"Chạy chức, chạy quyền" gây bất bình trong dân

"Chạy chức, chạy quyền" gây bất bình trong dân
Đại biểu Lê Văn Cuông chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn về nạn chạy chức chạy quyền, về tình trạng bằng thật, kiến thức giả vẫn được tuyển dụng, chất lượng cán bộ công chức kém.
"Chạy chức, chạy quyền" gây bất bình trong dân ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 19/11. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh: Chúng ta đang thực hiện quy trình đề bạt, bố trí sắp xếp cán bộ, theo các văn bản hướng dẫn, đã tiến hành các quy trình chặt chẽ để đề bạt cán bộ các cấp. Tuy nhiên cũng có ý kiến nêu là còn tình trạng chạy chức chạy, quyền. Vấn đề này đã được đề cập trong các báo cáo kiểm điểm về công tác cán bộ...

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng nêu rõ: Quan điểm của Bộ Nội vụ là thực hiện nghiêm túc thông qua quy trình công tác cán bộ, đánh giá, quy hoạch, các bước lấy ý kiến ở cơ sở, quan trọng hơn nữa việc đề bạt cán bộ phải được tiến hành công khai, dân chủ, trách nhiệm.

Tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cấp trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mới hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Bộ trưởng đề nghị, nếu có điều kiện, đại biểu chỉ rõ trường hợp tiêu cực, chạy chức chạy quyền gây nhũng nhiễu, Bộ Nội vụ sẽ kiên quyết đề nghị xử lý...

Người ngoài Đảng nếu đạt tiêu chuẩn vẫn được đề bạt

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng có tham mưu cho Nhà nước có giải pháp để làm sao vẫn giữ được quyền lãnh đạo của Đảng, nhưng không đồng nhất với việc người ngoài Đảng không được tham gia quản lý đất nước?

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết: Bộ Nội vụ không trình văn bản nào chỉ đề xuất các cán bộ là đảng viên mới được đề bạt; chỉ nêu tiêu chuẩn, kể cả người ngoài Đảng nếu đạt tiêu chuẩn vẫn được đề bạt, bố trí, sắp xếp.

Bộ trưởng chia sẻ với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, đó là việc làm đúng, thể hiện công bằng. Những người có phẩm chất đạo đức, có trình độ, nhiệt tình đóng góp với Tổ quốc phải được trọng dụng.

Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng ( Vĩnh Long) chất vấn về tình trạng lãng phí chất xám, không thu hút người tài trong hệ thống nhà nước. Bộ có công khai tiêu chí tuyển dụng bố trí cán bộ, kiểm tra tuyển dụng, bố trí cán bộ công chức theo nhu cầu công việc?

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nêu rõ: Trong thực tế, chúng ta đã có cố gắng cải cách tiền lương, nhưng chưa thể làm ngay được. Thực tế có một bộ phận cán bộ công chức đang làm trong cơ quan Nhà nước do thu nhập thấp đã xin ra ngoài làm. Hiện chủ trương của Nhà nước phát triển các thành phần kinh tế, do vậy điều quan trọng là làm thế nào để tuyển dụng cho được người tài có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn. Bộ trưởng cho rằng, cần làm tốt việc thông báo công khai, nêu rõ tiêu chuẩn để tuyển dụng .

Theo đại biểu Hoàng Trần Ky ( Nghệ An), có nhiều người có trình độ chuyên môn giỏi, lực lượng lao động trẻ là tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp liên doanh, nơi đó hấp dẫn họ về chế độ lương thưởng, có cơ hội nâng cao trình độ và thăng tiến.

Đại biểu chất vấn: Để nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy của Nhà nước, trong bối cảnh hội nhập, Bộ có có giải pháp gì mang tính đột phá và khả thi cao có đội ngũ cán bộ công chức viên chức đủ số lượng và cơ cấu hợp lý chất lượng?

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, cần phải làm bám sát tiêu chuẩn cán bộ, bám sát quy trình, thực hiện đúng quy trình cán bộ của Đảng và Nhà nước, cần khách quan trong xem xét, tránh tình trạng công tác cán bộ phụ thuộc vào một số người, cần thực hiện việc quyết tập thể, chọn cán bộ đúng, cán bộ có khả năng đáp ứng công việc. Để động viện cán bộ có khả năng, theo Bộ trưởng nếu thực hiện tốt NĐ 43, các đơn vị có điều kiện vươn lên tự quyết định tổ chức biên chế, lương, động viên cán bộ trong các đơn vị hành chính phát huy năng lực đóng góp nhiều hơn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Nhượng ( Quảng Bình), Bộ trưởng nhấn mạnh: Cải cách hành chính là vấn đề lớn. Trong thực tế, công tác cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa đạt như mong muốn, vẫn còn nhiều bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng nêu rõ 8 nội dung trọng tâm của công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, trong đó tiếp tục coi cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá.

Về câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hoa Ry ( Bạc Liêu), Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: Nghị định 158 để góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, là biện pháp cần thiết, lấy xây làm chính. Nếu 3 năm mà được chuyển đổi vị trí công tác, cán bộ đó có điều kiện làm việc tốt hơn, có năng lực đảm nhiệm nhiều việc khác tốt hơn.

Nghị định nêu rõ: Công tác thực hiện luân chuyên phải bảo đảm ở vị trí mới, cán bộ vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc, làm tốt công tác chuyên môn, không vì luân chuyển mà ảnh hưởng tới công việc. Việc tổ chức luân chuyển phụ thuộc thủ trưởng và các đơn vị, tránh tính trạng người đang làm tốt, phẩm chất đạo đức tốt thì chuyển, nhưng lại đưa vào người không tương xứng.

Cử tri Trịnh Minh Châu, cán bộ Viện KSND tỉnh Thanh Hoá :

Không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Cử tri Trịnh Minh Châu, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho rằng đại biểu Lê Văn Cuông ( Thanh Hóa) đã nêu vấn đề khá nhức nhối - đó là tệ “chạy chức chạy quyền''. Thực tế này có lẽ ai cũng thấy và hậu quả là rất nghiêm trọng, bởi cán bộ không có năng lực, thiếu phẩm chất khi đã chạy được chức quyền thì chỉ nghĩ đến việc vơ vét, tham nhũng để mau "khấu hao, thu hồi vốn" đã bỏ ra.

Đại biểu Lê Văn Cuông nói rất đúng là có quy hoạch, có quy trình đề bạt, cất nhắc cán bộ nhưng quyết định cuối cùng chỉ tuỳ thuộc vào ý chí của vài ba cán bộ chủ chốt. Về danh nghĩa vẫn làm đủ các bước thủ tục như lấy phiếu tín nhiệm, phiếu thăm dò, nhưng kết quả kiểm phiếu không công khai trước hội nghị mà chỉ một số người được biết...

Như vậy có thể nói công khai quy hoạch, quy trình chỉ là hình thức và càng không thể nói là đã minh bạch. Cử tri chúng tôi cũng không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định rằng Bộ trưởng chưa hề phát hiện được trường hợp “chạy chức chạy quyền” nào.

Thực tế đúng như đại biểu Lê Văn Cuông đã nói, không một cán bộ nào tự nhiên đi khai báo rằng mình đã “chạy chức chạy quyền''. Vấn đề là cán bộ lãnh đạo các cấp phải thực sự đi sâu, đi sát thực tế, tăng cường tiếp xúc cử tri sẽ được nghe nhiều chuyện. Nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo là phải chỉ ra cụ thể từng trường hợp “chạy chức chạy quyền” để xử lý thông qua các cơ quan chức năng như Uỷ ban Kiểm tra Đảng, Thanh tra nhà nước...

Cử tri chúng tôi cũng rất kỳ vọng việc công khai thi tuyển cán bộ đảm nhiệm các chức vụ công tác song không hiểu vì lý do gì chủ trương này không được triển khai thực hiện rộng rãi.

Hiện nay Chính phủ đã có Nghị định 132 về tinh giảm biên chế, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo những cán bộ không đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức và cả lý do sức khoẻ.

Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, sắp xếp lại bộ máy thật hiệu lực, hiệu quả, kiên quyết không vì nể nang, chạy chọt mà bố trí, cất nhắc cán bộ không đúng tiêu chuẩn.

Tổng hợp từ TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG