Từ sự cố "rút ruột" công trình nhà A2 Kim Giang, Hà Nội:

Chất lượng nhà chung cư: Thấy mà lo!

Chất lượng nhà chung cư: Thấy mà lo!
Ngay sau  khi thấy truyền hình phát bản tin công trình nhà tái định cư A 2 (Hạ Đình, Thanh Xuân) bị rút ruột 1/2 lõi thép, nhiều người dân sống tại khu tái định cư Vĩnh Phúc (Cống Vị- Ba Đình) sởn da gà.

Nhiều bức xúc của người dân ngay lập tức được phản ánh đến báo Tiền Phong. Chất lượng nhà chung cư thực sự là vấn đề đáng báo động!

Bể phốt khô - tường nhà sũng nước!

Chất lượng nhà chung cư: Thấy mà lo! ảnh 1
Những hạng mục này đã bị “rút ruột” bao nhiêu phần trăm? (hệ thống thoát nước tại N2 khu tái định cư 7,2 ha, Vĩnh Phúc.

“ Nước ngấm hết bức tường từ tầng 6 xuống nền đất tầng 1. Chúng tôi kêu, họ ( Ban quản lý dự án Ba Đình) xuống kiểm tra. Lần thứ nhất, bể phốt được đào lên. Nhưng nó lại được lấp lại. Tường vẫn ướt lại thêm mùi hôi thối. Lần thứ hai họ  xuống. Đào bể phốt lên. Trời! bể phốt khô rong. Hoá ra, bể xây xong nhưng không có đường dẫn vào. Phân, nước, ngấm ra tường, ngấm xuống nền nhà. Vô trách nhiệm đến thế là cùng!” Ông Nguyễn Văn  Quang, người dân sống tại nhà N2 khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Phúc (Ba Đình) rất bức xúc kể lại câu chuyện của năm 2004.

Thế nhưng, “ tật” của nhà N2 mỗi ngày thêm lộ rõ. Dãy bậc thang được mài ga ni tô bóng loáng ngày nào nay đã sứt hết vỉa, bề mặt đã nứt nẻ, nhiều chỗ vỡ sâu và đùn ra loại phế liệu trông như đất sét? Không chỉ vậy, lớp vữa trát chân tường tầng 1 khu nhà cũng bị rộp và tan như bột...

Vậy chất lượng bên trong các căn hộ? Bà Vũ Thị Bình, (phòng 207) tổ trưởng tổ dân phố nhà D2 chỉ tay vào chiếc ống nước nhựa lắp nổi trong khu phụ nhà mình nói: “Dùng được 2 tháng ống nước gãy, nước trào đầy tầng 1. Sửa chữa! Không lâu sau nó lại vỡ. Tôi gọi 4 lần, họ mới tới và lắp cho cái ống nổi thế này”.

Trong nhà bà hầu như hạng mục nào cũng kém: Gạch lát đã phải sửa 2 lần; chiếc bể tôn gỉ nước đã phải hàn bằng đất sét. Chiếc cửa gỗ không những vênh váo mà cái khuôn cửa nhà vệ sinh đã có thể dùng móng tay móc lớp gỗ...Bà Bình cho biết, hầu hết các gia đình tại nhà N2 đều rất lo ngại về chất lượng xây dựng công trình. Nhưng rút cục không biết kêu ai.

Chất lượng nhà chung cư: Thấy mà lo! ảnh 2
Nước mưa thấm qua lớp vữa không xi măng ngấm vào tường của khu nhà K80D

Liền kề nhà N2 là nhà N1, tình cảnh không khá hơn. Chị Trang phòng 103 dẫn tôi đến mục sở thị bức tường ngấm nước của gia đình. Để treo được chiếc quạt tường, chị Trang đã phải đóng gần 10 lỗ đinh vì vữa không xi...Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều dãy nhà của khu TĐC Vĩnh Phúc như  nhà D1,D2, D3, N1, N2, 80 D...chất lượng xây dựng bên trong, các thiết bị lắp đặt trong các căn hộ đều kém. Không biết những công trình này có bị “móc” sắt, “móc” xi măng...?

Và những hạng mục bị rút ruột

Trong lúc “ nội thất” nhà D2 xuống cấp rất nhanh thì bên ngoài ngôi nhà nhiều hạng mục cũng lộ rõ sự gian dối trong thi công. Vỉa hè dọc phía trước ngôi nhà N1, N2 được láng bê tông. Thế nhưng dù chưa được sử dụng nhiều, lớp bê tông đã lún, nứt. Nhiều chỗ bị bào mòn trơ sỏi và cát.

Nghiêm trọng hơn là hệ thống rãnh thoát nước đã bị vỡ nát. Nhiều tấm đan bê tông đậy trên các rãnh thoát nước bị vỡ lòi ra xương thép và những miếng bê tông không liên kết...Rõ ràng những hạng mục này đã được thi công gian dối.

Tương tự, vỉa hè, bó vỉa nhiều khu nhà cũng trong tình trạng lún, nứt, sụt. Hơn nữa không hiểu sao, chủ đầu tư, nhà thầu không thi công  vỉa hè phía sau nhà N1,N2. Bước ra khỏi nhà là nền đất, rác và phế liệu. Một hình ảnh quá nham nhếch của một khu TĐC quan trọng giữa lòng Hà Nội!

Theo bà Bình, đơn vị thi công còn “ăn bớt” phần thi công đường ống thoát nước từ  hai đầu hồi nhà N2 ra rãnh thoát. Dân kêu nhiều, Ban quản lý dự án Ba Đình mới thi công được một đường ống. Mãi đến trước Tết ất Dậu, lo ngại nước ngấm vào chân công trình đe dọa an toàn nhà N2, tổ dân phố đã quyên góp, huy động được khoảng 2 triệu tự xây dựng đường ống thứ 2. Không biết hạng mục này có được tính trong thiết kế công trình?

Rõ ràng, chỉ với nhược điểm bề nổi của khu TĐC Vĩnh Phúc đã cho thấy tiền tỷ của nhân dân, của nhà nước đã bị thất thoát, lãng phí. Song quan trọng hơn, chính là việc xem nhẹ cuộc sống, tính mạng của dân.

Đừng coi chúng tôi là công dân loại 2!

Nhiều người dân đã bày tỏ nỗi bức xúc này khi tiếp xúc với chúng tôi. Vì mục đích GPMB xây dựng các công trình trên địa bàn Hà Nội, gần 1000 hộ dân đã tự giác chấp hành chính sách của Nhà nước đến sinh sống tại khu TĐC Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, đáp lại thiện ý của dân, chủ đầu tư, nhà thầu và một số cơ quan chức năng đã coi nhẹ trách nhiệm khi xây dựng các công trình TĐC.

Phải chăng đó là những công trình phục vụ GPMB, công trình ban phát và chủ nhân của những ngôi nhà này là “ công dân bị giải toả” nên chất lượng nhà TĐC bị “thả nổi”? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về các công trình nhà TĐC?

MỚI - NÓNG