Chất lượng VSATTP vẫn đáng quan ngại

Chất lượng VSATTP vẫn đáng quan ngại
Sáng nay 20/4, tiếp tục phiên họp thứ 19, dưới sự chủ trì Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng VSATTP vẫn đáng quan ngại ảnh 1

Không có gì để đảm bảo những mớ rau này có đảm bảo VSATTP hay không. Ảnh : Phạm Yên

Các đại biểu đánh giá, thời gian qua chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn đang ở tình trạng đáng quan ngại, chưa đạt được sự tin cậy của người tiêu dùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng CLVSATTP là vấn đề rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn tác động đến sự phát triển của nền kinh tế và danh dự quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

Trong 5 năm qua (2004-2008), công tác quản lý nhà nước về CLVSATTP ở một số lĩnh vực đã đạt được những kết quả đáng kể.

Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát CLVSATTP vẫn đang tồn tại những điểm yếu như: việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau, chồng chéo hoặc bỏ sót một số lĩnh vực gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu. CLVSATTP của một số sản phẩm thực phẩm chế biến thủ công, quy mô nhỏ đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu.

Tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát còn ở mức rất thấp. Hiện diện tích vùng sản xuất sản xuất rau an toàn chỉ đạt 8,5% tổng diện tích trồng rau trong cả nước.

Các Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Tòng Thị Phóng nhấn mạnh tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng quan ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đối với người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và xây dựng những cơ chế xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, tăng cường tính xã hội hoá, đề cao vai trò của các Hiệp hội trong công tác quản lý CLVSATTP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, tình hình CLVSATTP vẫn chưa được kiểm soát tốt, các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đủ mạnh. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát CLVSATTP cần được đẩy mạnh, nếu không sẽ phải trả giá về sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba quan tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát CLVSATTP. Theo bà Thu Ba, cần tăng cường đầu tư nguồn lực về cơ cấu bộ máy các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực quản lý CLVSATTP, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trong lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Quốc hội tăng kinh phí cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với mục tiêu chi ngân sách tối thiểu đạt mức bình quân đầu người khoảng 9.000 đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần so với hiện nay.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG