Hà Nội:

Chỉ 10% khu đô thị bàn giao trường học

Nhà cao tầng san sát nhưng đất xây trường tại khu đô thị Nam Trung Yên vẫn bỏ hoang. Ảnh: Minh Tuấn
Nhà cao tầng san sát nhưng đất xây trường tại khu đô thị Nam Trung Yên vẫn bỏ hoang. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Theo rà soát mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 252 khu đô thị, dự án được phê duyệt trong đó có quy hoạch trường học từ năm 2009 tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có 25 khu đô thị xây dựng, bàn giao trường học, chiếm chưa đầy 10% tổng số khu đô thị được phê duyệt.

Nhiều nơi vẫn 60 học sinh/lớp

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng giáo dục quận Hà Đông cho hay, quận là nơi có nhiều khu đô thị mới mọc lên nên những năm gần đây đã xây thêm một số trường mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ví như, khu đô thị Xa La với gần chục tòa nhà chung cư cao tầng nhưng chưa có trường học nào được chủ đầu tư xây dựng. Hầu hết cư dân ở các nhà cao tầng này phải gửi con ở các nhà trẻ tư thục, sĩ số học sinh vẫn trên 50 em/lớp. Đặc biệt, khối mầm non mới chỉ phổ cập được 100% trẻ 5 tuổi, riêng trẻ dưới 5 tuổi nhiều phụ huynh phải gửi con ở các cơ sở tư thục.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thì sĩ số học sinh/lớp theo quy định là 35 em trên lớp nhưng hầu hết các trường trên địa bàn hiện có số học sinh từ 50-60 em/lớp. Ông Ngọc Anh cho biết thêm, những năm gần đây có rất nhiều khu chung cư xây mới trên địa bàn khiến tốc độ dân số tăng mỗi năm 10%. Quận đã đầu tư xây mới nhiều trường học nhưng vẫn chưa thể giảm tải sĩ số học sinh/ lớp học. Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho hay, các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn rất nhiều nhưng nhiều năm trở lại đây nhưng chưa có dự án nào bàn giao trường học cho địa phương quản lý.

Xã hội hóa còn quá chậm

Tháng 7/2009, UBND thành phố Hà Nội ra nghị quyết đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo và y tế giai đoạn 2009-2015 nhằm huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Tổng số các nguồn vốn huy động để thực hiện hai đề án đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và y tế lên tới con số 7.572 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 2.235 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn xã hội hóa 5.337
tỷ đồng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, tỉ lệ học sinh học ngoài công lập khối tiểu học đạt 3%, khối THCS 5%, THPT 40% (riêng khu vực khó khăn 30%), trung cấp chuyên nghiệp 60%. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất 60-70 trường học ngoài công lập. Đề án cũng nêu, thí điểm chuyển 30-35 trường công lập có điều kiện phát triển đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên và hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo rà soát mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến năm 2015-2016, có 252 khu đô thị, dự án được phê duyệt có quy hoạch trường học nhưng đơn vị mới chỉ tiếp nhận bàn giao 56 trường của 25 khu đô thị! Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch mỗi xã phường có tối thiểu 1 vạn dân sẽ phải có 1 trường tiểu học công lập, 1 trường mầm non, tiểu học dân lập. Nhưng vấn đề bất cập hiện nay là nhiều xã phường, số dân tăng tới 3 - 4 vạn như ở phường Thành Công, Giảng Võ, Láng Hạ, Minh Khai…trong khi trường học không tăng. Vì vậy, các trường hiện có phải cõng hết lượng học sinh trên địa bàn mới quá tải.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại lý giải việc năm nào Hà Nội cũng quán triệt phương châm ba tăng, ba giảm (giảm số học sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm số lớp/trường) nhưng không hiệu quả là vì tốc độ di dân ở một số quận quá lớn. Theo ông Đại, năm nào đơn vị cũng báo cáo số liệu trẻ độ tuổi đến trường với thành phố để có chính sách xây mới trường. Thành phố xây mới nhiều trường học nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người học.    

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại lý giải việc năm nào Hà Nội cũng quán triệt phương châm ba tăng, ba giảm (giảm số học sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm số lớp/trường) nhưng không hiệu quả là vì tốc độ di dân ở một số quận quá lớn.

MỚI - NÓNG