Cháy xe thực sự do xăng?

Một vụ cháy xe tại Hà Nội Ảnh: Minh Đức
Một vụ cháy xe tại Hà Nội Ảnh: Minh Đức
TP - Nhóm nhà khoa học ở TPHCM mới đây kết luận việc sử dụng xăng chất lượng thấp, không đúng kỹ thuật là nguyên nhân số một gây cháy xe. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng như thế chưa thuyết phục.

> Xăng dỏm - nguyên nhân chính cháy xe

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc, Hóa dầu, Phòng Thí nghiệm Trọng Điểm Động cơ Đốt trong, Trường ĐH Bách khoa TPHCM dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM.

Sau khi làm các thực nghiệm và phân tích số liệu về nhiều vụ cháy xe máy tại TPHCM, nhóm nghiên cứu kết luận: Trong ba nhóm nguyên nhân được chỉ ra, nhóm nguyên nhân số một là việc sử dụng nhiêu liệu kém chất lượng như xăng pha Methanol, Ethanol (thường gọi là cồn Methanol, cồn Ethanol) chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật.

Điều này dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn có hiện tượng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao. Khi kết hợp các nguồn nhiệt đủ độ nóng trên xe sẽ tạo ra khả năng gây cháy.

Nhóm nghiên cứu ghi nhận được nhiệt độ tại một số khu vực của động cơ như đuôi xe, bộ điện thân xe, môbin sườn, khoang động cơ, trong thùng nhiên liệu... đều tăng trên 10OC đến 20OC so với trường hợp xe chạy bằng xăng đúng yêu cầu kỹ thuật.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, cho rằng, trước đây xe cháy ít, bây giờ xe cháy nhiều thì bên cạnh các nguyên nhân thông thường phải chú ý những nguyên nhân gây ra sự đột biến đó.

Tập trung vào xăng dầu là hướng đi đúng. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, việc điều tra cháy xe từ hiện trường khó có thể phát hiện do xăng bởi xăng bị rò rỉ đã cháy hết.

Chưa thuyết phục

TS Lê Cảnh Hòa, Trưởng Tiểu ban Tiêu chuẩn về Nhiên liệu, Dầu mỡ bôi trơn (Viện Tiêu chuẩn Đo lường) nói rằng, xét ở khía cạnh nguyên nhân gây cháy xe, Methanol và Ethanol không khác nhau.

Xăng pha Ethanol như E5, E10 đã được thế giới sử dụng nhiều, Việt Nam đã thử nghiệm và cho thấy an toàn, không gây ăn mòn, trương nở động cơ. Methanol cũng như vậy, nhưng người ta không sử dụng xăng pha Methanol vì chất này gây ô nhiễm môi trường.

Xăng pha Methanol ở hàm lượng cao cũng không gây trương nở, ăn mòn một số thiết bị động cơ ở mức độ đáng ngại. Đây là kết quả nghiên cứu đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, ông Hòa nói: Một số nước như Trung Quốc vẫn cho phép pha Methanol vào xăng với hàm lượng 15%.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ, trong 2 năm 2011-2012, toàn quốc xảy ra 324 vụ cháy, nổ phương tiện giao thông, trong đó 276 vụ cháy ôtô và 48 vụ cháy nổ xe máy.

Như vậy chủ yếu là cháy ô tô, trong khi đó, nhiều ô tô không sử dụng xăng mà dùng Diesel, loại nhiên liệu không thể pha Ethanol hay Methanol.

Theo ông Hòa, xăng pha Acetone gây ăn mòn, trương nở động cơ, làm tăng nguy cơ rò rỉ xăng. Tuy nhiên, giá Acetone nhập về hiện nay còn cao hơn giá xăng, nên nguy cơ pha Acetone vào xăng không thể xảy ra.

PGS.TS Lê Văn Hiếu, Bộ môn Công nghệ Lọc - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội) nói rằng, xăng có pha Methanol ở hàm lượng cao cũng chỉ gây trương nở rất ít ở hệ thống ống dẫn xăng.

Nếu hệ thống ống dẫn đạt tiêu chuẩn thì không thể gây ra rò rỉ xăng. Chỉ có hệ thống ống dẫn không đảm bảo chất lượng dẫn đến rò rỉ xăng, chứ bản thân nhiên liệu không thể gây ăn mòn động cơ, trương nở các gioăng cao su và bị rò rỉ được, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý sự nguy hiểm của việc pha các phụ gia cồn như Ethanol, Methanol - những chất có khả năng hút ẩm khiến cho xăng ngậm nước.

Xăng để lâu làm nước tách ra ở đáy bình xăng, ăn mòn đáy bình xăng khiến cho phao xăng chìm xuống, xăng chảy ra ở phần thải của Carburetor. Đây mới là vấn đề đáng lo ngại, ông Hiếu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG