Chỉ số Công lý: Người dân 'tự xử' rất nguy hiểm

Chỉ số Công lý: Người dân 'tự xử' rất nguy hiểm
TPO-Về Chỉ số Công lý lần đầu được công bố, theo Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (đơn vị phối hợp thực hiện chỉ số), người dân "tự xử" rất nguy hiểm.

> Mất 41 tháng để giải quyết khiếu nại hồ sơ cấp sổ đỏ

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh
Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh.

Có thể hiểu Chỉ số Công lý một cách đơn giản nhất là gì, thưa ông?

Công lý ở đây có hai khía cạnh.

Thứ nhất là sự công bằng, công tâm. Khi người dân có vướng mắc, tranh chấp gì thì có được giải quyết công bằng không, có thượng tôn pháp luật không.

Thứ hai là hợp lý. Văn bản pháp luật, quy định đó có đúng, trúng, hợp lý không.

Phải hội tụ cả hai khía cạnh này thì mới có công lý. Vì như, đền bù đất rất công bằng, công tâm, nhưng giá quá thấp thì cũng không thể nói là đảm bảo công lý. Tuy nhiên, công lý chỉ xuất hiện, cảm nhận được khi có sự tranh chấp, cần có sự phân xử.

Báo cáo về Chỉ số Công lý cho rằng, sự kém hiệu quả trong việc xử lý các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính khiến một số người dân tìm kiếm cách giải quyết bên ngoài hệ thống pháp lý, ông nghĩ sao?

Nên suy nghĩ tại sao người dân lại có nhận xét này? Bởi qua hỏi người dân thì 1/5 các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và ô nhiễm môi trường không nhận được phản hồi của các cơ quan nhà nước. Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng.

Thế nhưng 90% người dân được hỏi vẫn tìm đến chính quyền khi có tranh chấp, điều này nói lên điều gì, thưa ông?

Đại đa số người trả lời là, khi có tranh chấp điều gì thì trước hết họ tìm đến UBND xã. Vì họ tin chính quyền có quyền hơn, có thể giải quyết được. Điều này cho thấy một hệ thống vẫn theo tư duy “cai quản”, mà chưa có một hệ thống nằm trong một thể chế pháp lý hiện đại.

Để dễ hình dung, ta liên tưởng, trong một trận bóng khi xảy ra tranh chấp thì không gặp trọng tài mà tại tìm đến huấn luyện viên hoặc Liên đoàn Bóng đá!

Thực tế, UBND đâu phải cơ quan đi giải quyết những tranh chấp, việc này là của cơ quan tư pháp, tòa án, luật sư. Nhưng người dân lại chưa quen hoặc chưa tin vào hoạt động của Tư pháp.

TS Phạm Duy Nghĩa có nói ý là, hệ thống của chúng ta nhiều khi vẫn coi chính quyền là phụ trách tất cả. Cách thức tổ chức xã hội như vậy chưa hoàn toàn thể hiện tính chất pháp quyền. Đây chưa phải kiểu điều hành của một xã hội có nền quản trị hiện đại.

Có thể hiểu việc gì người dân cũng tìm đến UBND thì chúng ta vẫn là một “nhà nước lớn, xã hội nhỏ”, thưa ông?

Đúng, từ “nhà nước lớn, xã hội nhỏ” rất hay. Ngày nay, các nước đang hướng tới một “nhà nước rất nhỏ và xã hội lớn”. Từ đây, có thể suy ra, các vấn đề khác người dân cũng thường tìm đến chính quyền như học hành, từ thiện... Đó là vấn đề của một xã hội mà “vốn xã hội” ít, thiếu một hệ thống để tự vận hành.

Đáng ra,chính quyền chỉ là một cơ quan hành pháp, với những nhiệm vụ nhất định, còn lại xã hội phải tự vận hành và “pháp luật ở trên cùng” (thượng tôn pháp luật), trong đó hệ thống pháp lý đóng vai trò như trọng tài, được toàn quyền khi phán xét, nhằm đảm bảo công lý được thực thi,đảm bảo công bằng và hợp lý.

Vậy nếu không tìm đến chính quyền khi xảy ra tranh chấp thì người dân tìm đến đâu, thưa ông?

Người dân rất thông minh và thực tiễn. Với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì tìm đến chính quyền là thích hợp. Tuy nhiên, trong một xã hội có nền quản trị hiện đại và thượng tôn pháp luật, người dân có thể tìm đến cơ quan tư vấn pháp luật, Ban hòa giải cơ sở, tòa án...

Còn ở xã hội của chúng ta vẫn rơi rớt của thời bao cấp, khi nhà nước bao trùm tất cả các lĩnh vực. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực để có một xã hội với nền quản trị hiện đại.

Trong đó, ngoài vai trò quản lý của nhà nước, còn có sự tham gia, giám sát, phản biện của người dân, nhằm hoàn thiện pháp luật, khi đó các mối quan hệ trong xã hội sẽ hài hòa hơn, giảm những xung đột.

Trở lại vấn để giải quyết ngoài hệ thống pháp luật, ông nghĩ sao khi người dân tự xử như cách hàng trăm người giết một người trộm chó vừa qua?

Đây chỉ là cá biệt, nhưng thật đáng sợ. Đấy là mầm mống giống như con virus rất hiểm nguy đối với xã hội. Người dân ỷ vào vào “chính nghĩa” là chống trộm, nhưng họ đã bước qua ranh giới của sự nhân đạo và pháp luật. Tại sao chỉ vì trộm một con chó mà giết một mạng người. Những nhà quản trị xã hội, kể cả giáo dục- đào tạo cần quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông qua chỉ số Công lý liệu chúng ta có thể biết một chính sách thế nào là không đúng, trúng?

Một chính sách không trúng thường biểu hiện ở hai yếu tố. Về không gian, nếu chỉ quãng 5% lượng người hoặc địa phương khiếu kiện, còn 95% không khiếu kiện; và hiện tượng khiếu kiện không xả ra thường xuyên thì có thể nhận xét là chính sách trúng, chuẩn.

Nhưng ngược lại, có tới 80 - 90% khiếu kiện, thì lúc đó phải xem lại chính sách. Về thời gian, nếu hiện tượng khiếu kiện xảy ra trong một thời gian kéo dài thì có vấn đề. Thí du như chính sách đất đai hiện nay khiếu kiện năm này qua năm khác và xảy ra ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố.

Thực tế cho thấy, giá đất, thời hạn giao đất có vấn đề. Khi chính sách đúng, như một hệ thống chuẩn thì chỉ có những nhiễu sóng nhỏ, sai số và chỉ xảy ra ở một số nơi nhất định. Nếu quản lý xã hội mà đưa ra những chính sách không chuẩn đường quỹ đạo của hệ thống bị lệch (ta thường gọi là “lỗi hệ thống”). Khi đó, dù xử lý công tâm vẫn có xung đột.

Chỉ số công lý hay ở chỗ đó. Hội Luật gia hy vọng chỉ số này sẽ đóng góp vào quá trình hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam theo hướng hiện đại.

Cảm ơn ông!

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.