Chi Lăng, ngỡ quen mà vẫn lạ

Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng
TP - Ải Chi Lăng là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Cũng chẳng rõ, thành thực hay chút gì khách sáo, năm đã xa sử gia người Pháp Tiến sĩ Charler Faudier khi đến tham quan Ải Chi Lăng đã thốt lên như vậy!  

Nghe mà khiến chúng ta mừng lẫn lo. Mừng là một nhà sử học tầm cỡ đã khách quan tấm tắc về một di tích nổi tiếng trong lịch sử vệ quốc oanh liệt của dân tộc. Lo là phải giữ gìn lẫn tu tạo và phát huy giá trị di tích từng được nhà nước xếp hạng năm 1962 nay lại phải tất tả những công việc và các bước để ứng, xứng với tầm vóc, danh hiệu của một Di tích Lịch sử đặc biệt quốc gia sắp được phong tặng! 

Kỳ I: Đôi điều tường tỏ

Dự Hội thảo khoa học Khu di tích lịch sử Chi Lăng giá trị lịch sử bảo tồn và phát huy do Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng tổ chức mới đây và đi điền dã thực địa khiến chúng tôi bừng thức thêm nhiều điều.

Mới hay thêm Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm những 52 điểm di tích, nằm trong lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20km, chứ chẳng phải chỉ có hai bức tường xây ngắn tủn mà quốc lộ (QL) 1 (cũ) xuyên qua.

Khu di tích ghi dấu chiến thắng chống quân Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII) và đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh với “Trận Chi Lăng” nổi tiếng năm 1427 đây ư? Du khách không khỏi phân vân, đâu rồi di tích lịch sử - văn hóa giăng mắc dày đặc trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang? Những Hang Lạng Nắc, Thành cổ Chi Lăng, Cửa ải Quỷ môn, Núi Mã Yên, Lê Tổ kiếm thạch - Liễu Thăng thạch… Không khỏi cảm giác ngơ ngác băn khoăn giữa những điệp trùng núi đá thoai thoải lẫn chồm ngược dựng đứng của địa đầu xứ Lạng. Ấn tượng qua Ải Chi Lăng nếu chỉ dừng xe chỗ hai bức tường thâm thấp có biển ghi dòng chữ Di tích Ải Chi Lăng sơ sài có lẽ chỉ có vậy?

Chi Lăng, ngỡ quen mà vẫn lạ ảnh 1 Bia Ải Chi Lăng

Phải cất công tìm đến Nhà trưng bày Khu di tích nằm bên quốc lộ IA (mở mới) thuộc thị trấn Chi Lăng để cố mà mường tượng mình đang đặt chân trong khu trong lòng chảo ôm tới hơn 50 di tích lịch sử. Nhưng chưa đến 30 phút thưởng lãm cùng nghe thuyết minh vẫn thấy hẫng hụt bởi chưa xứng với tầm vóc giá trị lịch sử vốn có của một khu di tích nổi tiếng.

Không gian trưng bày nhỏ hẹp, tư liệu tài liệu hạn chế, hiện vật trưng bày chưa chuyển tải được cốt lõi, bản chất, tầm vóc của sự kiện. Đã sơ sài lại sai sót.

Tôi gặp PGS.TS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự tại hội thảo. Ông thẳng thắn, nhà trưng bày có vẽ có thuyết minh sơ đồ Vua Lê Đại Hành đánh quân Tống tại Ải Chi Lăng và cả bia đá khu di tích cũng có ghi. Nhưng sự kiện ấy đã không diễn ra ở Chi Lăng. 20 cuộc xâm lăng của giặc phương Bắc với Đại Việt trước nay thì 16 cuộc đều bằng đường bộ và đều qua Ải Chi Lăng. Nhưng từ thế kỷ X trở về trước thì quân xâm lược đều tiến vào Đại Việt bằng đường biển. TS Lê Đình Sỹ dẫn những ý kiến gần đây của các nhà nghiên cứu Trần Bá Trí, Hà Văn Tấn cho rằng đã có sự lầm lẫn về địa danh trong sử sách. Như bản dịch Việt sử lược đã dịch nhầm chữ Lãng (Lãng Sơn) thành Ngân (Ngân Sơn), mà nhiều nhà sử học đã loay hoay tìm con đường tiến của quân Tống từ Lạng Sơn qua Bắc Thái (tức Bắc Kạn). Thực ra, Lãng Sơn là tên gọi một hòn núi gần Vạn Ninh của Quảng Ninh. Hầu Nhân Bảo đã đi qua Lãng Sơn ở Quảng Ninh để tiến vào sông Bạch Đằng. Và trận huyết chiến bằng bãi cọc Bạch Đằng cùng những trận đánh ác liệt ở trên sông Lục Đầu từ tháng 1 đến tháng 4 năm 981, chém đầu Hầu Nhân Bảo. Lê Đại Hành đã toàn thắng!

Cũng đánh Tống và ngay tại Ải Chi Lăng nhưng là trận đánh lừng danh của Phò mã Thân Cảnh Phúc một tướng tâm phúc của Lý Thường Kiệt. Thân Cảnh Phúc quê ở ngay Chi Lăng. Trận ấy góp phần quyết định chiến dịch đại thắng của Lý Thường Kiệt bờ Bắc chiến tuyến sông Cầu năm 1077!

Nhưng Nhà trưng bày lại quên mất một sự kiện lịch sử quan trọng ngay tại Ải Chi Lăng. Tháng 5/1406 vua Minh Thành Tổ cử Tổng Đốc Quảng Tây là Hàn Quang làm Man Chinh tướng quân cùng Hoàng Trung làm phó tướng chỉ huy 5 vạn quân hộ tống tên Việt gian Trần Thiêm Bình cõng rắn cắn gà nhà. Cũng xin nói thêm Trần Thiêm Bình một hào trưởng vùng biên Chiêm Thành, chính sử Đại Việt ít nói nhưng trong cuốn Minh thực lục sử nhà Minh chép tường tận. Y mạo danh là cháu nội Trần Nghệ Tông lặn ngòi ngoi nước mò đến tận Kim Lăng (qua ngã Lão Qua-Vân Nam) năn nỉ với vua Minh xin được trở về binh phạt nhà Hồ. Trần Thiêm Bình được phong vương! Đại Việt sử ký toàn thư từng chua xót chép thời điểm đen tối của lịch sử nước ta thời điểm ấy qua câu Kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản (Kinh lộ - chỉ xứ đồng bằng phì nhiêu hội tụ kinh tài vật lực của Đại Việt thời ấy - phần nhiều theo giặc làm phản). Người làm phản hàng giặc hợp tác với quân Minh rất nhiều, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, đến nỗi Toàn Thư phải than thở số người sang Minh trình diện khiến cả nước hầu như trống rỗng.

Lại nói cánh quân của Việt gian Trần Thiêm Bình cờ rong trống mở rầm rộ qua Ải Chi Lăng (khi ấy có tên là Kê Lăng). Trấn giữa cửa Ải khi ấy là tướng Hồ Xạ chỉ huy quân Thánh Dực của nhà Hồ đã dùng phục binh và dựa thế hiểm yếu của Ải tung quân đánh cho giặc Minh một trận thất điên bát đảo. Tướng Minh là Tiết Nham bị giết. Tướng Hoàng Trung không sao thoát ra được khỏi cửa ải đành viết thư xin hàng và xin giao nộp tên Việt gian Trần Thiêm Bình!

Có lẽ phải thêm hiện vật lẫn hình ảnh gì đó để ứng xứng nêu bật chiến công và mưu lược của quân dân nhà Trần lần đầu tiên trên thế giới biết cách hạ bệ hình ảnh độc tôn trên lưng ngựa uy dũng vốn là huyền thoại của đế quốc Nguyên Mông tại cửa Ải Chi Lăng mùa xuân năm 1285. Trận đó Thoát Hoan để lại nỗi nhục huyền thoại phải chui vào ống đồng! Quân Nguyên chỉ mạnh trên lưng ngựa. Nhưng giàn câu liêm của binh phục nhà Trần từ hai bên vách đá ở hiểm Ải Chi Lăng đồng loạt câu móc chúng khỏi lưng ngựa. 

Và nữa, nhà trưng bày nên thể hiện biểu đồ gì đó của tương quan lực lượng của trận phục binh Chi Lăng lịch sử mùa Đông năm 1427. Nghĩa quân Lam Sơn gần 1 vạn quân, 5 thớt voi và hơn 100 kỵ binh. Đạo quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy với hơn 10 vạn quân với hàng ngàn ngựa. Thế mà quân Minh thua tan tác. Liễu Thăng chịu chết chém để lại tại ải hiểm Chi Lăng một hình tượng người  bằng đá cụt đầu mang xú danh Liễu Thăng thạch

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG