Chia sẻ yêu thương, nơi tâm bão đi qua

Chia sẻ yêu thương, nơi tâm bão đi qua
TP - Những cái ôm chặt, những giọt nước mắt của cả chủ lẫn khách là tín hiệu đầu tiên cho thấy dòng chảy ấm áp, sẻ chia đang về nơi tâm bão.

> T.Ư Đoàn quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ
>Cạn nước mắt sau siêu bão

Có về trực tiếp mới hiểu nỗi đau thương

Có thể nói, đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là một trong những đoàn cứu trợ đầu tiên trong cả nước đến với vùng tâm bão Quảng Bình chỉ sau ba ngày tan bão. Không chỉ phụ nữ được xem là mau nước mắt như bà Võ Thị Dung (Chủ tịch UBMTTQ VN TP Hồ Chí Minh), mà ngay cả ông Hứa Ngọc Thuận (Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cũng hai mắt đỏ hoe khi chứng kiến cảnh tang thương nơi vùng tâm bão.

Bà Dung cho biết: Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh theo dõi sát cơn bão, cũng như thiệt hại mà nó gây ra cho miền Trung, nhưng bà đã rất bất ngờ về sức tàn phá của nó. “Có đi mới hiểu hết nỗi đau thương của người dân Quảng Bình do cơn bão gây ra. Nó tàn phá trên diện rộng, mỗi địa phương, từng gia đình có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là sự mất mát, đau thương” - Bà Dung nói.

Bà Dung cho biết, chuyến đi này, TP Hồ Chí Minh mang theo 5,7 tỷ đồng từ sự đóng góp của cán bộ, các nhà hảo tâm và nhân dân thành phố. Chuyến đi được chia thành hai đoàn, một đoàn về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Tại xã Sơn Lộc, bão gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng, 99% nhà dân bị sập và tốc mái. Đoàn đã trao 100 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho những gia đình thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Đỗ Ngụy ở xã Phú Trạch cứ mân mê cái phong bì đựng 500 nghìn nói: “Quý lắm, quý lắm! Đúng là một miếng khi đói, bằng một gói khi no. Số tiền ni tui sẽ mua được ít gạo chống đói và mua được mấy tấm lợp về che tạm trên mái nhà”.

Tại xã Cảnh Dương, đoàn của TP Hồ Chí Minh đã không khỏi sững sờ trước sức tàn phá ghê gớm của cơn bão. Hàng chục con tàu bị sóng đánh vỡ tan tành và nằm chênh vênh trên bờ. Bà Dung lại rơi nước mắt trước sự vượt khó của người dân.

Họ lặng lẽ lặn ngụp kiếm tìm những gì còn sót lại mà không một lời oán thán. Bà Dung nắm tay từng người, sờ vào từng chiếc tàu vỡ động viên bà con trong nấc nghẹn: “Các anh, các chị cố gắng lên, tôi tin cả nước sẽ chia sẻ những mất mát to lớn này của bà con”.

Thăm nhà của anh Nguyễn Thanh Thuần (SN 1974) nạn nhân chết trong bão khi giúp hàng xóm chống bão ở thôn Chính Trực, xã Quảng Long, đoàn của TP Hồ Chí Minh đã lặng người trước nghĩa cử cao đẹp của anh.

Chị Hà vợ anh Thuần, ôm hai đứa con nhỏ trong hai dòng nước mắt kể: “Hôm bão, có chiếc xe ô tô bị ngập nước ở chân cầu, nghe người ta gọi, anh chỉ mặc độc chiếc quần cộc lao ra giữa bão đẩy xe giúp họ. Vừa về đến nhà, thì nghe hàng xóm kêu cứu, anh lại lao ra, tui ôm anh lại nói “gió mạnh lắm, nguy hiểm lắm anh đừng đi nữa”.

Anh nói: “nhà người ta đang gặp hoạn nạn, mình là hàng xóm, không cứu thì ai cứu”, rồi xô cửa đi tiếp. Sau khi giúp họ kéo được chiếc cửa sắt, thì bất ngờ cả một mảng tường sụp xuống, đè nát người anh ấy”.

Gia đình anh Thuần rất khó khăn, đang ở trong căn nhà nhỏ vá chằng, vá đụp. Anh ra đi để lại cho chị Hà hai con nhỏ, cháu đầu mới 10 tuổi và cháu thứ hai mới sinh được 5 tháng. Chị Hà kể, thằng cu đầu mấy ngày ni không ăn chi, đêm ngủ cứ thức dậy gọi ba: “Ba ở mô không về nằm với con. Bữa ni ai chở con đi học đây ba ơi”.

Cần lắm sự sẻ chia

Chia sẻ với bà con vùng bão lũ Quảng Bình
Chia sẻ với bà con vùng bão lũ Quảng Bình.
 

Huyện Quảng Trạch nơi tâm bão đi qua với sức gió giật cấp 15 đã để lại nhiều mất mát đau thương. Ngoài xã Cảnh Dương, thì 8 cồn nổi, với khoảng 1,5 vạn dân sống giữa sông Gianh cũng tan hoang không kém. Cuộc sống của họ ngày thường vốn đã gặp muôn vàn khó khăn vì đất đai chật hẹp, nghề nghiệp không ổn định.

Còn trong bão lũ, thiên tai, những cồn nổi này thường được ví von là những “vùng đất cô đơn”. Giữa bốn bề sóng nước, không thể có một phương tiện nào tiếp cận được, mà chính người dân nơi đây phải đùm bọc nhau để vượt qua những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Ngày thứ 3 sau bão, chúng tôi về vùng cồn nổi Cồn Nâm, thuộc xã Quảng Minh. Người dân đang lầm lũi thu dọn “bãi chiến trường” sau bão.

Vùng Cồn Nâm có 4 thôn, 2 nhà bị sập hoàn toàn, rất nhiều nhà bị sập tường và gần như không ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Cây cối đổ ngổn ngang choán hết lối đi, mùi xú uế từ xác chết của động vật bốc lên nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Thay, với một cánh tay bị thương khi bức tường nhà bị sập, đứng ngay góc nhà đổ với hai hàng nước mắt: “Chồng tui chết hai chục năm rồi, trong nhà chỉ có ba mẹ con nương tựa vào nhau. Tui già rồi không làm chi có tiền, còn hai đứa con cũng không nghề chi. Nhà sập ri thì không biết cách chi mà làm lại. Khổ lắm chú ơi!”.

Vào lúc 1 giờ 30 phút sáng nay, một cơn lốc mạnh từ biển vào tiếp tục gây thiệt hại nặng cho xã Bảo Ninh, phường Phú Hải của TP Đồng Hới (Quảng Bình). Cơn lốc mạnh, kèm theo mưa to vào lúc nửa đêm đã làm tốc mái hơn 20 nhà dân và nhiều cơ quan Nhà nước như: Trụ sở xã, trường học, trạm y tế, kho tàng và làm 4 người bị thương ở hai địa phương nói trên.

Trong lúc đó, số người chết và tổng thiệt hại của Quảng Bình đang tăng lên hằng ngày. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 người chết và tổng thiệt hại hơn 8 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, ngày 2/10, anh Bùi Quang Bảnh, Phó Công an xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch trên đường đi giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10 đã tử vong do một cây tre nhọn xuyên thẳng vào phổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG