Chiếc nón khổng lồ chào APEC

Chiếc nón khổng lồ chào APEC
TP - Để chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 diễn ra tại Việt Nam, các nghệ nhân làng Chuông (Thanh Oai, Hà Tây) đã làm một chiếc nón khổng lồ, với đường kính vành lớn 3,6m; cao 1,5m và nặng hơn 15 kg.
Chiếc nón khổng lồ chào APEC ảnh 1
Chị Thu Hương (trái) và chiếc nón độc đáo. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Chiếc nón kỳ diệu” này sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt.

Chiếc nón “ba nhất”

Theo đơn đặt hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam, vợ chồng nghệ nhân Lê Văn Hùng, Tạ Thu Hương (cơ sở sản xuất nón lá Hùng Hương) và 5 nghệ nhân giỏi nhất làng Chuông, đã bắt tay vào làm “chiếc nón kỳ diệu” chào mừng APEC.

Những người dân trong làng cho biết, làm nón là nghề gia truyền của ông cha từ nghìn đời để lại. Vì thế đến giờ, vẫn còn khoảng 90% người dân làng Chuông sống bằng nghề nón.

Tuy nhiên, uy tín nhất, làm được những sản phẩm đặc biệt nhất thì chỉ có nhà Hùng - Hương chuyên sản xuất nón, hàng mây, tre, đan, đồ gỗ xuất khẩu.

Theo nghề nón từ khi 7 tuổi, hơn 30 năm nay, chị Hương gắn bó với những công đoạn uốn vòng con, là lá trắng… Chị cho biết, một chiếc nón đội thông thường có “số đo các vòng” là 41 cm (đường kính), cao 1,8 cm, nặng 1,2 lạng.

Nhưng chiếc nón này có đường kính vành lớn đến 3,6 m; cao 1,5 m; mái thoải dài 2,3 m và nặng hơn 15 kg. Trong khi chiếc nón thường có 15 vòng xương, 1 vòng cạp, 8 thanh khuôn thì chiếc nón “quá khổ” của các nghệ nhân làng Chuông có 62 vòng xương, 8 thanh khuôn và 12 múi.

Để làm được chiếc nón lớn nhất từ trước đến nay này chị Hương và năm người thợ giỏi nhất làng phải sử dụng 1.000 cành lá nón trắng, 10 cây nứa làm 62 vòng xương, 1 cây tre làm vành nón (cạp nón) có chu vi 13 m và dùng 30 tờ giấy troki trắng thay nguyên liệu mo tre thường dùng.

Vì là chiếc nón đặc biệt nên cách làm cũng rất… đặc biệt. Bình thường, khung nón được làm bằng tre, nhưng khung để dựng “chiếc nón APEC” lại được dựng bằng… sắt.

“Sau khi thiết kế, tôi phải thuê thợ hàn khung nón để đảm bảo chắc chắn. Cái khung này nặng gần 60 kg. Có lẽ đến giờ, nó là chiếc khung nón “vô địch” về cân nặng” -  Anh Hùng dí dỏm nói.

Vì nón to quá khổ nên suốt chục ngày, những nghệ nhân làng Chuông phải vật lộn ngoài sân để làm nón. Tối đến, nón được che đậy cẩn thận và phải “ngủ nhờ” ... vỉa hè nhà hàng xóm vì không thể đưa vào nhà được.

Chị Hương và các nghệ nhân khác cũng cho biết, làm chiếc nón không dùng để… đội này rất kỳ công. Người làm phải mất công chọn lá trắng dài mà vẫn phải nối 8 lá mới đủ cỡ.

Khi khâu nón phải “trong, ngoài kết hợp”, mũi khâu thưa hơn. Đặc biệt, khó nhất là làm sao phải giữ cho hai lớp lá trắng, một lớp giấy troki phải phẳng khi xe… cước, luồn kim. “Nếu thao tác không khéo, chiếc nón sẽ rất dễ méo mó và phồng lên, rất xấu” - Chị Hương nói.

Chiếc nón to nhất, ý nghĩa nhất…, chiếc nón “made in làng Chuông” còn có mức giá "ngất ngưởng" nhất: 4,2 triệu đồng. Chị Hương và các nghệ nhân trong làng khẳng định, từ trước đến nay chưa có chiếc nón nào của làng có giá như thế.

Đậm đà hương vị  Việt Nam

Chiếc nón khổng lồ chào APEC ảnh 2
ChỊ Thu Hương và những người thợ làm chiếc nón độc đáo chào mừng APEC  Ảnh: Hồng Vĩnh

Sau khi bàn giao “chiếc nón kỳ diệu”, chị Hương tâm sự: “Chúng tôi rất vui và vinh dự vì chiếc nón của người làng Chuông - một trong những hình ảnh đặc trưng của nền văn hóa Việt - được chọn trưng bày tại Triển lãm “Di sản văn hóa Việt Nam”, chào mừng APEC.

“Chiếc nón là vật dụng thân thương gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người Việt. Nón để che mưa, che nắng. Nón được người nông dân dùng làm quạt mát sau mỗi buổi làm đồng. Nón cũng là đồ trang sức cho các thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống…

Vì thế, khi được đặt làm chiếc nón này, nghệ nhân trong làng rất vui vì có cơ hội giới thiệu làng nghề, cũng như quảng bá một nét đẹp văn hóa của người Việt” - Một nghệ nhân làng Chuông thổ lộ.

“Muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Cho đến giờ, kinh nghiệm đúc rút của ông cha  vẫn còn nguyên giá trị. Bởi, mỗi khi có sự kiện quan trọng, các đơn vị, tổ chức lại tìm về làng Chuông đặt nón.

Mới đây nhất, trong kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam, gia đình chị Hương cũng làm 4 chiếc nón lớn, trưng bày ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Mỗi “chiếc nón SEA Games” có đường kính rộng 3 m, cao 1,2 m. Chúng là những chiếc nón đứng thứ hai về độ “hoành tráng”, tính đến thời điểm này.

Ngoài những sản phẩm đặc biệt ra, hằng ngày, chị Hương và những nghệ nhân làng nón vẫn nuôi sống gia đình bằng nghề cha ông để lại. Những chiếc nón bộ (gồm ba, bốn hay năm chiếc), nón đơn chiếc, nón trao đèn, nón lồng bàn… và những sản phẩm hàng mây tre đan khác của làng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Như bao chiếc nón lá “đậm đà hương vị Việt Nam” từng được vươn ra thế giới, chiếc nón khổng lồ chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá một nét văn hóa của người Việt. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.