Chích ngừa phải ký cam kết!

Chích ngừa phải ký cam kết!
Sau những sự cố xảy ra do tiêm vắc-xin, một số cơ sở y tế đã vận dụng hình thức mới  - đó là cho người đi tiêm ký cam kết trước khi tiêm. Đây có phải là một cách để “né” trách nhiệm?

Chị B.H (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chị đến tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan siêu B ở Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM thì được bác sĩ bảo ký vào mẫu “Giấy cam đoan chấp nhận chích ngừa”, dù thấy là lạ, nhưng rồi chị cũng phải ký trước khi vào bàn tiêm.

Chị H. cho biết thêm, cùng lúc ấy có một bạn nữ sinh viên sau khi đọc xong tờ cam đoan, chần chừ rồi quyết định đứng dậy ra về.

Theo tìm hiểu của PV, BV Phụ sản Từ Dũ cũng cho ký cam kết đồng ý tiêm ngừa đối với những loại vắc-xin tiêm dịch vụ nằm ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Riêng ở Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thì có soạn “Bản câu hỏi sàng lọc trước khi tiêm chủng” dành riêng cho trẻ em, thiếu niên và cho người lớn, trong đó ở góc dưới có ô chừa sẵn để bác sĩ tư vấn và người đi tiêm ký tên vào...

Trong khi đó, nhiều BV thường xuyên tiêm ngừa cho trẻ em và người lớn cũng nằm trên địa bàn TP.HCM thì không bắt buộc người đi tiêm phải ký cam kết.

Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa (phụ trách phòng Khám - Chẩn đoán, Viện Pasteur TP.HCM) cho biết: “Viện không buộc người đi tiêm ký cam kết, mà bác sĩ phải khám, tư vấn và quyết định người đó có tiêm ngừa được hay không, và bác sĩ chịu trách nhiệm về quyết định của mình...”.

Giải thích về lý do phải ký giấy cam đoan, TS-BS Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới nói: “Trước đây không có giấy cam đoan, nhưng qua một số vụ tai biến sau tiêm ngừa vắc-xin xảy ra trong nước, chúng tôi có soạn mẫu giấy cam đoan để sau khi nghe bác sĩ tư vấn về lợi ích của tiêm ngừa, cũng như tai biến có thể xảy ra sau tiêm... nếu người bệnh đồng ý tiêm thì mới ký vào giấy cam đoan. Mục đích của việc ký để cho thấy người đi tiêm đã được bác sĩ tư vấn, cũng như người bệnh đồng ý tiêm, chứ không phải bác sĩ tự ý tiêm”.

Theo BS Hiền, không phải đặt bút ký vào giấy cam đoan thì người bệnh không có quyền khiếu nại gì nếu không may xảy ra tai biến. Một khi xảy ra tai biến, BV và cơ quan chức năng sẽ xem xét nguyên nhân tai biến do đâu, cho dù người bệnh có khiếu kiện hay không.

Tương tự, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ cũng cho rằng: “Việc ký giấy cam kết để cho thấy có sự đồng ý của người thân trẻ khi tiêm những loại vắc-xin không bắt buộc”.

Còn BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thì giải thích: “Sau một số sự cố xảy ra trong tiêm ngừa, tháng 7.2008, Bộ Y tế có ra quy chế về tiêm chủng. TP.HCM triển khai thực hiện một số bước theo quy chế, kể cả huấn luyện cho nhân viên tiêm ngừa. Trung tâm Y tế dự phòng TP có soạn phiếu tư vấn, có chừa phần chữ ký dành cho người đi tiêm, nhưng không bắt buộc họ phải ký, mà là để tư vấn, sàng lọc trước khi tiêm, nếu người đi tiêm đồng thuận”.

Không có quy định “ký cam kết”!

Trao đổi với PV hôm qua 24/3, ông Nguyễn Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) khẳng định: “Bộ Y tế không có quy định nào yêu cầu các cơ sở y tế phải có bản cam kết giữa người tiêm với cơ sở tiêm. Tuy nhiên, người tiêm dù là tự nguyện tiêm theo yêu cầu cũng cần được tư vấn trước tiêm về hiệu quả của vắc-xin cũng như được biết đầy đủ về các phản ứng sau tiêm ngừa có thể xảy ra”.

Theo ông Bình, thực tế các tỷ lệ phản ứng bất thường sau tiêm là rất thấp và hy hữu, nhưng việc chủ động để người đi tiêm biết về phản ứng sau tiêm là giúp cho họ hiểu, chủ động với tình huống có phản ứng bất thường, nhằm kịp thời đến BV.

Theo khảo sát của PV tại một số cơ sở tiêm vắc-xin trên địa bàn Hà Nội, không có hiện tượng cán bộ y tế yêu cầu người đi tiêm ký cam kết trước khi tiêm. Tiến sĩ Lê Thị Ánh Hồng, phụ trách phòng tiêm chủng 131 Lò Đúc (Trung tâm Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) cũng xác nhận, trước khi tiêm, các bác sĩ đều kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ cẩn thận, không cần ký cam kết gì. 

Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, khoa Dịch tễ (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho rằng: "Để người dân tin tưởng và yên tâm phòng bệnh bằng việc tiêm chủng, trước hết cán bộ y tế cần thực hiện nghiêm quy định về an toàn tiêm chủng: các điểm tiêm có bác sĩ tư vấn, để người đến tiêm, các phụ huynh cho con đi tiêm hiểu đầy đủ về vắc-xin, biết chăm sóc trẻ sau tiêm; khám sàng lọc trước tiêm để xác định các trường hợp chống chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm do điều kiện sức khỏe”.

Theo bác sĩ Cảm, việc ký cam kết giữa cơ sở y tế với người đi tiêm sẽ khiến họ mang tâm lý không thoải mái, thậm chí băn khoăn về chất lượng dịch vụ.

Tương tự, một bác sĩ phụ trách về tiêm vắc-xin của một cơ sở y tế tại TP.HCM cũng nói, việc ký giấy cam kết sẽ tạo tâm lý lo lắng cho người đi tiêm.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lưu ý: “Cần hiểu rằng, vắc-xin cũng như các dược phẩm khác không phải là tuyệt đối an toàn và hiệu quả. Vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ xảy ra phản ứng, tai biến sau tiêm.

Trong các năm 2006 - 2008, số phản ứng sau tiêm nặng xảy ra trong nước được báo cáo là 70 trường hợp. Trong đó, số được xác định không liên quan đến tiêm ngừa là 24 trường hợp, và 46 trường hợp được xem có thể liên quan đến tiêm ngừa".

Tuy nhiên, về quyền lợi của người được tiêm, pháp luật quy định rõ (theo khoản 6, Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm): “Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Theo Thanh Tùng - Liên Châu
Thanh Niên

MỚI - NÓNG