Chết, bồi thường là xong

Chết, bồi thường là xong
TP - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành, ông Đoàn Văn Được cho biết: "Hàng chục năm nay, trừ năm 2008, năm nào cũng có người chết từ mỏ đá Thượng Lâm, Quảng Trị này. Số cụt tay, cụt chân và mất sức thì rất nhiều. Chết, người ta bồi thường là xong".

Sau cái chết của hai công nhân khai thác đá ở Thượng Lâm chiều 8/3/2009, hoạt động khai thác đá ở đây không vì thế chùng xuống.

Chúng tôi có mặt tại Thượng Lâm, áp Km 29 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trong tiếng động cơ inh ỏi của hàng chục xe cộ vận chuyển, máy móc nghiền đá ầm ầm hoạt động, bụi đá phủ kín xóm làng.

Theo Trưởng thôn Thượng Lâm Nguyễn Chí, từ hàng chục năm nay, số người chết và bị thương rất nhiều, còn suýt chết thì không kể hết được.

Trưởng thôn Thượng Lâm, ông Nguyễn Chí, nhớ lại: "Trưa 8/3, tám công nhân của Cty TNHH một thành viên Đông Trường Sơn khoan và nổ mìn khai thác đá tại lèn đá số 4 trên địa bàn thôn, cách di tích lịch sử văn hóa, cách mạng Hang Dơi quãng 200m, gặp nạn.

Anh Nguyễn Trọng Sang, 41 tuổi, bị đá lăn trúng người, rơi từ độ cao gần 200m xuống chân núi chết tại chỗ. Còn anh Phùng Thế Hải, 40 tuổi bị đá đè giữa lưng chừng núi, được cứu ra ngoài nhưng chết sau đó ít phút. Cả hai anh đều là người làng Thượng Lâm này, làm thuê cho các đơn vị khai thác đá trên địa bàn hơn chục năm nay".

Thôn Thượng Lâm có 252 hộ dân với 1.000 nhân khẩu, trong đó phần lớn lao động đều làm việc cho các Cty khai thác đá dưới hai hình thức là công nhân và hợp đồng theo thỏa thuận lao động.

Trước lúc xảy ra tai nạn hôm 8/3 trên một ngày, anh Quế- người trong thôn, làm thuê cho đơn vị thai thác đá ở lèn đá số 1, bị đá rơi bể đầu gối.

Khi chúng tôi đề cập tới vấn đề an toàn lao động, các đơn vị khai thác đá trên địa bàn Thượng Lâm đều trả lời rằng, họ khai thác là có giấy phép của chính quyền và ngành chức năng cấp, lao động được tuyển dụng vào làm công việc khoan và nổ mìn xử lý đá đều có chứng chỉ hành nghề, số khác do bà con thỏa thuận lao động! Trường hợp không may xảy ra tai nạn thì người bị tai nạn được bồi thường theo cam kết ban đầu.

Thầy giáo Lê Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, thôn Thượng Lâm, kể: "Năm 2007, trên đường đi dạy về nhà, đoạn gần mỏ đá do Cty Cổ phần Xây dựng Giao thông Quảng Trị đang khai thác (sát Quốc lộ 9, ở khu vực trung tâm thôn Thượng Lâm) thì dừng lại cách đó rất xa. Không may một tảng đá lớn bắn trượt qua mũ bảo hiểm, găm vào bụng. Tui phải nằm viện T.Ư Huế hơn một tháng. Cty trên bắt số công nhân làm việc hôm đó góp tiền lại bồi thường. Thấy thế, tôi không nhận vì họ đều là người làng. Làm thuê kiếm được cái ăn đã rất vất vả lắm rồi...".

Theo Trưởng thôn Nguyễn Chí, các đơn vị khai thác và chế biến đá ở Thượng Lâm đều nằm trong khu vực dân cư. Từ hàng chục năm nay, người dân ở đây ngày đêm phải sống chung với bụi đá.

Các mỏ đá chịu nhiều thiệt hại nhất, trong đó nguồn nước giếng không sử dụng được, do các bãi đá sau chế biến nằm ở đầu nguồn nước, mỗi khi mưa lũ, bụi đá thẩm lậu vào lòng đất, làm cho nước giếng bị nhiễm vôi trầm trọng.

Kết quả khám sức khỏe mới đây của y tế địa phương cho thấy có hơn 80 phần trăm phụ nữ thôn Thượng Lâm mắc bệnh phụ khoa. Số người mắc bệnh về xoang, thận, phổi chiếm 97 phần trăm.

Hơn 200 học sinh trường mầm non Họa Mi và trường tiểu học Tô Vĩnh Diện bị bao bọc xung quanh bởi các mỏ đá, trạm nghiền đá, thường xuyên chịu tiếng ồn và hít phải bụi đá.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Đoàn Văn Được cho biết, số Cty khai thác, chế biến đá trên địa bàn Thượng Lâm tăng quà hàng năm, hiện tại có ít nhất bảy đơn vị, gồm Cty TNHH Minh Hưng, Cty Cổ phần Thiên Tân, Cty Cổ phần Tân Hưng..., trong khi môi trường sống của dân ngày càng bị ô nhiễm.

Một cán bộ UBMTTQVN xã Cam Thành (xin không nêu tên) cho biết thêm: "Những lần có đoàn chức năng lên kiểm tra thì các đơn vị khai thác, chế biến đá ở đây đều được báo trước. Sau kiểm tra, không một đơn vị nào tưới nước, khắc phục bụi đá".  

MỚI - NÓNG