Chìm nổi xứ người

Chìm nổi xứ người
TP - Tháng 3/2009, xã Đậu Liêu quê tôi làm lễ công bố trở thành phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Thái Danh Khởi, nguyên cán bộ phụ trách văn hóa của phường, cho tôi biết,

Đậu Liêu đã có khoảng 700 người đi lao động ở nước ngoài. Mục đích để kiếm tiền, bởi ở quê người ngày càng đông mà đất đai ngày càng hẹp, không làm gì ra tiền. Tôi hỏi, dân Đậu Liêu ra nước ngoài làm việc gì để kiếm tiền? Khởi trả lời: Làm thuê, một số ít ăn cắp.

Những cuộc ra đi táo tợn

Dân Đậu Liêu từ xưa nổi tiếng táo tợn, cương trực. Do nằm bên chân núi Hồng Lĩnh rừng rậm âm u, lại gần ngã ba Bãi Vọt, cái ngã ba hoang vắng, chừng 40 năm trở về trước đêm tối không mấy người đám đi qua. Nay ngã ba đã sầm uất, từ năm 1992 là trung tâm thị xã Hồng Lĩnh.

Dân Đậu Liêu thì vẫn ngang tàng như xưa, như suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thế kỷ trước, Đậu Liêu không có người theo địch, không mấy người ra chiến trường mà đào ngũ. Xã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Mấy năm nay, thanh niên Đậu Liêu ào ạt đi nước ngoài, gửi tiền về xây dựng những ngôi nhà cao tầng khang trang, được đánh giá là xã giàu nhanh của tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng thanh niên Đậu Liêu làm nông, ít có nghề nghiệp gì khác, đi ra nước ngoài làm việc theo con đường nào? Thái Danh Khởi, nguyên cán bộ phụ trách văn hóa phường, cười bảo: Đi chui, theo đường dây du lịch, tới nơi ở lại.

Tôi có một đứa cháu gái, lớn lên học hành và làm đủ thứ nghề nhưng không đâu vào đâu. Cách đây mấy năm, cháu đòi đi Đức. Cha mẹ thương con, vay mượn được 100 triệu đồng cho cháu theo một đường dây. Sang tới nơi, cháu sống bơ vơ, khiến ở nhà rất lo lắng. Dần dà, cháu biết làm ăn hợp pháp, có chồng. Đầu năm nay, cháu đưa thêm 3 đứa em họ sang Đức, tất cả “đi chui”.

Khi đã yên ổn, cháu kể thật và tôi bàng hoàng. Hồi cháu đi, mất hơn 7 tháng lang bạt quê người, mới tới nơi. Đến đó, ở vào một trại tỵ nạn, được phát tiền ăn. Hàng ngày rỗi rãi, cháu theo bạn bè vào các siêu thị ăn cắp hàng hóa, bán kiếm tiền gửi về cho cha mẹ trả nợ. Khi trả được kha khá thì bị bắt quả tang ăn cắp, cháu không còn dám quay về trại tỵ nạn nữa mà sống chui lủi, tủi nhục một thời gian dài.

Thực tế như vậy mà vẫn cuốn hút nhiều thanh niên Đậu Liêu theo chân. Bây giờ, mỗi người sang Đức tốn không phải 100 triệu đồng nữa mà là 250 – 270 triệu đồng, nhưng chừng một tháng đã tới nơi. Sang Tiệp Khắc (cũ) tốn kém 100 - 200 triệu đồng, tùy đường dây. Sang Anh đắt nhất, tốn gần 600 triệu đồng, đó là đi trực tiếp còn quá cảnh nước thứ ba thì rẻ hơn. Nơi nào kiếm tiền dễ hơn trong nước, thanh niên Đậu Liêu dám sẵn sàng, mà nơi kiếm tiền dễ hơn thì coi bộ mênh mông.

Đứa em trai nuôi của tôi “đi chui” sang Đức đầu năm 2008 khi vợ mới từ Đài Loan giúp việc nhà ba năm trở về. Giá sang Đức lúc đó 200 triệu đồng. Thống kê sơ bộ, cứ mười người “đi chui” ra nước ngoài, khoảng hai người không trót lọt, bị phát hiện giữa chừng, đuổi trở về.

Một số người bị bắt giam, số ít khác không bao giờ còn trở về quê Đậu Liêu được nữa. Họ đã chết ở đâu đó. Xã Đậu Liêu có đứa trẻ mới 13 tuổi cũng theo anh sang xứ người. Có gia đình, anh sang mấy tháng bị bắt quả tang làm chuyện phi pháp, bị trục xuất, về nhà hùn tiền cho em tiếp tục sang.

Một chàng trai lối xóm kể với tôi hành trình cậu ta sang Đức không trót lọt. Bay tới Nga rồi theo đường bộ vượt các biên giới, nhiều chặng bốn người bị nhét vào một cốp chiếc xe du lịch. “Trời lạnh chứ nóng như bên ta chắc chết ngộp hết rồi”, cậu ta nói. Đói khát là chuyện thường, bị đánh chửi là cơm bữa. Vượt rừng, đêm hôm len lỏi tới đất Ba Lan thì bị bắt, bị tống giam ba tháng mười ngày và đuổi về nước.

Chủ đường dây trả lại hai phần tiền, còn một phần thành nợ nần. Vội cho vợ sang Đài Loan giúp việc nhà, theo diện hộ nghèo tốn phí chưa đến 6 triệu đồng, nhờ thế trả được nợ, mới cất căn nhà hơn 300 triệu đồng. Vợ đi đã năm năm và tôi hỏi đã mong vợ về chưa, chàng trai trả lời: Đang mong vợ về để cậu ta đi. Cuộc kiếm tiền chống đói nghèo hiện nay quyết liệt, gian khổ và chia ly không mấy thua kém thời ông cha thuở trước!

Mánh lới

Một đứa cháu rể của tôi, lấy con gái ông anh họ, đi mấy năm ở châu Âu về cất được căn nhà to đẹp. Mới đây, cho vợ tiếp tục đi ra nước ngoài, chịu ở nhà gà trống nuôi con. Cháu tôi tâm sự, vì cháu không thể đi được nữa mới phải cho vợ đi. Sao vậy? Hóa ra, cháu tôi ăn cắp bị bắt, bị trục xuất 10 năm, không cho bén mảng trở lại nước đó. Vui chuyện, cháu kể mánh lới ăn cắp ở xứ người.

Thịnh hành nhất là ăn cắp trong siêu thị. Dùng vải che các con mắt điện tử lại, hệ thống bảo vệ siêu thị trở thành mù, tha hồ khoắng. Thứ được lấy cắp nhiều nhất là rượu, ban đầu không biết bẻ chíp gắn ở chai rượu, ra cửa đều bị phát hiện. Sau bẻ chíp đi, cầm chai rượu lộn ngược giắt quanh thắt lưng, bỏ túi, khoác áo rộng bên ngoài che lại, ra cửa thản nhiên.

Lấy hàng trong các siêu thị còn có chiêu làm hỏng hàng hóa, chiêu này tinh vi, không sợ bị bắt nhưng hơi mất công. Kín đáo xé nhãn hàng hóa với hàng công nghệ chế biến, bấm móng tay làm hỏng vài trái trong các hộp đựng trái cây, với hộp đựng trứng thì đánh vỡ vài quả. Những hàng ấy trở thành không còn đáng tin cậy, không bán được nữa, cuối ngày nhân viên kiểm tra đem vứt ra thùng rác. Dân Đậu Liêu tôi chờ sẵn, lấy về bán rẻ chút nhưng cũng có tiền.

Tinh vi và nổi tiếng một thời là sửa vé tàu hỏa. Ở nước ấy, vé tàu hỏa bán theo giờ và theo tháng. Vé giờ 2 đồng, vé tháng 72 đồng, người khá giả mới mua vé tháng. Thanh niên ta mua cả ôm vé giờ, dùng kỹ thuật hiện đại sửa thành vé tháng, bán ra 50 đồng. Rẻ như thế, người bản xứ cũng tranh nhau mua. Việc gian lận này kéo dài hai năm, thu được món khá, hãng tàu hỏa thì lỗ nặng. Người ta nghi ngờ, tại sao người Việt nghèo khó mà toàn đi vé tháng? Thế là bại lộ.

Ăn cắp cả điện nước trong các khu chung cư. Ở chung cư, điện hành lang do tập thể chịu tiền. Người Việt bèn câu điện hành lang vào dùng. Đồng hồ nước thì hơ lửa cho ống nhựa mềm ra, găm cây sắt nhỏ chèn không cho kim đồng hồ quay. Quản lý chung cư rất kinh ngạc là người Việt sống không hề tốn điện, nước? Mãi sau họ mới phát hiện được.

“Dân nước đó gọi chúng cháu là mafia”, cháu tôi nói và toét miệng cười. Còn sang Anh, thanh niên Đậu Liêu chủ yếu làm thuê trồng “rau cỏ hoa”, cũng có khi làm chủ. Nếu làm chủ, may mắn có thể kiếm nhiều chục triệu đồng một tháng. Có người sang đó một năm gửi về tiền tỷ.

Cái táo tợn, ngang tàng của dân Đậu Liêu, được rèn giũa thời gian dài chống ngoại xâm tìm trăm phương nghìn kế “lừa địch” để chiến thắng. Nay hoàn cảnh khách quan có những ràng buộc, đẩy đưa, cá nhân đôi lúc khó thoát ra được. Nghe đứa cháu kể, tôi vừa ngạc nhiên vừa xót xa, ngoài miệng cười mà trong lòng chua chát.

Hành trình văn hóa

Phường Đậu Liêu đã giàu lên so với chỉ mươi năm trước. Mình so với mình tuy không có nhiều ý nghĩa song không còn đói rách, con người gặp nhau tay bắt mặt mừng cũng hồ hởi. Đàn ông ít uống rượu, ít cảnh lè nhè, nhưng đàn bà nhiều người lại nghiện rượu, chẳng hiểu vì sao, vì đỡ lo chuyện cơm áo chăng? Có bà uống rượu rồi cởi áo quần “đi lại nghênh ngang ngoài đường”.

Chìm nổi xứ người ảnh 1
Trạm y tế xã Đậu Liêu

Nhưng tôi cũng thấy có một dòng chảy âm thầm mạnh mẽ phục hồi các giá trị văn hóa làng quê, từng có lúc bị mai một. Ông Phạm Duy Ngụ, một đảng viên thời chống Pháp, khi nghỉ hưu hăng hái vận động dựng lại chùa Đại Hùng.

Nghe nói phát tích ngôi chùa này có từ thời Hùng Vương, bị phá đi dựng lại nhiều lần, đến giữa thế kỷ 20 nằm lưng chừng núi Hồng Lĩnh và bị phá lần nữa. Lúc vận động dựng lại, người góp gỗ, người góp công, có người còn giữ được cả gỗ và gạch của ngôi chùa cũ để góp vào, làm âm thầm trong đêm, dựng cũng trong đêm. Chính quyền xã ban đầu ngăn cản, về sau ủng hộ, nay ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Đền thờ ông Bùi Cầm Hổ, một vị quan làm nhiều việc vì dân cách nay hơn 600 năm, mới xây dựng lại cũng được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Và mới đây nhất, đầu năm 2009, nhà thờ họ của tiến sỹ Thái Kính, con rể ông Bùi Cầm Hổ, đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa.

Khi đi thăm di tích Bùi Cầm Hổ, tôi rẽ vào trạm y tế xã. Một khuôn viên xanh mát bóng cây, có 13 phòng chức năng phục vụ chữa bệnh. Ngân sách đã mua bảo hiểm y tế cho 1.761 người ở các gia đình nghèo, chính sách, chiếm 34,4 phần trăm dân số toàn xã. Bác sỹ Phan Thân, Trưởng trạm Y tế cho biết thêm: Năm qua, anh chị em lao động nước ngoài ủng hộ 33 triệu đồng mua được một số dụng cụ y tế khá hiện đại.

Những hoạt động ngỡ như rời rạc, lẻ tẻ ấy đang thể hiện một nỗ lực bền bỉ cố kết con người làng xã lại với nhau, giữ con người Đậu Liêu trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Ông Nguyễn Trọng Hảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh nhận xét, người Đậu Liêu rất đoàn kết, thương yêu nhau; việc đi lao động nước ngoài là một minh chứng, người đi được tìm mọi cách đưa anh em, xóm giềng đi theo.

Nhưng trong nỗi niềm sâu xa, tôi lại có điều day dứt. Đi ra nước ngoài làm ăn, một số ít người kiếm tiền bằng cái cách như vừa kể ở trên, rõ ràng không bền. Kiếm tiền như thế, có thể được nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền nhưng con người chưa hẳn đã được nâng cao lên tương xứng?

Bâng khuâng, tôi trèo lên núi Hồng Lĩnh. Dãy núi thơ mộng bắt đầu từ chỗ gần dòng sông Lam khi trong khi đục ở phía bắc, men theo bờ biển, chạy dài vào nam. Ở đoạn giữa, bên này chân núi Hồng Lĩnh là phường Đậu Liêu với ngã ba Bãi Vọt. Bên kia chân núi Hồng Lĩnh là quê hương thầy địa lý Tả Ao, cụ Nguyễn Du. Còn từ ngã ba Bãi Vọt, theo đường số 8 ngược một quãng đến quê ông Trần Phú. Mảnh đất này, từ xưa đã có nhiều người đi ra nước ngoài.

Ông Tả Ao sang Trung Quốc học hành, trở về thành thầy địa lý đi vào truyền thuyết. Cụ Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc trở về sáng tác nên Truyện Kiều bất hủ. Ông Trần Phú xuất dương đón nhận được luồng ánh sáng của thời đại, góp sức thành lập Đảng cộng sản. Ông Bùi Cầm Hổ năm 1438 với chức Phó sứ sang nhà Minh, trở về thành một “tổ sư” vùng Nghệ Tĩnh đắp đê làm thủy lợi. Những giá trị văn hóa mới mẻ tiếp thu được khi ra nước ngoài đã nâng con người lên sáng đẹp vĩnh hằng.

Chứ không phải đồng tiền!

Thế kỷ 21, đi lại bốn biển năm châu đã dễ dàng. Con người xa quê thì vẫn như hạt bụi, và so với thế giới bao la có thể còn nhỏ hơn hạt bụi, tôi mượn hình ảnh trong câu thơ của ông Sơn Nam: “Phong sương mấy độ qua đường phố, hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

 Mấy trăm hạt bụi Đậu Liêu đang xa quê, ở xứ người lạnh ấm, mải miết tìm kiếm niềm vui với những giấc mơ mỗi tháng gửi về nhà ít tiền. Trong hành trình mênh mông và diệu vợi ấy, hy vọng thanh niên còn tìm được những niềm vui lớn hơn, thực hiện được những ước mơ cao đẹp hơn. Và quê hương, không ngừng nâng đỡ những bước đi xa “chân cứng đá mềm”.

Cần Thơ tháng 5/2009

MỚI - NÓNG