Cháy sập căn nhà cổ nhất Hà Nội

Cháy sập căn nhà cổ nhất Hà Nội
TP - Lại thêm một căn nhà cổ của Hà Nội bị lửa thiêu, đổ sập. Thực tế này cho thấy, công tác bảo tồn di sản của thành phố còn nhiều hạn chế.
Cháy sập căn nhà cổ nhất Hà Nội ảnh 1
Gian giữa tại nhà cổ 47 Hàng Bạc đã bị cháy sập hoàn toàn - Ảnh: Minh Tuấn

Khoảng 21 giờ 45 phút ngày 21-2, ngọn lửa hung dữ đã bùng phát thiêu cháy toàn bộ căn giữa ba tầng của nhà 47 Hàng Bạc (nhà 47 Hàng Bạc có 3 căn ngoài, giữa và phần trong cùng). Cho đến chiều 22-2, lửa vẫn âm ỉ cháy trong những thân cột gỗ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (là một trong những hộ có nhà bị cháy) cho biết: Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do dân sơ suất khi đốt vàng mã, đốt hương tại gian thờ bằng gỗ nên đã phát cháy.

Phần bị cháy có kiến trúc đẹp nhất của căn nhà được làm chủ yếu bằng gỗ đã xuống cấp nhiều năm qua nhưng không được tu bổ. Việc cháy căn nhà đã khiến 2 hộ dân rơi vào cảnh không nơi ở, đang phải tá túc tạm tại các hộ liền kề.

Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản của các gia đình ước tính lên đến hàng chục triệu đồng. May mắn là mặt tiền ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà số 47 Hàng Bạc được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và được xếp vào hàng cổ nhất Hà Nội, mang nhiều đặc trưng và vẻ đẹp của đô thị cổ Hà Nội cần được bảo tồn.

Hiện nay trong căn nhà 47 Hàng Bạc có tới 6 hộ dân với trên 20 nhân khẩu sinh sống. Mặc dù được xếp vào hàng cổ nhất Hà Nội, bị xuống cấp trầm trọng, đứng trước nhiều nguy cơ cháy, sập nhưng căn nhà vẫn không được bảo tồn và các hộ dân phải vẫn sống chen chúc.

“Đã có rất nhiều đoàn cán bộ trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát nhưng việc bảo tồn vẫn dậm chân tại chỗ. Thiệt hại về tài sản có thể thống kê được nhưng thiệt hại đối với giá trị văn hóa - di sản của Hà Nội thì không thể tính hết được” - Một người dân tại 47 Hàng Bạc nói.

Qua tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, so với đô thị cổ Hội An, việc bảo tồn phố cổ Hà Nội được nhiều chuyên gia đánh giá là hạn chế hơn nhiều.

Hiện nay Hà Nội mới bảo tồn thí điểm một số công trình cổ, còn lại hầu hết nhà cổ do tư nhân quản lý và sử dụng thì vẫn chưa có biện pháp nào quản lý, bảo tồn khả thi.

Ngay như việc di dân đã được UBND thành phố Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ họp bàn nhiều lần qua cả chục năm nhưng vẫn chưa thấy biến chuyển gì. 

Trước đó, tháng 1- 2009, căn nhà cổ tại số 100 Hàng Bạc đã từng bị đổ sập khiến nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội lúng túng. Việc bảo tồn, khắc phục sự cố tại số nhà 100 Hàng Bạc cũng như nhiều công trình, nhà cổ khác kéo dài đến nay vẫn chưa xong.

Một chuyên gia khẳng định: “Nếu không khẩn trương hành động, số lượng nhà cổ bị đổ sập sẽ tăng lên nhanh trong thời gian tới”. Như thế, đây sẽ là điều đáng tiếc nhất của Hà Nội, nhất là khi thủ đô chuẩn bị đón 1.000 năm tuổi.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).