Cháy rừng: Ai phạt? Phạt ai?

Cháy rừng: Ai phạt? Phạt ai?
Còn nhớ, sau vụ cháy rừng U Minh Thượng năm 2002, trước sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương có rừng đã xử lý nghiêm  một số cán bộ có trách nhiệm liên quan tới vụ cháy gây tổn thất lớn.
Cháy rừng: Ai phạt? Phạt ai? ảnh 1

Một vụ cháy rừng ở xã Ia Sươm (huyện Krongpa, Gia Lai)  Ảnh: Xuân Trường

Với mức độ xử lý kỷ luật  nhẹ thì cảnh cáo, khiển trách cán bộ đương nhiệm, “nặng”  tới mức cách chức 2 Chi cục trưởng Kiểm lâm, lần đầu tiên vấn đề quy định trách nhiệm trước rừng đã được đặt ra đối với mỗi người. Tuy nhiên...

Vẫn khó phạt vì chưa có chế tài

Điểm lại các vụ cháy lớn từ đầu năm tới nay như: Vụ cháy gần 500 ha rừng thông và keo lá tràm tại khu nguyên liệu giấy tỉnh Kon Tum (19/3); cháy 10 ha rừng đồi Sác Ly (Sa Thầy, Kon Tum); vụ cháy 128 ha rừng tại Sơn La (26/2) thấy phần lớn “nguồn lửa” vẫn đến từ sự bất cẩn của nhiều người dân khi tiến hành làm nương, đốt rẫy, hay khi săn bắn vô ý thức đã tạo ra tàn lửa, gây cháy.

Trước đó, thống kê của Cục Kiểm lâm năm 2004 cũng cho hay: 60% các vụ cháy rừng đều có lý do  từ những lý do này hoặc tương tự.

Xác định trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, các chủ rừng trong việc thiếu ý thức, tinh thần trong việc bảo vệ sẽ đến đâu? Về điều này tại  công điện khẩn số 06 do Phó Ban chỉ đạo PCCCR  TW - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị ký gửi UBND các tỉnh ngày 22/3/2005 đã nêu: “Chủ rừng và UBND các cấp, các cơ quan có liên quan để xảy ra cháy rừng mà không khẩn trương cứu chữa và báo cáo kịp thời thì phải chịu trách nhiệm tuỳ theo mức độ hậu quả cháy rừng gây ra”.

Tuy nhiên, mức xử lý cụ thể sẽ thế nào thì khi  trao đổi với Tiền phong, một đại diện Cục Kiểm lâm cũng phải thừa nhận: “Ngoài cảnh cáo, khiển trách các đối tượng có liên quan, hiện chưa có chế tài xử phạt nào khác. Cụ thể, do Cục Kiểm lâm chỉ đạo về chuyên môn nên rất nhiều trường hợp dù biết lỗi do chủ rừng gây ra (do tắc trách hay thiếu ý thức) nhưng chúng tôi cũng chịu, không có cách nào xử lý (vì trong Luật Bảo vệ & Phát triển rừng không có quy định này)”.

Để minh họa rõ hơn vị đại diện này đã lấy ví dụ đơn cử về vụ cháy hơn 10 ha rừng vùng nguyên liệu giấy tại Kon Tum vừa qua. Mặc dù sau khi đi kiểm tra, Cục Kiểm lâm đã có khuyến cáo Tổng Cty Giấy là vùng rừng này có nhiều thực bì (nhiều cỏ lau) đang trong tình trạng rất nguy hiểm, nhưng cuối cùng đơn vị chủ quản vẫn thiếu nhiệt tình nhắc nhở, đề ra các biện pháp phòng tránh để dẫn đến hệ quả cháy. Hiện tại, không chỉ chưa có chủ rừng nào bị xử lý mà ngay cả đến Bộ Công nghiệp, đơn vị chủ quản cũng im lặng chẳng có ý kiến gì.

Rừng vẫn cháy

Thống kê của Cục Kiểm lâm từ đầu mùa khô 2005 đến nay đã xảy ra 246 vụ cháy, làm thiệt hại 819 ha rừng. Tuần qua, sức nóng cháy đã lan tỏa tới các cánh  rừng khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Mặc dù mấy ngày nay các tỉnh phía Bắc đã có mưa xuống, cấp báo cháy dịu hơn nhưng theo dự báo chung: Bước vào tháng 4, nguy cơ cháy rừng trên phạm vi cả nước sẽ diễn ra cao điểm, thậm chí kéo dài sang cả tháng 5/2005.

Theo Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng TW: Có 6 vùng trọng điểm có khả năng cháy lớn và phải lên kế hoạch bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Đó là: Vườn Quốc gia Tam Đảo; Vùng nguyên liệu giấy Kon Tum; Khu vực rừng thông TP Đà Lạt Lâm Đồng; Vườn Quốc gia U Minh Thượng, rừng U Minh Hạ; Vườn quốc gia Phú Quốc.

Tại cuộc họp báo sáng 23/3, ông Hà Công Tuấn - Cục trưởng Kiểm lâm đã cho hay: Hiện hơn 1 vạn kiểm lâm “căng mình” ra trực PCCR tại tất cả các điểm nhạy cảm trên. Cùng đó, Ban chỉ đạo PCCR TW đã gửi công điện khẩn tới tất cả các tỉnh, địa phương yêu cầu chủ động chỉ đạo, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy.

Quan điểm chung là các địa phương có cháy phải sử dụng vốn tại chỗ, nội lực là chính. Nhân đây, thông tin về vụ cháy rừng tại Sơn La ngày 26/2/2005, đại diện Cục Kiểm lâm đã khẳng định: “Diện tích cháy thực sau khi đã dùng phương pháp bản đồ xác định toạ độ đo trên máy kết quả cho thấy vào khoảng 314 ha chứ không phải hàng ngàn ha và không hề có rừng nguyên sinh cháy như một số tờ báo đã đưa tin”.

Đứng trước kinh phí eo hẹp, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng bổ sung kinh phí 10 tỷ đồng để thanh toán chi phí cho các lực lượng của TW đã và đang thường trực chữa cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng thường trực PCCR và những người tham gia chữa cháy.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng bố trí máy bay trực thăng để Ban chỉ đạo PCCCR TƯ thực hiện các đợt kiểm tra những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao như các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL và sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Được biết, lực lượng ứng cứu trong PCCR hiện nay chủ yếu vẫn là bộ đội.  

MỚI - NÓNG