Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội giải trình về công văn không số:

“Chỉ là công thư trao đổi công việc” (!?)

“Chỉ là công thư trao đổi công việc” (!?)
TP - Chiều 27/9, Tiền phong đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội về văn bản không số (đóng dấu treo) do ông Lễ ký, trả lời công văn của Sở TNMT&NĐ liên quan đến việc giải quyết mua nhà theo NĐ 61 của ông Hoàng Văn Nghiên và ông Phan Văn Vượng.

Ông Lễ nói: Đây không phải là công văn mà là công thư. Công thư này được dùng để trao đổi nghiệp vụ của văn phòng với Giám đốc Sở TNMT&NĐ (trao đổi công việc nội bộ).

Hệ thống văn bản hành chính Nhà nước có công thư và văn phòng vẫn sử dụng để trao đổi công việc, chủ yếu là nghiệp vụ. Về thể thức, công thư không có tiêu đề, không có hình thức công văn, không phải văn bản hành chính.

Do vậy, dấu chỉ được đóng treo ở phía trên. Công thư không thừa lệnh, không truyền đạt ý kiến của lãnh đạo. Công thư không được phổ biến, chỉ trao đổi nội bộ nhưng không hiểu vì sao nó (công thư do ông Lễ ký-PV) lại lọt ra ngoài. Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại là vì sao lại như vậy.

Ông nói văn phòng thường sử dụng công thư trao đổi công việc, vậy công thư có giá trị bắt buộc cấp dưới thực hiện không?

Công thư không có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện, chỉ dùng để trao đổi ý kiến của văn phòng, khi không có điều kiện trao đổi trực tiếp. Nó chỉ có giá trị trao đổi hành chính.

Nhưng để xin ý kiến chỉ đạo, Sở TNMT&NĐ (cấp dưới của UBNDTP Hà Nội) đã gửi công văn cho lãnh đạo UBNDTP, tại sao thành phố không có công văn trả lời, thay vào đó lại là công thư của văn phòng?

Vì việc này chúng tôi thấy cần trao đổi thêm.Văn bản của Sở do một Phó giám đốc ký, không phải ý kiến Giám đốc (Phó giám đốc chỉ là Phó Ban bán nhà 61, còn Giám đốc Sở mới là Trưởng ban).Văn phòng thấy phải có ý kiến trao đổi lại nên có công thư gửi trực tiếp Giám đốc Sở (ông Vũ Văn Hậu-PV). Việc này đang trong quá trình trao đổi ý kiến giải quyết, chưa đến lúc phải có công văn trả lời.

Khi nhận được công văn của Sở TNMT&NĐ, văn phòng đã báo cáo lãnh đạo thành phố chưa?

Tôi đã báo cáo lãnh đạo thành phố khi nhận được công văn của Sở TNMT&NĐ vì công văn gửi thành phố chứ không gửi văn phòng. Cụ thể, tôi đã báo cáo trực tiếp với  lãnh đạo thành phố.

Về nguyên tắc, lãnh đạo thành phố phải trả lời công văn này, nhưng sao lãnh đạo thành phố chưa có ý kiến gì, văn phòng đã làm công thư? Khi đó, ông có biết nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa và nhà 52 Tuệ Tĩnh thuộc diện được bán hay không?

Cho đến nay lãnh đạo thành phố vẫn chưa có ý kiến trả lời công văn của Sở. Quyết định bán hay không, Thường trực Ủy ban phải có ý kiến  chỉ đạo. Nhà có thuộc diện được bán hay không cũng phải xin ý kiến lãnh đạo thành phố. Thực ra thì nhà có được bán hay không là thuộc thẩm quyền của Sở vì việc này đã phân cấp cho Sở TNMT&NĐ, nên văn phòng mới có công thư để trao đổi lại với Giám đốc Sở.

Nhưng nhà ông Hoàng Văn Nghiên, ông Phan Văn Vượng đang ở là nhà công vụ (không phải diện nhà thuộc sở hữu Nhà nước được bán theo NĐ61), theo quy định, phải trả lại cho Nhà nước?

Vì vậy văn phòng mới phải xin ý kiến lãnh đạo thành phố. Trước đây, thành phố đã giải quyết vấn đề nhà ở cho một số đồng chí lãnh đạo. Nhưng theo báo cáo của Sở TNMT&NĐ, Sở đã ký hợp đồng cho thuê hai ngôi nhà này với các bác ấy (ông Nghiên, ông Vượng-PV).

Công thư đề nghị Sở TNMT&NĐ xem xét việc bán nhà theo NĐ 61 tại 2 địa chỉ cụ thể là 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh (tức là bán cho ông Nghiên, ông Vượng-PV)... “đảm bảo chặt chẽ và giải pháp ổn định được tình hình”. Ổn định tình hình ở đây có ẩn ý gì, thưa ông?

Ổn định tình hình là tình hình chung, không phải chỉ có 2 bác ấy (ông Nghiên, ông Vượng-PV). Ý của tôi là có giải pháp để ổn định tình hình chung, thời gian qua việc bán nhà theo Nghị định 61 đang gây hoang mang cho người dân. Nhiều người dân trong đó có các bác ấy) rất sốt ruột, sợ không mua được nhà vào thời điểm trước 31/10. Còn giải pháp ở đây phải hiểu là xin gia hạn thời gian nhận hồ sơ, đẩy nhanh tốc độ… (!?).

Không phải ngẫu nhiên, văn phòng phải có công thư. Phải chăng, ông Nghiên ông Vượng là trường hợp đặc biệt?

Những trường hợp khác chỉ cần làm theo quy trình. Còn  với các bác này, trước đây, khi giải quyết nhà ở, lãnh đạo của thành phố đã có ý kiến. Vì vậy, để giải quyết việc mua nhà cho các bác ấy, Sở phải xin ý kiến lãnh đạo thành phố.

Hồ sơ xin mua nhà theo NĐ61 thì phải căn cứ NĐ 61 để giải quyết. Sở phải làm theo đúng chính sách, công thư nói rõ phải căn cứ chế độ chính sách hiện hành giải quyết. Cụ thể bán ra sao là do Hội đồng bán nhà của Sở quyết định.

Trao đổi với Tiền phong, ông Lễ cho biết thêm, từ tháng 10/2004 đến nay mới chỉ có 2 trường hợp của ông Nghiên, ông Vượng xin được mua lại nhà (biệt thự do thành phố giao hai ông sử dụng khi còn đương chức trước đây) theo NĐ61. Những trường hợp khác đang ở nhà biệt thự  của thành phố sẽ vẫn được quản lý sử dụng theo quy định.

Chiều 27/9, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Hậu-Giám đốc Sở TNMT&NĐ cho biết, Sở sẽ có báo cáo cụ thể với UBNDTP về các trường hợp này.

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có tổng diện tích 410m2 (hiện gia đình ông Hoàng Văn Nghiên đang quản lý, sử dụng) thuộc sở hữu Nhà nước. Trước năm 1992 biệt thự này do một số cá nhân, đơn vị thuê. Sau đó, thành phố có chủ trương “giải phóng biệt thự” cho các Cty, đơn vị bỏ vốn GPMB, tiếp cận sử dụng. Đến cuối năm 2000-đầu năm 2001, thành phố giao cho ông Hoàng Văn Nghiên dùng để ở.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.