Chi bộ đỏ giữa rừng cao su

Tượng đài Phú Riềng Đỏ, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của ngành cao su.
Tượng đài Phú Riềng Đỏ, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của ngành cao su.
TP - Giữa cánh rừng cao su bạt ngàn của Cty CP cao su Đồng Phú (tại xã Thuận Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), một tượng đài nhỏ được dựng lên từ 30 năm trước để ghi nhận một sự kiện lịch sử: nơi thành lập chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng với tên gọi Chi bộ Phú Riềng Đỏ.

Vào đêm 28 rạng sáng 29/10/1929, tại khu rừng Suối Đá thuộc Làng 3 (nay thuộc nông trường Thuận Phú, Cty CP cao su Đồng Phú) diễn ra sự kiện có tính lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là chi bộ Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên là đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (bí thư chi bộ) Trần Tử Bình (sau là thiếu tướng QĐNDVN), Nguyễn Mạnh Hồng (sau này là thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp), Tạ, Doanh, Hòa.

Sự kiện đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung. Kể từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su và nhân dân các tỉnh miền Đông đã có biến đổi. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất cho những người phu cao su, phong trào đấu tranh của công nhân đã có tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng, phong phú. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, công nhân đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở, giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, điều động bọn xu cai ác ôn đi nơi khác, cho thành lập nghiệp đoàn, hội ái hữu... Những cuộc đấu tranh đó cũng không kém phần ác liệt và hy sinh, gian khổ.

Nổi bật nhất là cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo dài từ sáng mồng 1 tết năm Canh Ngọ, tức ngày 30/1/1930, đến ngày 6/2/1930. Cuộc bãi công này đã làm rung chuyển Đông Dương, làm chấn động dư luận báo chí trong nước và nước Pháp. Đây được xem là bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân ngành cao su.

Sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang “Phú Riềng Đỏ” đã lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như Dầu Tiếng, Quản  Lợi, Lộc Ninh... là sự động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước. Kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của dân tộc, cùng đứng lên làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sau hơn một thế kỷ kể từ khi cây cao su được trồng ở đây, tỉnh Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với hơn 234 nghìn hécta. Cao su là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Các doanh nghiệp cao su nhà nước ở Bình Phước giải quyết cho gần 24 nghìn lao động. Ngành cao su đóng góp 30 - 40% nguồn thu ngân sách. Từ 6 đảng viên đầu tiên của chi bộ Phú Riềng Đỏ, ngành cao su Bình Phước đã có trên 3.000 đảng viên.

Về sự kiện thành lập chi bộ đảng Phú Riềng Đỏ, ông Nguyễn Sư Sơn, Chủ tịch công đoàn Cty CP cao su Đồng Phú nói: Cán bộ công nhân viên Công ty cao su Đồng Phú chúng tôi rất tự hào được đứng chân trên mảnh đất là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của ngành cao su, của miền Đông Nam bộ. Ông Sơn cho biết, bên tượng đài này hằng năm diễn ra những buổi lễ ra quân sản xuất đầu năm, lễ kỷ niệm ngày truyền thống công nhân cao su, ngày thành lập Đảng. Những đôi công nhân kết hôn cũng đến đây làm lễ, cũng có đoàn cựu chiến binh từ TPHCM cũng đến đây làm lễ kết nạp hội viên.

Bên hông tượng đài là hình ảnh mô phỏng 6 đảng viên đầu tiên của chi bộ Phú Riềng Đỏ cùng lời thề bất hủ: “Thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng”.

MỚI - NÓNG