ mong đừng ngộ độc là mừng”.

Anh Phùng Tiến Đông (35 tuổi, đang làm việc tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân) tâm sự, bữa ăn dù có thay đổi món nhưng khẩu phần rất ít, vài con khô chiên, ít rau xào thì khó mà đảm bảo dinh dưỡng, nhất là với công nhân làm nghề nặng nhọc như khuân vác, bốc xếp. Dù Cty có báo giá tới 20.000 đồng/suất, nhưng nhìn vào bữa ăn thì đoán chắc không thể tới mức đó. “Nhiều lúc làm việc rất mệt mà nhìn thấy suất cơm tôi nuốt không trôi. Ăn lấy no thôi. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên công đoàn Cty để mong được cải thiện, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi” - anh Đông bày tỏ.

Chiều 18/9, trong vai khách hàng, chúng tôi liên lạc với Cty T.H chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhiều Cty thuộc khu vực Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) và vùng lân cận. Nhân viên tên Liên chào mời, sẽ có chiết khấu cao cho khách đặt cơm số lượng nhiều và dài hạn. Liên gợi ý, có thể đặt suất ăn với giá 18.000-20.000 đồng, nơi đây sẽ nấu với chất lượng chỉ 13.000-15.000 đồng, số tiền dôi dư chiết khấu cho người trực tiếp đến đặt bữa ăn. “Tụi em sẽ định lượng dinh dưỡng khẩu phần ăn theo giá 18.000-20.000 đồng/suất gửi về Cty, nhưng thực tế chị chỉ cần thanh toán 13.000 đồng/suất. Hầu hết đơn vị cung cấp thức ăn đều dùng cách này để chiết khấu nhằm giữ khách” - Liên cho hay. Liên cũng cam kết có đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ đầu vào sản phẩm, với điều kiện phải đặt trên 1.000 suất mới cung cấp.

Ðủ tầng nấc “bớt, xén”

Một đầu bếp nấu ăn cho một doanh nghiệp ở khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức), người này tiết lộ, suất ăn đặt giá 18.000 đồng/suất, doanh nghiệp nấu ăn bảo sẽ nấu với giá 13.000 đồng, chiết khấu cho khách 3.000 đồng/suất; nhưng thực chất khẩu phần khi đến công nhân chỉ còn tầm 8.000 đồng thôi, vì bên cung cấp đã “xén” bớt thêm vài ngàn đồng nữa rồi. “Nói thiệt, bữa ăn chỉ có 13.000 đồng/suất thì dĩ nhiên chất lượng chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng, nhiều nơi còn đặt với giá thấp hơn. Với cái giá đó trong thời buổi đắt đỏ này thì đi chợ thế nào? Chỉ còn cách mua thực phẩm thật rẻ, rau thịt cá cũng chủ yếu là hàng “dạt” (hàng tồn) từ các chợ. Chợ đầu mối đều phân loại thực phẩm hạng 2, hạng 3 và có đầu nậu hết, cứ chiều tối là họ tập kết hàng tồn trong ngày về cơ sở để chế biến với giá rất rẻ” - người này bật mí.

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, thành phố hiện có 467 bếp ăn trong khu công nghiệp và ngoài khu là 468; nhưng chỉ có 14% bếp ăn tập thể của doanh nghiệp có giá 20.000 đồng/suất, 6% bếp ăn có giá trị bữa ăn ở mức thấp, dao động từ 11.000-15.000 đồng/suất. So với mặt bằng chung thì mức đầu tư suất cơm cho công nhân hiện nay rất thấp.

Một kết quả khảo sát về bữa ăn ca của công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp trong cả nước được Viện Công nhân - Công đoàn công bố gần đây, bữa ăn công nhân chất lượng thấp, thiếu hụt dinh dưỡng. Trong khẩu phần ăn chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% các chất bột đường. Từ bữa ăn thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ công nhân bị thiếu máu chiếm 24,6%. Một cán bộ Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB&XH TPHCM tâm tư, với giá cả như hiện nay, bữa cơm công nhân tối thiếu phải ở mức 15.000 đồng, nếu chỉ 12.000-13.000 đồng/suất như ở một số nơi đang áp dụng sẽ không thể nào bảo đảm về chất lượng.

Mặc dù đã có cải thiện về chất lượng, giá cả bữa ăn nhưng theo tôi đánh giá, vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người lao động - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP khẳng định. Theo bà Lan, có tình trạng doanh nghiệp đặt giá món ăn rất cao, nhưng qua nhiều khâu trung gian “cắt xén” mà giá thành suất ăn khi đến với công nhân rất thấp, có nơi chỉ còn 12.000-13.000 đồng/suất. Ngay cả nhà hàng, khách sạn 5 sao cũng đã xảy ra tình trạng người mua thực phẩm tìm nguồn giá rẻ để ăn chênh lệch. Khi xảy ra ngộ độc thì khi truy ngược nguồn gốc, mới biết hàng hóa đều mua từ nguồn trôi nổi.

“Suất ăn quá rẻ thì khó đảm bảo được vệ sinh ATTP, cơ sở cung cấp suất ăn hoặc bếp ăn buộc phải sử dụng những thực phẩm giá rẻ, sản phẩm dội chợ (hàng thừa) để chế biến mới có lời nên rất tội cho công nhân. Luật lao động cần xây dựng ngưỡng tối thiểu cho một suất ăn của người lao động để nâng chất lượng dinh dưỡng, cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi đang kiến nghị Quốc hội để có mức sàn tối thiểu bữa ăn công nhân. Bữa ăn không chỉ no, an toàn mà còn hướng đến tiêu chí đủ dinh dưỡng cho người lao động” - bà Phong Lan chia sẻ.

MỚI - NÓNG