Chín người chết do bão lũ, hơn 300 nhà dân tốc mái

Chín người chết do bão lũ, hơn 300 nhà dân tốc mái
TPO - Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17h chiều nay đã có 8 người chết do lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Bão số 5 cũng làm 1 người chết, nhấn chìm 10 tàu cá và tốc mái hơn 300 nhà dân.

> Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Em Võ Hoàng Nam, 5 tuổi đi bộ trên cây cầu khỉ để về nhà. Ảnh chụp tại ấp Tham Bua, xã Tân Thành A. Ảnh: Tiến Thành - Tuổi Trẻ
Em Võ Hoàng Nam, 5 tuổi đi bộ trên cây cầu khỉ để về nhà. Ảnh chụp tại ấp Tham Bua, xã Tân Thành A. Ảnh: Tiến Thành - Tuổi Trẻ.

Hôm nay (30-9), mực nước lũ tại ĐBSCL đang lên và tình trạng vỡ đê vẫn đang đe doạ 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Hiện các địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chăn nguy cơ vỡ đê, bảo vệ diện tích lúa Thu đông cũng như hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại.

Tại tỉnh Đồng Tháp, một đoạn trên tuyến đê Bắc Viện bất ngờ bị vỡ, nước lũ tràn vào khu vực 10.000 ha lúa thuộc xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Sau gần hai giờ, việc cứu đê đã thành công.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có gần 700 ha lúa thu đông bị mất trắng, thiệt hại hơn 11 tỷ đồng, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đồng Tháp quyết định sẽ trích ngân sách hỗ trợ bà con có lúa bị ngập lũ theo Quyết định 142 của Thủ tướng chính phủ với mức 2 triệu đồng/ha, đồng thời tạm ứng thêm 6 tỉ đồng để các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự kịp thời gia cố đê bao.

Còn tại An Giang, hầu hết các tuyến đê xung yếu bao bọc 7 tiểu vùng sản xuất lúa thu đông trên diện tích hơn 4.000 ha bị nước lũ phá vỡ mấy ngày nay đã được khắc phục. Riêng tuyến đê bao bảo vệ 320 ha lúa ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành bị lũ tràn ngập thì không còn khả năng khắc phục.

Trước sức lũ tấn công mạnh, An Giang đã quyết định đóng cửa tạm thời hai đập Tha La và Trà Sư để bảo vệ hàng chục ngàn ha lúa còn lại. Giải pháp trên đã phát huy tác dụng. Để ứng phó tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẵn sàng điều tiếp hàng ngàn cán bộ chiến sĩ từ các địa phương khác đến chi viện cho 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp ngăn chặn nguy cơ tiếp tục vỡ đê bao trên diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày đầu tháng 10, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên sẽ lần lượt đạt đỉnh; sau đó biến đổi chậm.

Tính đến chiều nay (30-9), lũ đã làm 8 người chết, trong đó, An Giang 4 người, Đồng Tháp 1 người , Long An 2 trẻ em và Cần Thơ 1 người.

Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn BĐ3: 0,3m; các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên trên mức BĐ3 từ 0,2 - 0,4m.

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 10. Đến ngày 4-10, mực nước tại Mộc Hóa sẽ lên mức 2,4m ở mức BĐ3.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em vùng lũ, từ ngày 28-9, ngành giáo dục và đào tạo Đồng Tháp cho 87 trường, 11.705 học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học.

Cảnh báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình:

Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 5, ngày hôm nay (30-9), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tính đến 16 giờ ngày 30-9, lượng mưa đo được phổ biến từ 50 – 100mm, một số nơi trên 150mm, như Minh Hóa: 184mm, Tân Mỹ: 184mm. Lũ trên thượng nguồn sông La và Sông Gianh đang lên nhanh.

Mực nước lúc 16 giờ tại các trạm trên một số sông chính như sau:

Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 7,0m, dưới báo động (BĐ) 1: 0,5m; Sông Gianh tại Đồng Tâm: 10,61m, dưới BĐ2: 1,39m; tại Mai Hóa: 3,70m, trên BĐ1: 0,70m.

Đến đêm nay, sáng sớm mai (1-10), mực nước trên các sông như sau:

Sông Giang tại Mai Hóa có khả năng lên mức 6,0m, dưới BĐ3: 0,5m; Thượng nguồn sông La có khả năng lên mức BĐ1, có nơi trên BĐ1.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng thượng nguồn sông La và lưu vực sông Gianh.

Tin bão gần biển Đông (Cơn bão NALGAE):

Hiện nay trên khu vực phía Đông đảo Lu - Dông (Philippin) một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là NALGAE.

Hồi 16 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 16 giờ ngày 1-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây đảo Lu - Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy khoảng chiều tối và đêm 1-10, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông. Đến 16 giờ ngày 2-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều mai (1-10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

VTV - Tuấn Nguyễn

Theo Viết
MỚI - NÓNG