Chiều nay, bão Côn Sơn vào Việt Nam

Đường đi của bão Côn Sơn sáng nay
Đường đi của bão Côn Sơn sáng nay
TPO – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa cho biết: chiều tối nay, tâm bão sẽ đi vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Trong khi đó, ngoài khơi, chúng ta đã bị chìm 3 tàu, mắc cạn 3 tàu.

Tâm bão Côn Sơn từ Quảng Ninh đến Nam Định

Sáng sớm nay, tại Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, ông Lê Thanh Hải – PGĐ TT Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương – cho biết: vào chiều tối nay, tâm bão Côn Sơn sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định.

Theo đó, lúc 6 giờ sáng nay, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (từ 89 – 117 km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, các vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 7, sau tăng cấp 8, cấp 9, vùng tâm bão đi qua cấp 10 đến 13. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 4-7m. Ven biển Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 9; tâm bão giật cấp 12, cấp 13.

Hôm nay, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương:
Tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm: 172 tàu/ 1.320 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 30 tàu/396 người ở Hoàng Sa).

Hiện nay, có 05 tàu/67 người của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đã cứu được 29 người trên 02 tàu, còn 38 người/ trên 03 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.

Báo cáo của bộ đội biên phòng các địa phương cho biết: có 06 tàu (chứa tổng cộng 70 người) đang bị hư hỏng hoặc chìm (trong đó, Quảng Ngãi: 5 tàu/68 người; Hà Tĩnh 01 tàu /03 người đã được cứu vớt an toàn).

Công tác di dân tránh bão cũng đang được các địa phương khẩn trương tiến hành.

Phải dự báo chính xác hơn nữa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám nhắc nhở TT Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải tập trung dự báo thời tiết chính xác. Trong đó, phải nói rõ chi tiết cho nhân dân biết: thời gian bão vào; cụ thể hướng, nơi sẽ vào; dự tính chính xác lượng mưa…

Theo ông Tám, cách nói tâm bão có thể làm người dân chủ quan, vì khi tâm bão vào Việt Nam thì thực chất, vùng ảnh hưởng của bão đã đổ bộ vào nước ta trước đó rồi.

Hà Nội phải sẵn sàng ứng phó ngập lụt

Nhiều lần trong phiên họp sáng nay, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nhắc nhở Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để có các biện pháp ứng cứu khi xảy ra úng ngập.

“Cái này khả năng là nhãn tiền rồi” – Thứ trưởng nói về nguy cơ ngâpk lụt của Thủ đô, qua đó, thúc giục các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có các phương án đối phó với mưa, bão.

Trước đó, tại phiên họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương vào sáng qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý Hà Nội phải rà soát khẩn trương hệ thống tiêu úng nội đô. “Chỉ lượng mưa khoảng 150mml như ngày 13-7 vừa qua mà ngập khắp nơi là không ổn.

Khi bão vào, lượng mưa lên đến hàng trăm ml Hà Nội xoay trở ra sao. Còn giải thích do quá trình đô thị hóa, đang xây dựng nhiều công trình…dẫn đến bị tắc, tiêu nước chậm thì nói vào thời điểm nào cũng đúng! Hà Nội chưa đánh giá đúng nguyên ngân gây ngập” - Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG