Chất thải hầm cầu có nguy cơ chảy xuống sông Sài Gòn

Chất thải hầm cầu có nguy cơ chảy xuống sông Sài Gòn
TP - Theo cảnh báo của Sở TN&MT TP.HCM, chất thải hầm cầu từ hơn 8 triệu dân có nguy cơ đổ tràn lan ra môi trường, đặc biệt là sông Sài Gòn nếu cơ sở Hòa Bình đóng cửa...
Chất thải hầm cầu có nguy cơ chảy xuống sông Sài Gòn ảnh 1
Công nhân cơ sở HB đang phơi chất thải rắn từ nguyên liệu ban đầu là chất thải hầm cầu để làm phân hữu cơ  Ảnh: Hồng Hạnh

Ngày 31/12 tới là thời hạn cuối cùng để cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình (HB) - cơ sở duy nhất tại TPHCM chuyên về xử lý chất thải hầm cầu phải di dời, trong khi địa điểm tiếp nhận chưa chuẩn bị xong và HĐND TP cương quyết không gia hạn thêm.

Theo cảnh báo của Sở Tài nguyên - Môi trường, chất thải hầm cầu từ hơn 8 triệu dân có nguy cơ đổ tràn lan ra môi trường, đặc biệt là sông Sài Gòn nếu cơ sở Hòa Bình đóng cửa...

Cơ sở sản xuất phân bón HB (số 1/8 đường Tân Kỳ - Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) được thành lập vào năm 1987 với quy mô sản xuất 4.000m3. Năm 2000, cơ sở được UBND quận Tân Bình cấp giấy chứng nhận kinh doanh với ngành nghề đăng ký là sản xuất phân bón hữu cơ từ nguyên liệu chất thải hầm cầu, công suất 1.000 tấn/năm (tức 450 m3/ngày).

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc cơ sở, sau khi tiếp nhận, chất thải hầm cầu sẽ được xả xuống bể lắng cát rồi qua 4 bể lắng nữa để tách cặn rắn làm phân hữu cơ. Riêng nước thải được xử lý vi sinh qua nhiều công đoạn để đạt tiêu chuẩn TCVN 5945-1995, cột B - trước khi thải ra cánh đồng lân cận.

Tuy công nghệ xử lý khá hiện đại nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực xung quanh cơ sở HB nồng nặc mùi hôi. Theo UBND phường Sơn Kỳ, khu vực bị ảnh hưởng rộng khoảng 93ha với hơn 300 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Nhiều năm nay, khu vực này là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường của TPHCM.

Do đó, theo Quyết định số 214/QĐ-UB ngày 14/1/2003 của UBND TPHCM, cơ sở HB phải di dời ra khỏi thành phố trong năm 2003. Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, cơ sở này được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho gia hạn di dời nhiều lần (từ năm 2003 gia hạn đến ngày 31/12/2005, sau đó lùi đến 31/12/2006).

Theo ông Hoàng Quốc Dân, Phó chủ tịch HĐND phường Sơn Kỳ, việc liên tục gia hạn di dời, không thực hiện lời hứa trước dân đã khiến rất nhiều cử tri ở địa phương đặc biệt bức xúc. Càng lạ lùng hơn khi ông Phạm Văn Hiếu, Phó giám đốc Cty Môi trường Đô thị (MTĐT) khẳng định không hề nhận được văn bản chấp thuận gia hạn nói trên.

Ông Lê Tiến Dũng cho biết, cơ sở phân bón HB đã lập dự án xin di dời đến Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) ngay từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất vì các cơ quan chức năng chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng; đồng thời phải liên tục chỉnh sửa dự án theo các quy định mới.

Theo văn bản số 3445/UBND-CNN ngày 29/5/2006 của UBNDTP thì chậm nhất là đến ngày 31/12 tới, cơ sở phân bón HB phải đóng cửa, chuyển đến địa điểm mới. Thời hạn cuối cùng đã cận kề, tất cả các ngành chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương đều thống nhất sẽ không giải quyết gia hạn lần nữa cho cơ sở HB nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo bà Phượng, cán bộ thuộc Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), trong trường hợp cơ sở HB không di dời kịp vào ngày 31/12 tới và bị buộc phải đóng cửa thì TPHCM sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng.

Chất thải hầm cầu không có nơi xử lý sẽ bị các đơn vị, cá nhân hành nghề “hút hầm cầu” lén lút đổ bừa bãi khắp nơi và sẽ tràn xuống kênh, rạch đổ ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước sạch của thành phố. “Đóng cửa cơ sở HB thì chất thải hầm cầu có khả năng gây ô nhiễm trầm trọng cho toàn thành phố” – Bà Phượng nói.

Làm việc tắc trách, sở Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP trong cuộc kiểm tra, giám sát hiện trường chiều 23/11.

Theo báo cáo của Sở TNMT, trước năm 2003, công tác quản lý chất thải hầm cầu do Cty Môi trường thuộc Sở GTCC thực hiện. Sau khi chia tách, Sở TN-MT chỉ tập trung quản lý nhà nước đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại và y tế, các số liệu về khối lượng chất thải và số lượng các đơn vị làm dịch vụ hút hầm cầu chưa được điều tra và thống kê đầy đủ.

Theo ước tính, cơ sở HB là nơi duy nhất xử lý khoảng 2/3 khối lượng chất thải hầm cầu, 1/3 khối lượng còn lại các đơn vị tư nhân làm dịch vụ bơm hút hầm cầu lén lút đổ bỏ xuống các kênh, rạch, hố ga thoát nước hoặc chở về các tỉnh.

Sở TN-MT đã đo đạc chất lượng không khí khu vực xung quanh cơ sở, kết quả đạt tiêu chuẩn TCVN 3938-1995. Ngày 2/11 vừa qua, Sở lấy mẫu nước thải, nhờ một số đơn vị chức năng phân tích và đã cho kết quả đạt loại B. Vì vậy Sở TN-MT đã kiến nghị xem xét tiếp tục cho gia hạn.

Đề nghị của Sở TN-MT đã làm Đoàn kiểm tra của HĐNDTP, chính quyền địa phương hết sức bức xúc. Ông Võ Văn Ánh, Chủ tịch HĐND phường Sơn Kỳ nói thẳng: “Nói chất lượng không khí xung quanh và chất lượng nước ngầm bên dưới bãi phân đạt tiêu chuẩn thì ai tin được?

Cty MTĐT nói không biết thì thật lạ vì chính đơn vị này đã nhiều lần có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản- Sở TN-MT gia hạn cho cơ sở HB. Địa phương không đồng ý nhưng Sở TN-MT vẫn ra văn bản. Tài xế xe chở phân vào đổ cầm văn bản này để vô hiệu lệnh cấm của địa phương”.

“Được UBNDTP giao trách nhiệm nhưng Sở TN-MT đã vô trách nhiệm, không lập quy hoạch, không có lộ trình về xử lý chất thải hầm cầu, dẫn đến tình trạng cả thành phố lệ thuộc vào một cơ sở xử lý của tư nhân.

Ngoài ra, Nghị quyết của HĐNDTP đã yêu cầu không được gia hạn di dời nhưng Sở vẫn tham mưu cho UBND TP cho phép DN xử lý tại chỗ nhằm tiếp tục xin gia hạn. Tham mưu kiểu đó là không tuân thủ Nghị quyết HĐNDTP và Sở TN-MT phải là đơn vị chịu trách nhiệm” - Ông Nguyễn Minh Hoàng gay gắt. 

Theo ông Phạm Văn Hiếu, TPHCM đã xây dựng và đang vận hành thử nghiệm khu xử lý chất thải hầm cầu ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) công suất 60 - 100m3/ngàơiy.

Hiện thành phố đang hợp tác với Hà Lan xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải ở Đa Phước, công suất 800 tấn/ngày (trong đó có 200 tấn chất thải hầm cầu) nhưng phải đến giữa năm 2008 mới hoàn thành.

Vào năm 2002, Cty MTĐT có lập dự án xử lý chất thải hầm cầu với tổng kinh phí 26 tỷ đồng nhưng không được phê duyệt.

MỚI - NÓNG