Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh văn hóa Việt

Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát
Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo- Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng quân sự đơn thuần mà đó là chiến thắng khẳng định sức mạnh của nghệ thuật quân sự Việt Nam và của nền văn hóa Việt Nam.

Sự thất bại của phi nghĩa trước chính nghĩa

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho rằng lịch sử không chỉ là những gì xưa cũ, mà theo C.Mác lịch sử của những gì đã qua luôn đè nặng lên những người đang sống. Vì vậy, trong 60 năm qua những người lính làm công tác nghiên cứu vẫn đang ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu lý giải chiến thắng vĩ đại này. 

Lịch sử diễn ra một lần, nhưng người nghiên cứu, người viết sử phải viết rất nhiều lần. Với độ lùi của thời gian có nhiều sự kiện sẽ sáng rõ hơn, nhưng cũng có khi lịch sử lại bị chính thời gian phủ bụi, bị khỏa lấp bởi những sự kiện khác lớn hơn. Đối với Điện Biên Phủ, thời gian càng làm cho chúng ta nhìn rõ chân giá trị của nó.

Về nguyên nhân chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ, thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho rằng đó là chiến thắng của chính nghĩa trước phi nghĩa. Bởi quân sự phục tùng chính trị, chính trị đúng thì tập hợp lực lượng, sức mạnh của toàn dân. Nếu không có chính nghĩa, chính trị đúng thì quân sự có giỏi mấy thì vẫn dẫn tới thất bại.

Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam với mục tiêu dành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân. Mục tiêu đó phù hợp với nguyện vọng của người dân Việt Nam, với xu thế của thời đại, được nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ.

Đánh giá về thất bại tại Điện Biên Phủ từ phía bên kia chiến tuyến- chính giới Pháp từng đổ lỗi cho những nhà quân sự Pháp là “một lũ ngu xuẩn”. 

Nhưng trên thực tế, tướng lĩnh Pháp đều được đào tạo bài bản, qua các trường lớp quân sự hàng đầu của Pháp, Anh và Mỹ. Như tướng Henri Navarre là một ví dụ tiêu biểu, ông đã tham gia Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai và là tổng chỉ huy trong thời gian quân Pháp bị thất trận tại trận Điện Biên Phủ...

Tuy nhiên tài năng quân sự của họ lại bị đặt dưới ngọn cờ chính trị sai, đó là lấy phi nghĩa chống lại chính nghĩa. Còn giới quân sự Pháp lại cho rằng chính giới Pháp là nguyên nhân của thất bại ở Điện Biên Phủ. 

Vì trong suốt chiến tranh, Việt Nam chỉ có một Đảng lãnh đạo, một lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chỉ huy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn chính phủ Pháp thì đổ năm lần bảy lượt, thay tướng liên tục, nên không thể đánh thắng Việt minh.

Một số người nghiên cứu ở tầng sâu hơn đã phần nào lý giải nguyên nhân thất bại của Pháp tại Việt Nam khi họ càng ngày càng hiểu hơn về con người và văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ở tầng mức này, các nhà nghiên cứu nước ngoài thấy rằng Pháp thua trận không phải vấn đề quân sự, mà người Pháp đã thất bại trước nền văn hóa Việt Nam.

Đó là văn hóa của một dân tộc sinh ra và lớn lên trong môi trường rất khắc nghiệt, hàng nghìn năm lịch sử luôn luôn đối chọi với thiên nhiên với các cường quốc, đế quốc cả kể cả phương Bắc, phương Tây. Nó tôi luyện cho người Việt Nam truyền thống dựng nước và giữ nước.

Sau thất bại của người Pháp, người Mỹ thế chân cố tình chia cắt lâu dài Việt Nam cũng phải chịu thất bại tương tự, thậm chí lớn hơn. Chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, McNamara viết cuốn sách Nhìn lại tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân Mỹ thua ở Việt Nam là do không hiểu về dân tộc Việt Nam, và nhất là không hiểu về chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam.

Chiến tranh nhân dân là cội nguồn của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Khi chúng tôi đề cập tới nghệ thuật quân sự của Việt Nam, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo trầm ngâm. Ông cho rằng trong một thời gian ngắn không thể nói hết về nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam, nhưng nói một cách tổng quát đó là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân trong thời đại mới làm nên sức mạnh sẵn sàng đánh bại bất kỳ đội quân xâm lăng nào.

Nghệ thuật đó được Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể bằng đường lối chiến tranh đúng đắn là toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Điện Biên Phủ là điểm hẹn của lịch sử. Đó cũng là điểm hẹn của chính nghĩa và phi nghĩa. Tại chiến cục Đông Xuân 1953-1954, người Pháp muốn Điện Biên Phủ thành pháo đài bất khả xâm phạm, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm, con nhím khổng lồ nhằm nghiền nát quân chủ lực Việt Nam.

Còn chúng ta muốn giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ để đánh bại ý chí xâm lược của Pháp. Chính vì vậy trước khi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền quyết định cho Đại tướng, Người ân cần căn dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Nắm chắc phương châm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ phương án tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn vào ngày 13/3/1954. 

Sau 3 đợt tiến công, 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, vượt mọi hy sinh, gian khổ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát-xtơ-ri, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của nhân dân Việt Nam.

Ánh sáng của Điện Biên Phủ soi rọi tới tương lai

Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ “ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhận định chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành hành trang cho các thế hệ sau này làm nên Điện Biên Phủ trên không 1972, làm lên Đại thắng Mùa xuân 1975. Những người lính, sĩ quan được đào luyện qua kháng chiến chống Pháp, đặc biệt được tôi lửa qua chiến dịch Điện Biên Phủ sau này đã đảm nhiệm vị trí quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ.

Từ kinh nghiệm tổ chức chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Pháp chúng ta phát triển hơn khi đi vào kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và chúng ta đã giành chiến thắng trước Mỹ.

Hình ảnh hàng vạn dân công xe thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ là điểm tựa cho chúng ta mở đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hình ảnh các anh hùng “Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo”, “Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” cũng trở thành biểu tượng trở thành sức mạnh tiềm tàng của quân và dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh văn hóa Việt ảnh 1

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo

“Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa trước phi nghĩa, chiến thắng của nền văn hóa Việt Nam với truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo

Từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ, Đối với lực lượng vũ trang nói chung, và quân đội nói riêng trưởng thành vượt bậc. Trình độ, tư tưởng của những người lính trong chống Mỹ được nâng lên nhiều so với chống Pháp, từ một đội quân chân đất, quân đội nhân dân Việt Nam đã thay đổi cả về chất và lượng. Quan trọng hơn dù chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhưng quân đội đó không tách rời nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.

Năm 2004, trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tròn 50 năm sau chiến thắng lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắn nhủ “Kẻ thù của nước ta hiện nay là nghèo nàn và lạc hậu. Thanh niên hiện nay phải phát huy truyền thống Điện Biên Phủ trong học tập, kinh doanh để lập nên những kỳ tích “Điện Biên Phủ lớn, nhỏ”, trong thời kỳ hiện nay”.

Bình luận về phát biểu này, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho rằng đây là lời khẳng định mang tính quy luật, chiến thắng quân sự có vững bền hay không phải nằm ở việc nhân dân có vững bền không. Như người xưa đã nói “Nước dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

“Chính vì thế chúng ta đã làm nên Điện Biên Phủ 1954, Điện Biên Phủ trên không 1972, Đại thắng Mùa xuân 1975 nhưng chưa làm nên Điện Biên Phủ trong kinh tế thì chúng ta có lỗi với tiền nhân”, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự nói.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cũng đặt vấn đề chúng ta có phát huy được truyền thống, dòng sông có tiếp tục chảy ra biển lớn, không phụ thuộc vào thế hệ đã ngã xuống, những anh hùng trong quá khứ… Mà sự tiếp nối đó nằm ở thế hệ trẻ hôm nay.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.