Chính phủ cần báo cáo về thất thoát vốn ODA trước QH và nhân dân

Chính phủ cần báo cáo về thất thoát vốn ODA trước QH và nhân dân
Về vụ việc tiêu cực tại PMU 18, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan trong việc quản lý vốn ODA và Chính phủ cần có báo cáo đầy đủ về tình trạng thất thoát trước Quốc hội, nhân dân.
Chính phủ cần báo cáo về thất thoát vốn ODA trước QH và nhân dân ảnh 1
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Trọng Ngoạn phát biểu ý kiến. Ảnh : TTXVN

Sáng 17/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI làm việc tại hội trường, các đại biểu thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày.

Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Đoàn Bắc Giang) phát biểu nhấn mạnh những thành tích đáng tự hào trong 20 năm đổi mới của đất nước, đặc biệt là những kết quả đạt được về kinh tế- xã hội trong 5 năm (2001 – 2005).

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ biểu dương cách làm việc hiệu quả, sát dân của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ trong việc giải quyết những vướng mắc, khiếu nại của nhân dân trong lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh đó, Đại biểu nêu một số vấn đề mà cử tri bức xúc như: Do tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng, nên việc tăng lương đang mất dần ý nghĩa. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân vẫn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Vấn đề đình công, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt khó khăn của công nhân tại các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trước trước những vấn đề bức xúc đó…

Đại biểu Ngoạn bày tỏ sự bức xúc trước những vụ việc tiêu cực mới được phát hiện, điển hình như ở PMU 18, cầu Văn Thánh, vụ Nguyễn Lâm Thái và đề nghị phải xử lý thích đáng những cá nhân sai phạm. Về vụ việc tiêu cực tại PMU 18, đại biểu đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước, Kiểm toán nhà nước trong việc quản lý nguồn vốn ODA và Chính phủ cần có báo cáo đầy đủ về tính trạng thất thoát trước Quốc hội, nhân dân.

Cũng về vấn đề quản lý nguồn vốn ODA, đại biểu Tào Hữu Phùng (Đoàn Hà Tây) không tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng trách nhiệm trước những sai phạm xảy ra thuộc tập thể Chính phủ mà nhấn mạnh đến trách nhiệm chủ trì và điều phối nguồn vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thời gian qua, Bộ KH & ĐT mới quan tâm đến việc thu hút các nguồn vốn, mà chưa chú ý theo dõi, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn ODA. Với trọng trách quản lý các nguồn tài chính của đất nước, Bộ Tài chính đã thiếu kiểm tra, giám sát, không phát hiện kịp thời các sai phạm. Bên cạnh trách nhiệm lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Tào Hữu Phùng cũng chỉ rõ trách nhiệm của các bộ chủ quản. Đại biểu cho rằng, các quy định pháp lý hiện hành trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA không đồng bộ và đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội để sớm ban hành Luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Cùng quan điểm với đại biểu Tào Hữu Phùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (Đoàn An Giang) khẳng định trách nhiệm trước tiên trong quản lý nguồn vốn ODA là thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp theo là của Bộ Tài chính. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cũng bày tỏ những băn khoăn về cơ sở để xây dựng chiến lược tài chính của đất nước những năm tới và hiệu quả việc sử dụng tài chính công.

Trong buổi sáng, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu, đề cập đến những vấn đề khác như chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; phải tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh; nêu những băn khoăn của cử tri trước việc giá cả đang tăng cao và đề nghị không nên tăng giá điện đối với khu vực nông thôn …

TTXVN

MỚI - NÓNG