Chi 1.100 tỷ đồng để tổng điều tra dân số trong cả nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp
TPO - Tổng điều tra dân số trong cả nước sẽ bắt đầu từ ngày 1/4, với 9.300 giám sát viên các cấp, 110.000 điều tra viên và kéo dài 25 ngày. kinh phí bỏ ra để thực hiện khoảng 1.100 tỷ đồng.

Chiều ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở để nghe báo cáo việc chuẩn bị để sẵn sàng thu nhập thông tin tổng điều tra bắt đầu từ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày. Cuộc họp trực tuyến này kết nối tới 775 điểm cầu, nối tới tất cả các cấp huyện trên toàn quốc với 36.000 đại biểu tham dự.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả của Tổng điều tra không đơn thuần là số liệu thống kê, không chỉ phản ánh được số lượng chính xác, khách quan mà phải đánh giá được cả chất lượng dân cư, thực trạng ở nhà hiện nay của cả nước để phục vụ cho các mục tiêu của Tổng điều tra”.

Ông Huệ yêu cầu các bộ, địa phương quan tâm tới công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ để thu thập thông tin giữa các địa bàn có đặc điểm phân bổ dân cư khác với trước đây, bảo đảm số liệu xác thực. Đồng thời tập trung truyền thông, vận động toàn thể nhân dân tham gia Tổng điều tra, bảo đảm an toàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

"Kinh nghiệm trước đây cho thấy có lần công tác thống kê sai lệch rất nhiều nên cả Quốc hội và Chính phủ đều việt vị, ví dụ như Bộ Lao động và Ủy ban Dân tộc thống kê nhà ở cho người có công, lúc hoạch định ra một con số nhưng khi triển khai đã phát sinh hàng chục nghìn trường hợp khác", ông Huệ nói và cho rằng, số liệu mà vênh thì phân bổ ngân sách sẽ khó khăn, chỗ đáng phân bổ không có, chỗ lại phân bổ thừa.

Chi 1.100 tỷ đồng để tổng điều tra dân số trong cả nước ảnh 1 Các đại biểu tham dự cuộc họp về triển khai tổng điều tra dân số

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương không chủ quan, tiếp tục rà soát lại hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống máy chủ, đường truyền để chuẩn bị cho điều tra, khắc phục các rủi ro của công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống,

"Chúng ta huy động lực lượng tham gia đông, kinh phí bỏ ra rất lớn với 1.100 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách khó khăn, 10 năm mới tiến hành một lần nên phải làm sao để cuộc tổng điều tra dân số chính xác, trung thực, an toàn tuyệt đối và có chất lượng cao", Phó thủ tướng nêu rõ.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai tổng điều tra dân số và nhà ở vào giữa năm 2018, các địa phương và 3 Bộ liên quan (Quốc phòng, Công an và Ngoại giao) đã thành lập các ban chỉ đạo, triển khai các hội nghị tập huấn về công tác phân chia địa bàn điều tra và vẽ sơ đồ nền xã/ phường/ thị trấn, công tác quản lý và lập Bảng kê hộ, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin.

Lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).

MỚI - NÓNG