"Chạy chức" - con voi vẫn chui lọt lỗ kim

"Chạy chức" - con voi vẫn chui lọt lỗ kim
Từng làm "nóng" nghị trường với việc truy vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề "chạy chức, chạy quyền", đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông khẳng định sẽ tiếp tục mổ xẻ vấn nạn này tại kỳ họp QH tới, đặc biệt là những vấn đề đặt ra từ vụ "chạy chức" ở Cà Mau.
"Chạy chức" - con voi vẫn chui lọt lỗ kim ảnh 1

Ông Lê Văn Cuông nói:

- Vấn đề "chạy chức, chạy quyền" tôi đã đề cập nhiều lần tại các kỳ họp của QH khóa XI và XII, đồng thời từng chất vấn "hai đời" bộ trưởng Bộ Nội vụ là ông Đỗ Quang Trung trước đây và ông Trần Văn Tuấn hiện nay. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy bà con rất bức xúc về vấn nạn này, nhưng do nạn "chạy chức, chạy quyền" là một thứ "sóng ngầm" tinh vi nên người ta chỉ có thể rỉ tai nhau chứ khó có dẫn chứng cụ thể.

Là người quan tâm đến vấn nạn "chạy chức, chạy quyền", ông có suy nghĩ gì sau khi nhận thông tin về vụ việc ở Cà Mau?

- Trường hợp Cà Mau không phải là cá biệt, nhưng chỉ với sự thông tin rộng rãi của các cơ quan báo chí thì chúng ta mới có dịp nhận diện một vụ "chạy chức" cụ thể với số tiền 100 triệu đồng.

Đằng sau vụ việc này, dư luận băn khoăn là làm sao một người đứng đầu tỉnh, nếu ông nhận tiền chạy chức thì phải đến hơn 1 tỉ đồng, nghĩa là ông đã biết các đối tượng đưa tiền đến "cạy cục" mình, sao lại không có biện pháp xử lý nghiêm khắc các đối tượng đó? Với cương vị bí thư tỉnh ủy, ông Võ Thanh Bình hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, mặc dù công luận đề nghị ông bí thư tỉnh ủy nêu tên đối tượng "chạy chức" nhưng sau nhiều ngày nội vụ vẫn chưa được công khai...

Đằng sau tiền bạc luôn có động cơ

Có hai cách nhìn về sự việc chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhận tiền, quà biếu và sung công. Đâu là cách nhìn của ông?

Muốn phân định đúng - sai trong trường hợp này, điều giản dị là căn cứ vào các qui định trong Luật phòng chống tham nhũng, nhất là những qui định về nhận quà biếu. Việc làm của chủ tịch tỉnh Cao Bằng, công khai số tiền được biếu tặng và dùng số tiền đó để hoạt động từ thiện, cũng là một động thái tốt. Nhưng nó có đúng qui định pháp luật không? Tôi nghĩ là không! Đằng sau tiền bạc luôn có động cơ, dù là động cơ tình cảm, khi ta nhận tiền rồi liệu ta có chí công vô tư, đó là chưa kể đến sự nghi ngờ của dư luận. Cán bộ có chức có quyền thường nhận được quà biếu, quà tặng; ở mức độ tình cảm thì chúng ta có thể nhận theo đạo lý của người Việt, nhưng ở mức độ tiền triệu thì rõ ràng không phải chỉ là tình cảm.

- Tôi, với tư cách đại biểu QH, kiến nghị bí thư Tỉnh ủy Cà Mau không những phải làm rõ vấn đề này với cấp trên và tổ chức, mà còn phải đưa nội vụ ra trước ánh sáng công luận.

Tôi cũng cho rằng bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cần phải cùng với tập thể thường vụ xử lý vấn đề theo đúng qui định pháp luật, nếu vụ việc chưa đến mức để truy tố trước pháp luật cũng phải đưa các đối tượng "chạy chức" ra khỏi bộ máy nhà nước để làm bài học răn đe.

Tôi tin rằng làm như thế uy tín của bí thư Tỉnh ủy Cà Mau sẽ được khẳng định, còn nếu không làm rõ vụ việc này thì không những cá nhân bí thư Tỉnh ủy Cà Mau mà cả cấp quản lý ông bí thư cũng sẽ bị người dân đặt dấu hỏi.

Bản thân Bộ trưởng Trần Văn Tuấn từng nói trước QH rằng với những việc cụ thể mà Bộ Nội vụ biết thì sẽ kiên quyết cùng các cấp có thẩm quyền xử lý. Vậy với vụ việc ở Cà Mau, bộ trưởng Bộ Nội vụ phải là một trong những người đầu tiên tích cực vào cuộc, để thể hiện lời nói và việc làm đi đôi với nhau.

Sau khi chất vấn Bộ trưởng Trần Văn Tuấn về vấn đề "chạy chức, chạy quyền", ông có hài lòng với những biện pháp hậu chất vấn mà bộ trưởng thực hiện?

- Sau khi chất vấn Bộ trưởng Trần Văn Tuấn tại kỳ họp QH vừa qua, về tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa và Gia Lai, chúng tôi được bà con cung cấp một số vụ việc "chạy chức, chạy quyền" cụ thể. Chúng tôi đã chuyển các đơn thư đó đến trực tiếp Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, sau đó bộ trưởng đã chuyển đơn thư về địa phương yêu cầu xem xét, trả lời. Rồi các địa phương cũng có trả lời và bộ trưởng đã thông tin cho chúng tôi biết kết quả.

Nhưng tôi thấy không hài lòng với cách chỉ đạo giải quyết của bộ trưởng, với lý do các vụ việc nêu trên theo như cử tri là có sự bao che ở địa phương, cử tri đã kiến nghị nhiều lần mà địa phương giải quyết không thỏa đáng, vì vậy cử tri mới "cầu cứu" trung ương xuống địa phương kiểm tra. Thế nhưng bộ trưởng lại "chỉ đạo tầm xa", yêu cầu các cơ quan địa phương báo cáo, trong khi người dân vốn đã không tin các cơ quan đó...

"Chạy chức" - con voi vẫn chui lọt lỗ kim ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông

Thưa ông, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho hay về mặt pháp lý, qui trình đề bạt cán bộ là rất chặt chẽ, nhưng sao lâu nay cử tri vẫn bức xúc về nạn "chạy chức, chạy quyền"?

- Thực tế là con voi vẫn chui lọt lỗ kim! Hiện nay, để góp phần chặn sóng ngầm "chạy chức, chạy quyền", chúng tôi đang nghiên cứu để tham gia việc xây dựng dự thảo Luật công vụ. Điều tôi muốn nhấn mạnh là phải làm sao để ngăn chặn được "lỗ hổng", đó là việc một cá nhân hoặc một nhóm người quyết định nhân sự như hiện nay.

Xây dựng cơ chế thi tuyển cán bộ để tạo ra tính cạnh tranh, liệu có phải là một giải pháp khả thi không, thưa ông?

- Khi góp ý cho Bộ Nội vụ về dự thảo đầu tiên của Luật công vụ, tôi đã đề cập vấn đề này nhưng không biết có được ban soạn thảo tiếp thu. Vấn đề tôi đặt ra là phải có cạnh tranh, không những tiêu chuẩn cán bộ phải rõ ràng mà phải có nhiều ứng viên vào một vị trí.

Xin hỏi câu cuối, ông ngại không khi cứ hay chất vấn về nạn "chạy chức"?

- Có cử tri nói với tôi rằng: Ông Cuông ơi, ông cứ hay chất vấn về nạn "chạy chức, chạy quyền", liệu có giải quyết được vấn đề gì trong cuộc sống, hay chỉ là "biết rồi, khổ lắm, chất vấn mãi"? Tôi nói: Đúng là một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng tôi nghĩ rằng trên nghị trường sẽ có nhiều tiếng nói ủng hộ tôi trong vấn đề này, thậm chí cho dù ở QH chỉ có một mình tôi nêu vấn đề thì tôi vẫn làm đến cùng. Tôi nguyện là "một cánh én" để góp phần ngăn chặn vấn nạn này.

Theo Hồng Lĩnh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG