Chính phủ điện tử hạn chế tối đa tham nhũng

Chính phủ điện tử hạn chế tối đa tham nhũng
TPO - “Kể từ khi áp dụng Chính phủ điện tử đến nay, 100% công việc liên quan đến thủ tục hành chính của Hàn Quốc đều được thực hiện trên máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa tham nhũng" .
Chính phủ điện tử hạn chế tối đa tham nhũng ảnh 1
Ông Kang Dong Seok. Ảnh: L.A

Ông Kang Dong Seok - Phó Chủ nhiệm Tiểu ban Phát triển Chính phủ điện tử (Ủy ban Xã hội thông tin Quốc gia Hàn Quốc) trao đổi với Tiền phong  tại Diễn đàn Chính sách Chính phủ điện tử Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội.

Theo ông Kang, chương trình Chính phủ điện tử (e-government) của Hàn Quốc được Liên Hợp Quốc bình chọn là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Chính phủ.

100% các thủ tục hành chính ở Hàn Quốc đều được thực hiện trên máy tính. Người dân Hàn Quốc bây giờ không phải đến các cơ quan nhà nước để làm các thủ tục này.

Sau khi Chính phủ điện tử ra đời, công việc thuận lợi và nhanh chóng rất nhiều. Chính phủ điện tử nâng cao tính minh bạch, công khai của Chính phủ, hiện tượng tham ô, tham nhũng rất khó tồn tại.
Ông Kang Dong Seok

Xin ông cho biết những khó khăn nhất mà Hàn Quốc đã gặp phải khi mới áp dụng chính sách Chính phủ điện tử?

Hầu như nước nào khi bắt đầu áp dụng chương trình này cũng đều gặp phải những khó khăn. Việt Nam hiện cũng đang gặp phải những khó khăn mà chúng tôi đã từng gặp phải ở thời kỳ đầu. Việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nhân dân nhận được những ưu đãi từ các dịch vụ của Chính phủ còn thấp.

Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là làm thế nào để thay đổi nhận thức của con người. Thời kỳ đầu mới áp dụng, không những viên chức mà còn rất nhiều người khác phản đối. Bởi họ lo lắng công việc của họ sẽ bị giảm bớt, sẽ nhiều người thất nghiệp và hơn hết là họ không còn cơ hội để... tham nhũng.

Những khó khăn mà Hàn Quốc đang gặp phải khi áp dụng Chính phủ điện tử hiện nay là gì?

Chính phủ điện tử rất công khai và minh bạch. Nhân dân được trực tiếp tham dự hoặc được biết mọi thông tin từ Chính phủ. Chính phủ liên tục tập hợp các thông tin cho người dân được biết.

Hiện tại cũng có ý kiến của người trong Chính phủ cho rằng, nếu người dân biết hết mọi thông tin từ Chính phủ, khả năng lộ thông tin hoặc bảo hộ thông tin rất khó khăn.

Một bên cho rằng, người dân chỉ được tiếp xúc thông tin với một mức độ nào đó thôi. Một bên thì chủ trương, người dân có quyền được biết mọi thông tin từ Chính phủ.

Hai mâu thuẫn này cứ liên tục diễn ra và đang  là vấn đề rất khó khăn hiện nay của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục bàn bạc xem người dân được quyền tiếp cận với bao nhiêu phần trăm thông tin từ Chính phủ.

Từ khi thực hiện chính sách Chính phủ điện tử, tỷ lệ tham nhũng của Hàn Quốc giảm được bao nhiêu, thưa ông ?

Tham nhũng thì chúng ta rất khó tính được, vì đó là việc cá nhân và người ta làm giấu diếm. Khi  đã có Chính phủ điện tử, đến một lúc nào đó, chúng ta tự cảm nhận thấy, tham ô tham nhũng sẽ tự giảm đi.

Chẳng hạn, trước đây làm kinh doanh đối tác thường gặp nhau làm việc, dễ nảy sinh tham ô, tham nhũng. Khi Chính phủ điện tử đi vào đời sống, mọi dịch vụ đều đi vào máy tính, làm việc online hết, mọi thứ đều có mẫu.

Khi mọi thứ đều minh bạch, liệu có hết sạch tham nhũng?

Không thể trả lời là hoàn toàn không, vì hiện tại Chính phủ điện tử không thể bao hàm hết mọi lĩnh vực, các nghiệp vụ mà Chính phủ đang làm. Ví dụ, một doanh nhân nào đó đầu tư vào Việt Nam 1 tỷ USD, thì Chính phủ không thể quản lý cũng như không thể đưa lên mạng những thông tin đó được. Nhưng những việc liên quan tới dân sinh như việc đăng ký sổ đỏ hay nhà đất thì có thể làm được.

Trước đây, ở Hàn Quốc cũng vậy, người dân mang giấy tờ tới cơ quan hành chính nhờ chứng minh cho họ, đấy là nhà của họ. Mỗi người dân đều phải mang giấy tờ đến cơ quan hành chính và đơn được xếp thành từng chồng. Họ có thể đút lót cho ông cán bộ để giấy tờ của họ được xử lý nhanh hơn. Nhưng bây giờ mọi việc đều qua Internet và không còn hiện tượng như thế nữa.

Với những thành công đó, Hàn Quốc có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì cho Việt Nam?

Theo tôi, có 4 vấn đề chúng ta có thể hợp tác ngay. Đó là chia sẻ thông tin, mở rộng việc điều hành tương hỗ, trao đổi nguồn lực và nên có các hội thảo định kỳ. Về trao đổi nguồn lực, Hàn Quốc sẵn sàng tiếp nhận những chuyên gia Việt Nam sang học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc hoặc cử chuyên gia Hàn Quốc tới Việt Nam.

Xin cảm ơn ông

MỚI - NÓNG