Chạy chức, chạy quyền: phải làm rõ trách nhiệm từng người

Chạy chức, chạy quyền: phải làm rõ trách nhiệm từng người
Mặc dù đã nghỉ hưu hơn một năm nay, ông Vũ Quốc Hùng (ảnh) - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, nguyên trưởng bộ phận thường trực Ban chỉ đạo trung ương 6 (2) - vẫn theo sát tình hình công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nạn chạy chức, chạy quyền lâu nay cũng đã nói nhiều nhưng thực tế phát hiện, xử lý lại không được bao nhiêu. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Đối với nạn chạy chức, chạy quyền Đảng ta đã có thái độ rất rõ. Tôi cũng đã phát biểu điều này tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X. Vừa rồi, qua kênh thông tin từ báo chí, tôi có được nghe câu chuyện đồng chí bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đặt lên bàn Ban thường vụ tỉnh ủy số tiền 100 triệu đồng, được cho là tiền cấp dưới chạy chức, chạy quyền. Nếu đây là thông tin chính xác thì tôi thật sự bất ngờ và có phần cảm thấy đau đớn. Vì sao như thế?

Chúng ta thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X được gần nửa nhiệm kỳ. Toàn Đảng, toàn dân đều thấy rõ cần chống những cái tiêu cực, bảo vệ những cái tốt đẹp. Đặc biệt trong đó, chạy chức, chạy quyền là cái xấu không thể không đấu tranh. Đó là chưa nói hiện nay cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang đi vào chiều rộng và chiều sâu. Xảy ra việc như vậy, thật sự rất đáng xấu hổ và đau đớn.

Thưa ông, dư luận băn khoăn vì sao bí thư Tỉnh ủy Cà Mau không công khai danh tánh người đưa tiền...

- Những việc đã công bố như vậy rồi, theo tôi, cần phải làm đến cùng, làm rõ trách nhiệm của từng người.

Chạy chức, chạy quyền đã là xấu nhưng còn đáng lo ngại hơn khi chạy chức, chạy quyền trở thành một "trào lưu". Người không chân chính chạy chức, chạy quyền đã đành, nhưng ngay cả người tử tế có khi cũng phải bắt chước người khác, nếu không - có khi - tự loại mình ra khỏi guồng máy.

Để chống nạn chạy chức, chạy quyền có hiệu quả, theo ông, cần quan tâm những vấn đề gì?

- Khi có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, việc phòng ngừa là trước hết. Những người có trách nhiệm trong công tác cán bộ trước tiên phải là những người liêm chính, chí công vô tư. Cần phải kịp thời uốn nắn những cá nhân có biểu hiện chạy chức, chạy quyền để ngăn ngừa từ đầu. Chạy chức, chạy quyền thực chất cũng là một hình thức của nạn tham nhũng, vì muốn chạy chức thì phải đưa tiền của, tức là phải có đưa hối lộ và nhận hối lộ. Vì vậy, một mặt phải ngăn chặn, mặt khác cũng chính là để cứu lấy cán bộ.

Còn đưa, còn nhận là còn "chạy"

Báo Tuổi Trẻ ngày 26-4 có đưa tin về trường hợp chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng công khai toàn bộ tiền được biếu, tặng trong 15 tháng. Đặt bên cạnh vụ ở Cà Mau, theo ông, trường hợp ở Cao Bằng nên được nhìn nhận ra sao?

- Câu chuyện ở Cao Bằng không quá xa lạ với tôi, liên quan tới đồng chí Lô Ích Giang, chủ tịch tỉnh. Tôi đánh giá đây là một cử chỉ liêm chính. Không phải sau khi báo nêu tôi mới biết. Thật ra từ năm 2005, khi còn công tác ở thường trực Ban chỉ đạo trung ương 6 (2), tôi đã được nghe báo cáo việc đồng chí Lô Ích Giang công khai và trả lại tiền được biếu, tặng.

Ở đâu cũng thế, cái cốt lõi là người đứng đầu và cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ phải công minh, trong sạch và khách quan để lựa chọn, trọng dụng những người có tài trong xây dựng đất nước. Như thế, người kém cỏi có muốn chạy cũng không có cửa.

Trước đây khi xây dựng Luật phòng chống tham nhũng, có ý kiến chuyên gia đề nghị nên lập ra một tài khoản để tiếp nhận những khoản hối lộ mà người nhận không muốn công khai danh tánh vì các lý do tế nhị.

- Theo tôi, hình thức này cũng nên tham khảo vì trong cuộc sống, mối quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau nhiều khi rất tế nhị, không nên nhầm lẫn giữa tình người chân thành với các hành vi xấu xa, cùng một hiện tượng, cùng một hành vi nhưng có thể với các động cơ khác nhau.

Nhưng tôi cho rằng cơ bản nhất vẫn phải là có cơ chế để người ta không thể làm được, không dám làm và cao hơn là phải giáo dục, giác ngộ để họ không muốn làm những việc chạy chức, chạy quyền này. Và những người làm công tác cán bộ phải là những người có nhân cách.

Nếu có cung, có cầu, có người đưa và vẫn có người nhận tiền chạy chức, chạy quyền thì chuyện này vẫn còn tiếp diễn. Những con người tham lam, háo danh, ham muốn quyền lực thật ra không phải một sớm một chiều có thể hết ngay được.

Theo N.V. Hải
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG