Chiều nay, bão số 9 ảnh hưởng từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu

Chiều nay, bão số 9 ảnh hưởng từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu
TPO - Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung  tâm dự báo KTTV T.Ư cho biết từ chiều nay, 3/12, bão sẽ ảnh hưởng tới vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

>> Tin bão khẩn cấp - cơn bão số 9

>> Bão Durian : Hơn 800 người Philippines thiệt mạng

Chiều nay, bão số 9 ảnh hưởng từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 1
Sơ đồ dự báo đường đi của bão số 9 của TT Dự báo KTTV TƯ phát hồi 11h30 ngày 3/12.

Sức gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 8 – 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật trên cấp 12.

Hồi 10 giờ  sáng nay (3/12), vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,9 độ vĩ bắc, 113,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 480km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13.  

Dự báo đến 7 giờ ngày mai, 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, cách bờ biển Bình Định - Ninh Thuận khoảng 150 km về phía đông đông bắc. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 120 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300 km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Trưa mai, bão Durian ảnh hưởng đến các tỉnh nam Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ

Từ sáng sớm ngày 4/12, các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Buổi trưa, bão Durian sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh nam Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ. Gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10.

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, nam Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khoảng chiều và tối mai, bão sẽ đổ bộ vào địa phận các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bình Thuận, sau đó đi sâu vào đất liền.

Dự tính đến 7h ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,6 độ vĩ bắc; 107,5 độ kinh đông, trên địa phận Đắk Nông - Lâm Đồng.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Cũng theo ông Bảy, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Trung tâm dự báo KTTV T.Ư cũng cho biết Trung tâm hiện đang cho phát 8 bản tin/ngày nhằm cảnh báo và cập nhật thông tin kịp thời về cơn bão Durian.

Theo cảnh báo của Trung tâm cũng cảnh báo, do bão số 9 có phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió rất mạnh, mưa lớn nên có nhiều khả năng gây lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; vùng ven biển nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều có thể cao từ 3,5 - 4,5m.

Sẵn sàng chuẩn bị di dân ở những khu vùng thấp

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 9 còn diễn biến phức tạp, trên ảnh mây vệ tinh hình ảnh xoáy bão lại rõ thêm cho thấy chưa có dấu hiệu suy giảm về cường độ. Dự báo của các đài khí tượng trong khu vực về thời gian và địa điểm đổ bộ vào đất liền trong các ngày 4 và 5/12 hiện rất khác nhau.

Trung tâm cảnh báo của Mỹ tại Trân Châu Cảng dự báo bão Durian sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Đài dự báo của Trung Quốc xác định bão sẽ vào Khánh Hòa và tiến sâu vào Bình Phước. Đài dự báo khí tượng Hồng Kông xác định bão sẽ đi vào khu vực Sóc Trăng với cường độ gió 139 km/h và phải đến gần hết ngày 5/12 bão mới suy giảm cường độ xuống còn 92 km/h. Đến ngày 6/12 bão sẽ tiếp tục suy yếu thành bão nhiệt đới.

Do hướng đổ bộ của bão vào đất liền còn phức tạp nên Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu cấm tàu thuyền hoạt động trên biển đông từ Quảng Ninh đến Cà Mau đồng thời yêu cầu các địa phương từ Quảng Ngãi đến Cà Mau bố trí lãnh đạo trực xử lý tình huống để tránh bị động như cơn bão Linda năm 1997. Trên đất liền, các địa phương từ Quảng Ngãi đến Sóc Trăng có phương án sẵn sàng chuẩn bị di dân ở những khu vùng thấp, trũng, những nơi nhà tạm đến nơi an toàn khi có lệnh.

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 3/12/2006, Thủ tướng Chính phủ có công điện số: 1979/CĐ-TTg gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thủy sản, Bưu chính-Viễn thông, Quốc phòng, Công an;

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;

- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;

- Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương;

- Tổng cục Du lịch;

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam.

Nội dung như sau:

Bão số 9 đang di chuyển vào đất liền và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm cả các tỉnh phía Tây của khu vực này. Bão số 9 diễn biến rất phức tạp, cường độ của bão tiếp tục mạnh lên, phạm vi ảnh hưởng rộng, tình hình rất khẩn trương. Tiếp theo các công điện khẩn số 1977/CĐ-TTg và số 1978/CĐ-TTg ngày 2/12/2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bả Rịa-Vũng Tàu tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp quyết liệt bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Tổ chức sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng, khu vực an toàn).

Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước sáng ngày 04 tháng 12 năm 2006.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ không được chủ quan lơ là, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, chỉ đạo công tác phòng, chống kịp thời, có các phương án cụ thể phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và quyết định các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân ở các vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước khi bão vào.

3. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ: Quốc phòng, Thủy sản, Giao thông vận tải, Công an và các Bộ ngành, các lực lượng liên quan chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đối phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

4. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Công điện này./.

MỚI - NÓNG