Chỉnh đốn đội ngũ tiếp xúc với dân

Chỉnh đốn đội ngũ tiếp xúc với dân
TP - “Trong lĩnh vực kinh doanh, thủ tục cho doanh nghiệp thực tế vẫn còn nhiều bức xúc. Vì vậy trong thời gian tới sẽ chỉnh đốn đội ngũ tiếp xúc với dân, giảm sự nhũng nhiễu của cán bộ”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam do Tổ chức tài chính Thế giới (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 8-11.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc .

Không nên dựa nhiều vào các tập đoàn

Ông Janamitra Devan, Phó Chủ tịch WB-IFC cho rằng việc Việt Nam tăng được 10 bậc lên vị trí 78 về cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2010 là việc rất đáng mừng. Tuy nhiên, thứ hạng 78 chưa phải là cao và Chính phủ cần tiếp tục cải thiện nhiều nữa.

Điển hình, trong các chỉ số có chỉ số đóng, trả thuế Việt Nam xếp 124 và còn thua xa so với các nước khác trên thế giới. Trong lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 nước đứng cuối cùng bảng xếp hạng và là một trong 2 nước có điểm 0 về chỉ số mức độ trách nhiệm của giám đốc.

“Việt Nam không nên chỉ dựa vào các công ty, tập đoàn lớn để phát triển kinh tế đất nước. Nếu không có nền tảng vững chắc và mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì duy trì sự phát triển là khó. Việt Nam cần khoảng 10 tỷ USD ròng mỗi năm để duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Vì vậy sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng. Không nên chỉ trông chờ vào khu vực Nhà nước mà thôi”- Ông Devan đánh giá.

Sẽ chỉnh đốn đội ngũ tiếp xúc với dân

"Từ nhiều năm nay, các tổ chức quốc tế đều nêu ra các điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là thủ tục hành chính, kết cấu nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Để cải thiện ba vấn đề này hoàn toàn không dễ và dường như chúng ta gỡ được cái này thì phát sinh ra cái khác. Còn hạ tầng thì tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng hơn" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận việc thực hiện cải cách hành chính chưa thực hiện đầy đủ. Hiện trong lĩnh vực kinh doanh, thủ tục vẫn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp. Vì vậy trong thời gian tới sẽ chỉnh đốn đội ngũ tiếp xúc với dân, giảm sự nhũng nhiễu của cán bộ...

Chính phủ sẽ thành lập cơ quan cải cách hành chính từ Chính phủ đến các UBND thành phố và địa phương và đẩy mạnh cập nhật trang web về thủ tục hành chính để người dân giám sát. “

Chính phủ phấn đấu trong cải cách thủ tục hành chính và cải cách CNTT, đến trước 2015 trên 30% đấu thầu hàng hóa, xây lắp được cấp qua mạng. 100% hộ chiếu được cấp qua mạng. Để phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn hiện nay thì việc cải cách thể chế là rất quan trọng”- Ông Phúc cho biết.

Nhìn từ góc độ chuyên gia, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam nếu chỉ nhìn vào một số chỉ tiêu của báo cáo thì chúng ta chưa thể vui mừng mà cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã ổn.

Ví dụ về tín dụng, chúng ta được xếp thứ 15 thế giới nhờ có hai sáng kiến về cải thiện tín dụng. Nhưng những cải cách đó nhỏ và không có ý nghĩa nhiều với những người đi vay. Nếu điều tra doanh nghiệp thì đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cho rằng tiếp cận tín dụng là một trong những khó khăn lớn nhất. Nếu cứ căn cứ vào thứ hạng trên mà mừng thì điều đó không hợp lý.

MỚI - NÓNG