Dự án xây dựng buôn Văn hóa dân tộc Tây Nguyên:

Chi 21 tỷ đồng mới thấy... không khả thi

Chi 21 tỷ đồng mới thấy... không khả thi
TP - Dự án buôn văn hóa dân tộc Tây Nguyên do thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 60,7 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 33 ha. Đến nay, sau khi đã đổ vào đây 21 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm...

Các hạng mục xây dựng bị ngưng trệ bởi chủ đầu tư nhận ra xây dựng buôn văn hóa ở đây là không khả thi về nhiều mặt.

Chi 21 tỷ đồng mới thấy... không khả thi ảnh 1
Hiện trạng dự án sau khi đã được đầu tư 21 tỷ đồng

Không khả thi về mục tiêu

Theo quyết định phê duyệt dự án thì công trình trọng điểm này phải hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/2005).

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng buôn văn hoá dân tộc thiểu số tại chỗ kiểu mẫu ở Tây Nguyên, nhằm tôn tạo, phát huy truyền thống văn hoá, giới thiệu đầy đủ di sản văn hoá quý báu của đồng bào Ê Đê; kết hợp phát triển du lịch sinh thái-văn hoá, phát triển làng nghề truyền thống, tạo cụm kinh tế-văn hoá-xã hội ở cửa ngõ thành phố Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Vì đây là buôn được xây dựng mới hoàn toàn, không có già làng, không có bến nước, v.v…  nên không thể tạo ra được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, không có điều kiện để khôi phục bản sắc văn hóa của các lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, lễ hội cúng bến nước v.v...

Dự án chưa có lối thoát

Để tìm lối thoát cho dự án không khả thi này, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk cho phép chuyển mục đích dự án từ xây dựng buôn Văn hoá dân tộc Tây Nguyên thành Khu đô thị mới gồm: Khu xây dựng biệt thự cao cấp (diện tích 300m2/lô), và khu nhà ở thông thường (diện tích 150-200m2/lô).

Thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với cán bộ, công chức đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các đối tượng khác sẽ tổ chức bán đấu giá đất để tạo vốn đầu tư cho dự án và cho các buôn dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Đăk Lăk thì việc phân lô, bán đấu giá đất theo mục đích xây dựng khu đô thị mới mà UBND thành phố Buôn Ma Thuột đưa ra là không hợp lý và rất lãng phí.

Cơ sở hạng tầng  (gồm đường, hệ thống thoát nước đã được đầu tư với số tiền hơn 20 tỷ đồng) được  thiết kế, quy hoạch theo đặc thù của buôn đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên và không phù hợp với khu đô thị mới.

Như vậy đến nay dự án vẫn chưa có lối thoát và chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Do vậy mục tiêu phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên rất khó trở thành hiện thực.

Mặt khác, tập quán lâu đời của đồng bào Ê Đê là buôn làng phải gắn liền với nương rẫy và các điều kiện lao động sản xuất khác để làm ra vật chất phục vụ cuộc sống thường nhật, các nghề truyền thống như dệt vải thổ cẩm, làm rượu cần chỉ là việc bà con làm thêm lúc nông nhàn và phục vụ nhu cầu của bản thân các thành viên trong gia đình là chính.

Vì vậy, nếu bố trí cho đồng bào định cư trong dự án này với diện tích mỗi hộ 600m2 là rất khó giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống lao động sản xuất của bà con.

Không khả thi về tài chính

Theo dự án, nguồn vốn hơn 60 tỷ đồng để xây dựng buôn văn hóa này được đầu tư  từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương.

Thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa xin được sự hỗ trợ tài chính nào của trung ương, phía tỉnh Đăk Lăk chỉ rót được cho dự án 3 tỷ đồng, thành phố Buôn Ma Thuột phải “thắt lưng buộc bụng” mới chi được cho dự án 15,3 tỷ đồng, nợ nhà thầu xây dựng gói thầu đường giao thông của dự án 2,7 tỷ đồng. Như vậy, hiện dự án đã đầu tư tổng số 21 tỷ đồng.

Dự kiến buôn văn hóa này sẽ xây 230 căn nhà, với diện tích 85m2/căn và đơn giá 1,2 triệu đồng/2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nhà là 23,4 tỷ đồng, trong đó các hộ đồng bào  được chọn vào ở trong buôn văn hóa này phải góp 30% vốn.

Việc huy động một nguồn vốn lớn như vậy của dân để xây dựng một buôn “không có già làng, không có bến nước” gần như là một điều không tưởng.

Rút ruột công trình được...bỏ qua

Ngày 12/12/2005, Công an tỉnh Đăk Lăk đã kiểm tra một số bi cống mà đơn vị thi công đang sử dụng để xây dựng cống thoát nước ở công trình Buôn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Theo thiết kế được phê duyệt thì bi cống được dùng trong công trình phải có 2 lớp sắt loại 8mm, nhưng các bi cống được kiểm tra chỉ có 1 lớp sắt. 

Người dân Buôn Ma Thuột đinh ninh đây sẽ là một vụ án kinh tế “điểm” bởi nếu nhẩm tính với hàng ngàn bi cống bị rút ruột 1 lớp sắt sẽ thấy số tiền bớt xén là khổng lồ, thời điểm phát hiện vụ việc lại đúng ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk.

Tuy nhiên sau đó không có quyết định khởi tố vụ án nào được đưa ra. Vụ việc được lý giải đơn giản là “đơn vị thi công bỏ nhầm cống ở một số vị trí”, và việc công an moi một số bi cống lên đập ra để kiểm tra đều thấy không đủ sắt có lẽ cũng chỉ là “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.