Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam đang nới rộng

Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam đang nới rộng
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học vừa công bố tại Hội nghị cập nhật nghèo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức cuối tháng 3 năm 2007: khoảng cách giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất đang bị nới rộng một cách liên tục và đáng kể.

Cụ thể là: năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất thì tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần vào năm 2004. Do vậy, tỷ lệ chi tiêu bình quân đầu người của nhóm giàu nhất trong tổng chi tiêu dùng xã hội tăng từ 41,8% lên 44,7%, trong khi đó nhóm nghèo nhất lại giảm từ 8,4% xuống còn 7,1% ở cùng thời kỳ.

Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XI, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và nhiều địa phương tiếp tục giảm (còn 18,1%).

Sự khác biệt trong chỉ số khoảng cách nghèo giữa nông thôn và thành thị rất lớn, nhưng tốc độ gia tăng trong khoảng cách chi cho tiêu dùng có chiều hướng chậm lại kể từ năm 1998 trở lại đây.

Bởi vậy, mức độ bất bình đẳng ở nông thôn đang tiến gần hơn đến mức độ bất bình đẳng ở thành thị. Một phần nguyên nhân là do di cư từ nông thôn ra thành thị đã tăng mạnh từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế.

Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15% vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua khoản đầu tư từ 60.000 đến 62.000 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.

Trước mắt, năm 2007, các bộ, ngành nghiên cứu chủ động áp dụng các hình thức hỗ trợ cần thiết phù hợp với quy định trong WTO đối với người nghèo, vùng nghèo, đối với những bộ phận xã hội ít được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi trong quá trình hội nhập, đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, các nhà hoạch định chính sách cho rằng: cần ưu tiên củng cố hệ thống an sinh xã hội theo hướng mở rộng diện bao phủ phổ cập đến mọi người dân, để nhiều hộ nghèo có mức thu nhập, chi cho tiêu dùng ở ngay sát trên chuẩn nghèo được bảo vệ trước tác động của các cú sốc trong bối cảnh hội nhập.

Giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo cần thúc đẩy việc đa dạng hoá thu nhập trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm bớt việc làm nông nghiệp và tăng việc làm phi nông nghiệp ở những vùng này.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp phải một thách thức là sự xuất hiện của nhóm nghèo mới do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Vì thế, tác động xã hội của quá trình đô thị hoá phải được đánh giá cẩn thận và cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị, để có thể thiết kế kèm theo những giải pháp phù hợp.

MỚI - NÓNG