Chất lượng nước tương: Sự thờ ơ của cơ quan quản lý Nhà nước

Chất lượng nước tương: Sự thờ ơ của cơ quan quản lý Nhà nước
TP - Từ những kết quả xét nghiệm trong một thời gian dài chất lượng nước tương vừa được công bố, người tiêu dùng một lần nữa nhận thấy, không chỉ cơ sở và doanh nghiệp sản xuất nước tương, ngay cả cơ quan quản lý thực phẩm cũng khiến họ khó tin tưởng về cái gọi là “có trách nhiệm”.

Điều đáng lưu ý nhất của câu chuyện chất lượng nước tương có lẽ là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, chỗ dựa chủ yếu mà người tiêu dùng gửi gắm trong bối cảnh hội bảo vệ người tiêu dùng của ta có mà gần như không, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ quá lạc hậu và còn lâu mới đủ vốn để ngăn chặn triệt để độc chất.

Lần lại các công văn giấy tờ mới nhất có trong tay, chúng tôi thấy cơ quan quản lý hành xử vấn đề liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng theo kiểu dư luận biết đến đâu thì ra tay và tỏ vẻ bận rộn đến đấy.

Mãi đến ngày 14/5/2007, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về nhóm thực phẩm trên bàn ăn mới gửi công văn số 292/ATTP-TC yêu cầu các đơn vị liên quan gửi báo cáo kết quả phân tích hàm lượng 3-MCPD trong nước tương Chin-su và các sản phẩm nước tương khác.

Đến nay, trên bàn của Cục trưởng ATVSTP có đủ những thứ cần có, văn bản báo cáo kết quả những việc được làm từ rất lâu, cách đây một vài tháng, thậm chí một vài năm, từ các đơn vị như Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 và Thanh tra Y tế TP Hồ Chí Minh.

Tại sao các văn bản đó không được gửi về Cục ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm? Vì Cục không yêu cầu gửi hay vì các đơn vị kia không muốn gửi?

Nói riêng cuộc thanh tra đầu năm nay các cơ sở sản xuất nước tương tàu vị yểu của Thanh tra Y tế TP Hồ Chí Minh, kỳ lạ là Cục ATVSTP không hề biết cho đến gần đây dù trước đó Cục phát động Tháng Hành động Vệ sinh An toàn Thực phẩm trên toàn quốc. Tại sao Thanh tra Y tế TP Hồ Chí Minh không báo Cục và tại sao Cục không sớm chủ động yêu cầu địa phương báo cáo?

Câu hỏi đó chỉ có thể được lý giải bởi những quan chức nắm rõ hệ thống nhằng nhịt các bộ phận chuyên môn của ngành y tế. Chỉ biết một quan chức của Cục lý giải rằng thanh tra là theo ngạch dọc thanh tra còn Cục theo ngạch dọc của Cục. Thông tin từ ngạch dọc nọ sang ngạch dọc kia không thể tự đến nếu ngạch dọc kia không yêu cầu.

Thế mới có chuyện văn phòng của Cục và của Thanh tra Bộ Y tế trên Phố Giảng Võ, Hà Nội, chỉ cách nhau chừng 200 m đường chim bay mà kết quả cuộc thanh tra kia từ Quý I/2007 giờ mới đến được Cục. Bản thân ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Y tế - trong công văn trả lời Vitecfood ngày 16/5/2007 còn hai lần nhắc đến cụm từ chỉ cung cấp thông tin “nếu có yêu cầu”.

Công văn đi với tốc độ rùa, thông tin cần cho công chúng được tiết lộ với tốc độ “cụ rùa” nhưng cũng chỉ khi “nếu có yêu cầu”. Trong khi đó, lãnh đạo lại bận di chuyển với tốc độ hỏa tiễn mỗi khi báo chí tiếp cận.

Chúng tôi cố gắng chầu chực chỉ để xin gặp 15 phút ông Cục trưởng Cục ATVSTP nhưng không may ông Cục trưởng đang ở thời điểm ưu tiên bận họp việc khác.

MỚI - NÓNG