Chỉ vay cho đầu tư, không vay để chi thường xuyên

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc làm việc với Bộ Tài chính. Ảnh QH
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc làm việc với Bộ Tài chính. Ảnh QH
TPO - Từ năm 2017 trở đi, phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên và chỉ được giải ngân trong phạm vi được phê duyệt.

Ngày 5/7, tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc làm việc với Bộ Tài chính.

Báo cáo đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Luật Quản lý nợ công năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, đã quy định giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối về quản lý nợ công và thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định vay. Song, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công chưa thể hiện rõ nội dung này.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng đưa ra những vấn đề mới đặt ra trong quản lý nợ công thời gian tới. Cụ thể, từ năm 2016, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định. Do đó, các chương trình, dự án chỉ được giải ngân trong phạm vi kế hoạch vốn được giao.

Đối với các dự án cho đầu tư phát triển phải được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải bảo đảm hạn mức đầu tư công được Quốc hội giao. Đặc biệt, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công năm 2017 thì phải thực hiện nghiêm vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên và chỉ được giải ngân trong phạm vi được phê duyệt.

Bộ Tài chính tán thành, từ năm 2017 trở đi, phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, theo yêu cầu công tác giữa hai kỳ họp, Đoàn giám sát bắt đầu thực hiện giai đoạn hai của chương trình giám sát, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, một số cơ quan, đơn vị, địa phương có sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển của nước ngoài. Ngoài ra, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ, để tổng hợp tình hình chung, trước khi xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Hải nhấn mạnh, theo tinh thần Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong thống nhất quản lý nợ công, đặc biệt với quản lý vốn vay nước ngoài. Bộ Tài chính cần chú ý đánh giá bất cập, khó khăn, đặc biệt là xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai chính sách, pháp luật về quản lý nguồn vốn vay này. Từ đó, đề xuất giải pháp để nâng cao trách nhiệm quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG