“Chạy đua” cùng bão số 7

Nông dân Nam Định gặt lúa chạy bão.
Nông dân Nam Định gặt lúa chạy bão.
TP - Cơn bão số 7 được dự báo có sức gió giật cấp 13-14, mang theo lượng mưa từ 200-300ml đang tiến sát vịnh Bắc bộ. Từ 2 ngày qua, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định… tập trung toàn bộ nguồn lực để đối phó với cơn bão.

Hủy họp, tập trung chống bão

Ngay sau khi được dự báo về sức tàn phá của cơn bão số 7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để gấp rút triển khai công tác phòng, chống bão và yêu cầu toàn tỉnh tổ chức ứng trực 24/24.

Quảng Ninh thành lập 6 đoàn công tác trực tiếp xuống các địa bàn được phân công để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 7. Riêng ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại thành phố Móng Cái, đây là địa bàn có địa hình khó khăn và nguy cơ ảnh hưởng cao từ cơn bão số 7.

“Đây là cơn bão có sức gió mạnh, đúng vào thời điểm nước triều cường và đổ bộ vào ban đêm nên đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Vậy nên, đề nghị các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến công tác ứng cứu trong bão. Đồng thời đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ các tuyến đê điều tại Hà Nam, Vân Đồn, Tiên Yên” – Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

Ngay trong ngày 17/10, tỉnh Quảng Ninh đã huy động 2.300 cán bộ, chiến sỹ với 40 máy gặt giúp nhân dân các địa phương thu hoạch lúa mùa trước khi bão số 7 đổ bộ. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, trong vòng 2 ngày, tính đến 16h ngày 18/10, các cán bộ, chiến sỹ đã thu hoạch được hơn 5 nghìn ha lúa mùa và hơn 2 nghìn ha rau màu giúp dân các vùng canh tác nông nghiệp.

Riêng đối với huyện đảo Cô Tô công tác thông tin liên lạc được đảm bảo, nhà cửa các hộ dân trên đảo đều đã được chằng chống bằng bao cát, cây gỗ, thực phẩm, giá cả được quản lý chặt chẽ, các khách du lịch đều đã được đưa về đất liền an toàn. Có 8 du khách tự nguyện ở lại đảo để cùng người dân phòng chống bão.

Tính đến 16h ngày 18/10, tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, người dân sinh sống trên các lồng bè được đưa về đất liền. Các công trình thủy lợi được kiểm tra, đảm bảo an toàn trong vận hành, thoát nước.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản và Tổng Công ty Đông Bắc cùng các địa phương có khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng gấp rút triển khai các phương án an toàn đối với các khu khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng trũng ngập lụt.

Sở GD-ĐT tỉnh cũng yêu cầu các trường, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh cho học sinh được nghỉ học ngày 19/10.

“Chạy đua” cùng bão số 7 ảnh 1

Hàng nghìn tàu thuyền được kêu gọi về nơi tránh trú bão an toàn tại Quảng Ninh.

Đưa 550 du khách rời khỏi Cát Bà

Ngày 18/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải yêu cầu các khách sạn hủy tour trong ngày, đồng thời bố trí phương tiện đưa 550 khách du lịch rời khỏi đảo du lịch Cát Bà về đất liền. Từ chiều 18/10, huyện Cát Hải đã cấm biển. 

Trước đó, lực lượng biên phòng đã đưa gần 2.000 phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Huyện Cát Hải đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phương án 4 tại chỗ, xử lý các sự cố đê kè, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng chống bão, thực hiện sơ tán một số dân vùng trũng ở thị trấn Cát Hải, xã Hoàng Châu, Văn Phong tới nhà cao tầng, trụ sở đảm bảo an toàn cho dân.

Ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, cho biết từ trưa 18/10 vùng biển Bạch Long Vỹ có gió cấp 8-9, trời lất phất mưa. Theo ông Hòa, toàn bộ hơn 200 phương tiện đánh bắt thủy sản đã được huyện yêu cầu di chuyển vào bờ tránh trú bão.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết trong ngày 18/10, quận đã kêu gọi đưa toàn bộ gần 400 tàu thuyền của ngư dân (gồm cả tàu cá của địa phương khác) vào nơi tránh trú an toàn. Quận Đồ Sơn huy động hàng trăm bộ đội, thanh niên hỗ trợ người dân gặt lúa trước khi có gió bão.

Trong ngày 18/10, UBND TP Hải Phòng đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung chống bão, cấm biển và các hoạt động thủy nội địa từ 17 giờ chiều 18/10, đồng thời tổ chức di dân khỏi vùng xung yếu. UBND TP yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân tập trung cao độ cho việc thu hoạch lúa trước khi có bão.

Gặt lúa chạy bão

Gạt mồ hôi trên gương mặt đen sạm, khắc khổ, bà Nguyễn Thị Thịnh xã Trực Đại, huyện Trực Ninh cho hay, cả gia đình gấp gáp thu hoạch khoảng 10ha lúa chín trước khi cơn bão đổ bộ. “Hai ngày nay nghe đài phát thanh xã thông báo về việc khẩn trương thu hoạch nông sản sớm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, gần 10 người già trẻ gia đình tôi tập trung ra đồng thu hoạch lúa. 

Phải một tuần nữa lúa mới chín tới nhưng gia đình tôi quyết định tối nay sẽ trắng đêm ngoài đồng để thu hoạch nốt 1/3 lúa về nhà”, bà Thịnh lo lắng. Còn chị Nguyễn Thị Bưởi (40 tuổi) ôm bao tải chờ sẵn bờ ruộng chờ máy gặt tới thu hoạch nói: Dù chồng ốm nhiều ngày nay, hai con còn nhỏ nhưng tôi vẫn ra đồng gom lúa chạy bão.

Ngày 18/10, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định - Phạm Đình Nghị cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin dự báo về cơn bão số 7, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tập trung chống bão. 

Chính vì thế, tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch được 32.120 ha đạt 63% lúa mùa; diện tích nuôi trồng thủy hải sản hơn 16.000 ha đã được lên phương án thu hoạch và hạn chế tối đa thiệt hại. 

Tỉnh cũng đã hoàn thành việc xử lý đê, kè bị sạt lở do bão số 1 gây ra, trọng điểm tại kè Quy Phú (huyện Nam Trực), bờ kè Mặt Lăng (huyện Trực Ninh), đê Phú Ân (huyện Xuân Trường), đê Cồn Ba, Tư và đê Giao Hương (Giao Thủy)...

Chiều 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện ngay 12 nội dung nhằm chủ động có phương án ứng phó với cơn bão số 7.

MỚI - NÓNG