Chi phí tăng, chất lượng giảm

Chi phí tăng, chất lượng giảm
TP - Ngày 11/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM nóng rẫy với phiên chất vấn lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải (GTVT), Khoa học và Công nghệ (KHCN), Trung tâm chống ngập về hiệu quả của hoạt động xe buýt, vỡ đê bao chống ngập úng được cử tri quan tâm mổ xẻ đến cùng.

> Đảm bảo cho nhân dân đón Tết an lành
> Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?

Ưu ái xe “vua”

Đại biểu (ĐB) Võ Văn Sen băn khoăn: Trợ giá cho xe buýt mỗi năm mỗi tăng, trong 5 năm qua lên tới 3.500 tỷ đồng. Năm 2013, tổng chi ngân sách là 43.000 tỷ đồng thì TPHCM dành hơn 1.400 tỷ đồng trợ giá xe buýt. Vài năm nữa liệu ngân sách có kham nổi?

Có giới hạn “đỏ” nào cho việc trợ giá không?

Thừa nhận có lãng phí song giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho rằng xe buýt góp phần giải quyết nạn ùn tắc tại TPHCM bởi theo PGS TS Phạm Xuân Mai, mỗi năm, ùn tắc gây thiệt hại cho TPHCM hơn 1 tỷ USD.

“Sản lượng xe buýt đã đạt 400 triệu khách/năm. Không có xe buýt, hàng ngày, TPHCM có thêm 500.000 xe máy lưu thông, gây kẹt xe, thiệt hại 2.000 tỷ đồng/năm”- ông Cang nói.

Theo ông Cang, đến năm 2020, TPHCM vẫn tiếp tục trợ giá cho xe buýt. Trợ giá tăng do tăng giá xăng dầu và điều chỉnh lương tối thiểu. Hiện nay nhiều nước cũng trợ giá cho vận tải công cộng, như: Mỹ trợ giá 63% cơ cấu giá thành, Pháp: 57%, Anh 52%. Riêng TPHCM là 43%.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh không đồng tình: Các nước trợ giá 50, 60% song phương tiện công cộng đáp ứng 80, 90% nhu cầu đi lại. TPHCM mới đạt gần 11% nhu cầu đã phải trợ giá đến 43%.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Thái Văn Rê sốt ruột: 62 tỉnh thành cho phép, Hà Nội làm rần rần. TPHCM cấm là không ổn. Theo ĐB Phạm Hiếu Nghĩa, trợ giá bất cập mới sinh chuyện xé vé khống, “khách ảo, vé thật”.

“Cử tri phản ánh đi xe buýt như chịu cực hình. Hơn 1.000 xe đang hoạt động có tuổi đời trên 10 năm, hầu hết đã ọp ẹp, xuống cấp, máy điều hòa, nội thất hư hỏng, nhếch nhác. Bao giờ mới thay thế?” – ông Nghĩa chất vấn.

ĐB Hoàng Diễm Tuyết bức xúc: Nhiều cử tri gọi xe buýt là xe vua vì tự ý bỏ trạm, được phép chạy bạt mạng, vào làn xe hai bánh. Tài xế, tiếp viên phân biệt đối xử khách đi vé lượt, vé tháng.

ĐB Thuận Mỹ An hỏi: Tình trạng mất an ninh, kẻ gian trà trộn, móc túi, trấn lột hành khách có còn? Sở GTVT đã làm gì để bảo vệ người dân?

ĐB Trần Trọng Dũng hỏi: Bộ trưởng GTVT đã vận động, giám đốc sở có sử dụng xe buýt? Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thẳng: Tôi thấy không tiện. Xe buýt không đến được những nơi mình cần đến.

Ông Tất Thành Cang thừa nhận kể từ khi gắn thiết bị giám sát hành trình GPS, dù đã giảm song những vấn đề ĐB phản ánh vẫn còn, cần chấn chỉnh. Sở sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM nâng cao ý thức đội ngũ nhân viên và tài xế. Sở đã và đang phối hợp với lực lượng cảnh sát đặc nhiệm TPHCM đảm bảo an toàn cho hành khách.

“Sở đang lập đề án thay thế hơn 1.300 xe buýt. Xe mới lắp đặt camera trước, trong và phía sau giám sát toàn bộ hành trình. ” – ông Cang nói.

Vỡ bờ bao: Đổ cho dân

Đề cập đến tình trạng ngập úng, ĐB Võ Văn Sen chất vấn: Số điểm ngập phát sinh nhiều hơn số điểm giảm. Năm 2013, TPHCM giảm ngập 3 điểm, xóa ngập 4 điểm, kiểm soát 2 điểm ngập do triều cường thì phát sinh 21 điểm ngập mới. Nguyên nhân do đâu? Khi nào mới xong dự án đê bao sông Sài Gòn?

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập, phát sinh nhiều điểm ngập mới là do các nhà thầu thi công dẫn dòng không hợp lý. Hơn 60% diên tích TPHCM có cao độ dưới 1,5m, trong khi triều cường có lúc đã lên tới 1,68m.

Đối với dự án 1547 (với các hạng mục chính gồm 149 km đê bao dọc sông Sài Gòn, 9 cống ngăn triều lớn để giải quyết triệt để ngập úng do triều cường và mưa cho toàn thành phố) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 11.000 tỷ đồng, hiện nay mới hoàn thành 31 km/149 km đê bao ven sông Sài Gòn, 1/9 cống ngăn triều song tổng kinh phí đã đội lên 57.800 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về sự cố vỡ bờ bao rạch cầu Làng vừa qua, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết sự cố gây ngập cho 450 hộ dân trên diện tích 10 ha. Người dân tổ 55 (khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh) hiến đất mở rộng chân đê song tại tổ 54, hộ ông Lê Hoài Đức nuôi cá sát chân đê và chưa san lấp ao hiến đất làm đê. Ngoài ra, ao có cống bọng thông ra ngoài nên khi triều cường dâng cao, bờ bao bị yếu dẫn
đến vỡ.

“Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu địa phương phối hợp các cơ quan liên quan thống kê thiệt hại của người dân để có chính sách hỗ trợ. Tuy ngập sâu nhưng các hộ dân không bị thiệt hại nặng nề như dư luận thông tin mấy ngày qua” - bà Hạnh nói.

Theo ông Công, tháng 3/2013, UBND TPHCM thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12) và phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức). Đội quản lý đê nhân dân trực tiếp quản lý, duy tu, hộ đê, tuần tra, canh gác, lập các chốt canh khi có báo động triều cường từ cấp 1 trở lên. Mức thù lao cho mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân là 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tối ngày 4/12, triều cường vẫn làm bờ bao rạch Cầu Làng bị vỡ gần 20m.

Trên 14% đề tài khoa học “đút ngăn kéo”

Trả lời chất vấn của nhiều ĐB, PGS TS Phan Minh Tân, giám đốc Sở KHCN cho biết số đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế có hiệu quả chỉ chiếm trên 30%. Đề tài ứng dụng gián tiếp chiếm 32%; đang trong giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chiếm 24%. Đáng lưu ý, trên 14% đề tài (đa số thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn) có khả năng ứng dụng rất thấp, sau khi nghiệm thu thì … đút vào ngăn tủ.

Ngoài ra, mỗi đề tài, kể từ khi lập danh mục, xin cấp vốn đến lúc được quyết toán, giám đốc Sở KHCN phải ký khoảng … 100 chữ ký. Năm 2012 và 2013, Sở KHCN sử dụng không hết tiền ngân sách cấp (mỗi năm còn thừa hàng chục tỷ đồng) vì đến gần giữa năm mới được giao vốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.