Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay

Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay
Sáng 18/12, tại chợ Nghệ ở trung tâm địa bàn thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây -một đám cháy lớn đã bùng phát vào khoảng 6h sáng. Ước tính, gần 650 hộ tiểu thương trắng tay vì vụ hỏa hoạn này.
Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay ảnh 1
Nỗi đau xót của bà con tiểu thương

Sau 2h hoành hành dữ dội đám cháy thiêu trụi hàng trăm gian hàng trong khu chợ trước sự bất lực của lực lượng cứu hỏa.

Được biết, vào đầu năm một đám cháy cũng đã xảy ra tại chính chợ Nghệ. Phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại hiện trường ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra… 

Nước mắt người Sơn Tây

Khi các phương tiện phòng cháy chữa cháy được tập trung để “khoanh vùng” khu vực hỏa hoạn, và những chiến sĩ cứu hỏa đầu tiên xông được vào trong chợ thì hầu hết các gian hàng trong chợ Nghệ chỉ còn lại một đống tro tàn.

Từ khu chợ, một đám khói đen cuồn cuộn bốc lên che kín cả góc trời thị xã Sơn Tây. Do hỏa hoạn bùng phát vào sáng sớm, khi chợ còn rất vắng, nên không có thiệt hại về người, nhưng số lượng tài sản ước tính hàng chục tỷ đồng của khoảng hơn sáu trăm hộ kinh doanh và các cơ sở hạ tầng trong chợ đã bị thiêu rụi.

Lúc này, đông đảo bà con tiểu thương đã tập trung ở trước chợ, đôi mắt những người Sơn Tây này đỏ hoe trong gió lạnh… Chị Nguyễn Thị Dung- chủ sạp hàng tạp hóa-nói trong nước mắt: “Hơn nửa đời người làm ăn mua được một gian hàng, lại mới vay tiền ngân hàng để đầu tư để kinh doanh dịp tết, nay trắng tay rồi trời ơi!”.

Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay ảnh 2
Cổng chợ Nghệ trong cơn hỏa hoạn

Còn anh Đỗ Quang Bình - chủ ki - ốt đồ điện - thì tỏ vẻ phẫn nộ: “Một gian hàng ở chợ bây giờ có giá hàng trăm triệu bằng cả miếng đất, lại còn tháng nào cũng tiền thuế, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ, tiền phòng cháy chữa cháy… gần một triệu đồng. Vậy mà người ta để xảy ra cơ sự này đây”.

Nhiều con em các chủ hộ kinh doanh cũng theo bố mẹ ra cổng chợ, ngơ ngác trước khung cảnh hoang tàn ở nơi mà chiều qua còn là một khu chợ nhộn nhịp, có em nhìn người lớn khóc rồi cũng mếu máo theo: “Mẹ ơi, hàng hoá nhà mình đâu rồi”.

Có lẽ, không chỉ hàng trăm tiểu thương đã và đang đau lòng vì cháy chợ mà hệ lụy của nó còn gấp nhiều lần con số hàng trăm người này.

Tìm mãi, chúng tôi không gặp được các cán bộ có trách nhiệm ở Ban quản lý chợ, mà chỉ gặp được anh Nguyễn Văn Quang, là nhân viên thu phí. Lúc bấy giờ anh Quang đang bị bà con tiểu thương “bao vây” với các câu hỏi dồn dập: “Trách nhiệm thuộc về ai?” và “Đền bù như thế nào?”.

Theo anh Quang, có khoảng 639 gian hàng trên tổng số gần 1 nghìn gian hàng của toàn chợ Nghệ nằm trong khu vực bị cháy, tập trung vào các gian hàng đồ điện, dệt may, và tạp hóa.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay ảnh 3
Cảnh hoang tàn sau đám cháy

Mặc dù nguyên nhân gây cháy còn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng các ghi nhận tại hiện trường đều nghiêng về hướng “chập điện” hoặc “có người đến sớm nấu nướng trong chợ”…

Diễn biến nhanh đến mức kinh hoàng của đám cháy có thể do trời hanh khô, gió to, nhưng điều quan trọng hơn mà chúng tôi có thể khẳng định là sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ Nghệ. 

Trước hết là vì vào đầu năm nay, một đám cháy cũng đã xảy ra tại khu chợ này, nhưng công tác phòng cháy đã không được tăng cường ở mức cần thiết.

Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chợ Nghệ có từ thời Pháp thuộc, chợ rộng nên các vị trí kinh doanh cũng rộng rãi; nhưng thời gian gần đây không hiểu trách nhiệm của Ban quản lý chợ thế nào mà số hộ kinh doanh ngày càng tăng, vị trí ngồi cứ hẹp dần, quầy hàng lấn chiếm lối đi vừa mất mỹ quan vừa cản trở lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp tiếp cận tâm cháy.

Cháy chợ Nghệ: Gần 650 hộ tiểu thương trắng tay ảnh 4
Người tiểu thương này cố tìm những thứ còn sót lại trong đám cháy

Hầu hết các công trình trong chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến bức xúc của các hộ muốn được cải thiện điều kiện kinh doanh, thế nhưng dự án nâng cấp chợ lâu nay vẫn nằm trong tình trạng “im lặng đáng sợ” bởi điệp khúc quen thuộc “không có kinh phí”.

Do vậy, mà nhiều hoạt động quản lý, trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, qui cách PCCC..., đều không đáp ứng được nhu cầu phát triển của một chợ cấp tỉnh và là đầu mối buôn bán cho các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Được biết năm nào dự án nâng cấp chợ với kinh phí vài chục tỷ đồng cũng được đề nghị với các cấp có thẩm quyền, để rồi khi chủ trương nâng cấp chợ vẫn đang nằm trên bàn giấy thì hỏa hoạn đã xảy ra với số tài sản thiệt hại ước tính đủ để tiến hành nâng cấp chợ Nghệ.  

* Chợ Nghệ nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây, có diện tích 12.300m2, được phân làm 3 khu vực.

Chợ có gần 1.000 hộ kinh doanh, trong đó khoảng 800 hộ đăng ký kinh doanh cố định gồm nhiều ngành hàng khác nhau. Vì thế, chợ được coi như một trung tâm buôn bán thương mại đa dạng hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh mua bán tiêu dùng của nhân dân các huyện, thị xã phía bắc tỉnh, mà còn góp phần mở rộng giao lưu phát triển kinh tế hàng hóa và nông sản với các tỉnh khu vực Tây Bắc.

* Sẽ làm chợ tạm cho bà con tiểu thương tiếp tục buôn bán

Vào cuối giờ chiều hôm qua, PV Tiền Phong  đã liên hệ với ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây. Ông Hoàng cho biết vào chiều ngày sau khi xảy ra vụ cháy, UBND tỉnh Hà Tây đã tổ chức một cuộc họp bàn về vụ cháy chợ ở Sơn Tây. Chủ trương lúc này của tỉnh Hà Tây là xây dựng một chợ tạm cho bà con tiểu thương tạm thời buôn bán.

Còn về những thiệt hại của bà con tiểu thương, tỉnh sẽ xem xét và đánh giá cụ thể để có phương án hợp lý. Hỏa hoạn là chuyện bất khả kháng, tuy nhiên Hà Tây sẽ làm hết sức mình để ổn định cho bà con tiểu thương trong thời gian sớm nhất.

MỚI - NÓNG