Cháy xe, nhìn từ Mỹ

Trung bình, cứ hai phút, lại có một chiếc xe bị cháy trên đường cao tốc Mỹ, theo NFPA
Trung bình, cứ hai phút, lại có một chiếc xe bị cháy trên đường cao tốc Mỹ, theo NFPA
TP - Hàng trăm nghìn vụ cháy phương tiện giao thông, làm hàng trăm người chết, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm ở Hoa Kỳ, thiên đường của các tài xế.

> Đang chạy, xe Attila tự bốc cháy

Sau khi nước này cho thành lập một viện chuyên nghiên cứu cháy nổ phương tiện, tai nạn giảm hẳn.

Thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm

Sau một tiếng nổ kinh hoàng từ chiec xe hơi của mình, Boy Aymar, sống tại bang California, bị thương nặng.

Mất nhiều năm với bảy cuộc phẫu thuật, anh mới có thể trở lại bình thường, chơi lại dương cầm. Boy vẫn may mắn hơn hàng trăm người Mỹ bị tử vong mỗi năm do cháy nổ ô tô, xe máy.

Hôm đó, khi anh đang điều khiển xe trên một xa lộ ở phía nam California thì có khói phía trước xe. Sau đó là một tiếng nổ lớn.

Tỉnh lại, Bob thấy mình trong bệnh viện với tình trạng bỏng độ ba ở tay và mặt, đặc biệt là ở bàn tay. Cảnh sát sau đó đã mở cuộc điều tra và tìm ra nguyên nhân gây cháy nổ xe của Bob là do chập điện.

Năm 2010 xảy ra 215.500 vụ cháy phương tiện vận tải, chiếm 16,2% các vụ cháy nổ tại Mỹ, làm 310 người chết và 1590 người bị thương.

Cháy nổ ô tô xe máy ở Mỹ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Mãi đến năm 1980, Mỹ mới bắt đầu tiến hành thống kê các vụ cháy xe.

Theo Hiệp hội Phòng chống Cháy nổ Quốc gia Mỹ (NFPA), suốt giai đoạn 1980-2006, trung bình mỗi năm ở Mỹ xảy ra 318.778 vụ cháy nổ ô tô xe máy, làm chết 576 người, bị thương 2.343, thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD.

Đỉnh cao là năm 1988 với 459.000 vụ khiến 800 người tử vong, 2.750 bị thương, thiệt hại gần 1,4 tỷ USD.

Cháy nổ ô tô con, xe máy chiếm trên 90% số phương tiện bị cháy. Còn lại là các vụ cháy xe tải, xe chở hàng hạng nặng.

“ Nguy cơ lửa phát ra từ ô tô, xe máy thậm chí còn lớn hơn nguy cơ lửa phát ra từ một căn hộ. Nhiều người chết trong các vụ cháy xe hơn trong là chết do cháy căn hộ mỗi năm tại Hoa Kỳ”, ông Robert Darblenet, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng bảo hiểm AAA, nhận xét.

Ở Mỹ đã có Hiệp hội Phòng chống Cháy nổ Quốc gia được thành lập năm 1896 với mục tiêu giảm thiểu các vụ cháy nổ, trong đó có cháy nổ ô tô, xe máy.

Ngoài ra Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Va chạm Phương tiện và Phòng Nghiên cứu Cháy nổ Tây Nam cũng nghiên cứu về vấn đề này.

Chưa thỏa mãn, một viện nghiên cứu chuyên sâu an toàn cháy nổ đối với phương tiện giao thông đã được thành lập, mang tên Viện Nghiên cứu Cháy nổ Phương tiện Giao thông (MVFRI), để đối phó với cái mà người ta gọi là “thảm họa quốc gia”.

Chủ yếu do hư hỏng cơ khí và điện

Với các hệ thống viện và trung tâm dày đặc như thế, mỗi năm Mỹ tiêu tốn 14 triệu USD cho nghiên cứu về vấn đề cháy nổ.

Khi một vụ cháy nổ ô tô, xe máy xảy ra, cảnh sát cứu hỏa có mặt, truyền tin đầu tiên về MVFRI. Từ khi có thêm MVFRI, nguyên nhân các vụ cháy nổ ô tô xe máy được làm rõ nhanh hơn và các khuyến cáo cụ thể được đưa ra kịp thời hơn.

“Không thể có một lời giải duy nhất cho tất cả các vụ cháy” - TS Kennerly Digges, chủ tịch MVFRI, nói.

Song, thống kê trong hơn 30 năm qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu liên quan đến yếu tố kỹ thuật, hệ thống điện và cả lỗi do người sử dụng.

Chẳng hạn, giai đoạn 2002-2005, cháy nổ xe do xe bị hư hỏng cơ khí chiếm tỷ lệ cao nhất (29%).

Tiếp đến là nhóm xe bị hư hỏng hệ thống điện (11%), nhóm xe chập điện không rõ nguyên nhân (7%), chập điện do rách vỏ cách điện (3%), chập điện do hư hỏng cơ khí (2%).

Các vụ cháy xuất phát do rò rỉ nhiên liệu chiếm 12% tổng số vụ cháy nổ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của nhóm này phần lớn liên quan đến ý thức người sử dụng như để chất lỏng và chất khí dễ cháy trên xe bị tràn, không tắt điện xe khi nạp nhiên liệu.

Mới đây, hãng bảo hiểm AAA phối hợp NFPA xây dựng các khuyến cáo rất tường tận kiểu như, khi xe cháy, dừng lại, tắt máy, chạy ra cách xa xe ít nhất 30 mét. Hàng loạt khuyến cáo nhấn mạnh đến tăng cường bảo trì, bảo dưỡng phương tiện.

Sau các hoạt động nghiên cứu và khuyến cáo liên tục như thế, số vụ cháy nổ ô tô xe máy giảm đáng kể. So với những năm 1980, số tai nạn có mức giảm tích lũy tới 45% tính đến năm 2006.

Năm 1990, cứ 465 phương tiện lại có một phương tiện bị cháy nổ. Đến năm 2005, khoảng 955 phương tiện mới có một phương tiện bị cháy nổ.

Tại VN, trong hai năm 2010 và 2011 số vụ cháy ô tô, xe máy tăng đột biến. “Nếu như những năm trước chỉ xảy ra trung bình 20 vụ cháy mỗi năm thì trong hai năm trở lại đây đã xảy ra tới 324 vụ cháy trong đó có khoảng 276 vụ cháy và 48 vụ cháy xe máy” - Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn Phòng cháy, Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội).

Với các vụ cháy xe và với các kết quả kiểm tra, phát hiện chất lượng xăng dầu gần đây ở VN, không nên loại trừ nguyên nhân xăng dầu.

Cần tiếp tục làm rõ vấn đề xăng bị pha tạp chất, cụ thể là methanol và acetone, những chất có khả năng ăn mòn một số thiết bị của động cơ, gây rò rỉ nguyên liệu, dẫn đến gây cháy.

Để khỏi lọt bất cứ nguyên nhân nào, cần một nhạc trưởng tập hợp các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau như động cơ, nhiêu liệu, hóa học, môi trường, hình sự - TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an).

Hầu hết các vụ cháy nổ ở Mỹ đều được điều tra tìm nguyên nhân ngay sau đó. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân các vụ cháy nổ không phải do chất lượng xăng nên họ không đề cập đến. Đó cũng là điểm khác với VN - PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Cơ khí Động lực Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG